Cần đắp lại hình hổ trên bức bình phong ở lăng Ngô Quyền
Văn hóa - Ngày đăng : 06:07, 05/03/2014
Dư luận cho rằng, bức bình phong được xây dựng trước lăng Ngô Quyền khiến lăng bị che khuất, hình đắp nổi trên bức bình phong thiếu thẩm mỹ. Nhà thủ từ xây dựng cao hơn hậu cung, rãnh thoát xây ngay phía sau lăng đã phạm vào những điều tối kỵ, khó có thể chấp nhận.
Bức bình phong mới dựng trước lăng mộ vua Ngô Quyền. |
Sau khi kiểm tra hiện trạng, đoàn kiểm tra đánh giá, các hạng mục đang thi công (đoạn rãnh thoát nước phía sau lăng Ngô Quyền, bức bình phong đắp hình hổ, nhà thủ từ) đều theo đúng hồ sơ thiết kế đã được Bộ VH,TT&DL và Sở VH,TT&DL Hà Nội phê duyệt.
Dạ thượng lương hạng mục nhà thủ từ ở cốt 3,85m, dạ thượng lương hậu cung ở cốt 4,26m nên thông tin dư luận phản ánh nhà thủ từ xây dựng cao hơn hậu cung là chưa chính xác. Đối với hạng mục bình phong, đoàn kiểm tra ghi nhận hình hổ đắp nổi chưa đạt yêu cầu.
Cũng tại buổi làm việc này, ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, chủ đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo đền và lăng Ngô Quyền đã đưa ra đầy đủ văn bản khẳng định dự án được triển khai theo đúng quy định của Luật Xây dựng và Luật Di sản văn hóa. Người dân làng cổ Đường Lâm, đại diện dòng họ Ngô Việt Nam, đại diện chính quyền xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây và nhiều nhà khoa học đã tham gia đóng góp cho thiết kế dự án qua 2 lần BQL di tích làng cổ Đường Lâm tổ chức hội nghị xin ý kiến. Nói về bức bình phong, ông Phạm Hùng Sơn cho biết, các hạng mục đang trong quá trình thi công, chưa nghiệm thu nên chủ đầu tư sẽ yêu cầu phía thi công làm lại cho đến khi đạt yêu cầu.
Theo báo cáo kinh tế kỹ thuật được phê duyệt, di tích đền thờ và lăng Ngô Quyền được tu bổ, tôn tạo các hạng mục: Tôn tạo tổng thể, nghi môn (thay nghi môn hai trụ với nghê chầu bằng nghi môn tứ trụ truyền thống), tiền tế, hậu cung; tu bổ, tôn tạo lăng theo hướng mở rộng khuôn viên lăng về hai bên và phía sau; xây mới bức bình phong, xây dựng các công trình phụ trợ (nhà bảo vệ, nhà khách, nhà trưng bày bổ sung, nhà thủ từ...). Dự kiến, thời gian triển khai dự án là 3 năm (2013-2016) với tổng mức đầu tư hơn 29,9 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn dòng họ Ngô đóng góp là 10 tỷ đồng, nguồn ngân sách là hơn 19,9 tỷ đồng. Sau 6 tháng khởi công (ngày 26-8-2013), dự án mới nhận được 2 tỷ đồng từ dòng họ Ngô, còn nguồn vốn ngân sách chưa được bố trí.
Trao đổi với báo chí chiều cùng ngày, GS Trần Lâm Biền - người tư vấn xây dựng bức bình phong tại đền thờ và lăng Ngô Quyền khẳng định ông chỉ góp ý, tư vấn nên xây bức bình phong, còn việc trang trí như thế nào ông không được tham gia. GS Trần Lâm Biền cũng cho rằng, hình hổ trên bức bình phong hiện nay rất xấu và kiến nghị đắp lại.