Phổ biến giáo dục pháp luật

Xã hội - Ngày đăng : 06:55, 04/03/2014

LTS: Nhằm thực hiện tuyên truyền Luật Phổ biến giáo dục pháp luật vào cuộc sống, từ tháng 3-2014, Báo Hànộimới mở chuyên trang về lĩnh vực này...

LTS: Nhằm thực hiện tuyên truyền Luật Phổ biến giáo dục pháp luật vào cuộc sống, từ tháng 3-2014, Báo Hànộimới mở chuyên trang về lĩnh vực này với mong muốn cung cấp những thông tin mới nhất về công tác phổ biến giáo dục pháp luật của thành phố và đáp ứng nhu cầu tìm hiểu các văn bản, chính sách liên quan đến nhiều lĩnh vực của bạn đọc. Chuyên trang ra ngày thứ ba hằng tuần, của tuần thứ nhất và tuần thứ ba hằng tháng. Mời bạn đọc quan tâm theo dõi.

Tạo chuyển biến về ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật

Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013, thời gian thực hiện chưa phải là dài. Mặc dù vậy, công tác PBGDPL trên địa bàn TP Hà Nội đã có đổi mới về hình thức song vẫn còn những hạn chế. Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố - bà Hồ Xuân Hương, trả lời phỏng vấn của Báo Hànộimới xung quanh vấn đề này.

Bà Hồ Xuân Hương.


- Thưa bà, Sở Tư pháp vừa là cơ quan chuyên môn, vừa là cơ quan Thường trực Hội đồng Phối hợp PBGDPL thành phố ghi nhận công việc triển khai thực tế một năm qua có những thuận lợi hay khó khăn gì?

- Trước khi Luật PBGDPL có hiệu lực, hằng năm, Sở Tư pháp tham mưu cho UBND thành phố ban hành kế hoạch PBGDPL trên địa bàn thành phố theo chương trình PBGDPL của Chính phủ, kế hoạch của Bộ Tư pháp và các chương trình công tác trọng tâm của Thành ủy, UBND TP Hà Nội. Từ khi Luật PBGDPL và các văn bản quy định chi tiết thi hành có hiệu lực thì việc triển khai công tác PBGDPL đã bước đầu khắc phục được những khó khăn. Năm 2013, năm đầu tiên thực hiện Luật PBGDPL, Hội đồng Phối hợp PBGDPL thành phố đã được kiện toàn theo Quyết định số 27/QĐ-TTg ngày 19-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ; hoạt động PBGDPL của các sở, ban, ngành, đoàn thể thành viên Hội đồng; của UBND các quận, huyện, thị xã đã đi vào nền nếp và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao ý thức pháp luật của người dân Thủ đô. Sở Tư pháp đã tham mưu giúp thành phố ban hành các văn bản triển khai công tác PBGDPL, hướng trọng tâm vào phổ biến Hiến pháp 1992 (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) và các văn bản pháp luật mới ban hành; xây dựng kế hoạch tổ chức các cuộc thi tìm hiểu luật, cải cách hành chính với các hình thức: Thi viết, gửi bài qua mạng… Bên cạnh đó, Hội đồng Phối hợp PBGDPL còn tổ chức kiểm tra công tác PBGDPL tại 6 sở, ngành và 11 quận, huyện nhằm kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị và đánh giá, đề xuất khen thưởng các đơn vị có thành tích xuất sắc.

- Bà có thể cho biết cụ thể hơn về kết quả thực hiện Luật PBGDPL trên địa bàn thành phố năm 2013 và những khó khăn trong quá trình đó là gì?


- Năm 2013, công tác PBGDPL ngày càng đi vào nền nếp, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung tuyên truyền các văn bản luật mới ban hành như Luật Thủ đô, Luật PBGDPL, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Lao động (sửa đổi)… Các văn bản này được các cơ quan từ thành phố tới cơ sở chủ động, tích cực triển khai đến cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật phong phú, đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng. 29/29 quận, huyện, thị xã đã ban hành kế hoạch PBGDPL trên địa bàn; củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác PBGDPL. 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn đều có tủ sách pháp luật. Nhiều địa phương còn xây dựng ngăn sách pháp luật tại thôn, xóm, cụm dân cư, tổ dân phố…

Tuy công tác PBGDPL trên địa bàn Hà Nội đã đổi mới về hình thức nhưng vẫn còn có những hạn chế; hình thức PBGDPL truyền thống như hội nghị, tập huấn... vẫn là chủ yếu; một số nơi hoạt động PBGDPL còn mang tính hình thức, chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu của người dân… Trong khi đó đội ngũ báo cáo viên pháp luật tuy đông đảo về số lượng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu công việc. Một số sở, ngành chưa thành lập tổ chức pháp chế theo quy định nên chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác PBGDPL. Đội ngũ cán bộ tư pháp xã, phường còn thiếu, lại được phân cấp nhiều nhiệm vụ nên còn gặp khó khăn trong công tác PBGDPL. Một số quận, huyện chưa xây dựng, kiện toàn, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật của địa phương trực thuộc. Đặc biệt, không ít nơi đầu tư kinh phí cho công tác PBGDPL còn hạn hẹp nên ảnh hưởng đến kết quả triển khai.

- Bà có thể cho biết về kế hoạch triển khai công tác PBGDPL năm 2014?


- Năm 2014, Hà Nội tiếp tục thực hiện chương trình hành động theo Kết luận số 04-KL/TƯ ngày 19-4-2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về kết quả thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TƯ ngày 9-12-2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2012-2016 và các đề án thuộc chương trình, kế hoạch PBGDPL năm 2014. Đặc biệt là kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trên địa bàn thành phố, công tác PBGDPL tập trung phổ biến các văn bản luật mới ban hành như: Hiến pháp 1992 (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Luật Hòa giải ở cơ sở... bằng nhiều hình thức, phù hợp đối tượng, chú trọng đổi mới hình thức PBGDPL, áp dụng mô hình mới, có hiệu quả trong thực tiễn, hướng công tác PBGDPL về cơ sở; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; triển khai thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2014; biên soạn, in và phát hành tài liệu hỏi - đáp pháp luật (sách, tờ gấp) phục vụ công tác PBGDPL trên địa bàn Thủ đô; tiếp tục thực hiện xã hội hóa công tác PBGDPL, quan tâm PBGDPL cho các đối tượng đặc thù; kết hợp công tác tuyên truyền, phổ biến với xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Năm 2014, thành phố tập trung thực hiện Năm trật tự và văn minh đô thị, vậy công tác PBGDPL có nhấn mạnh đến công tác này?

- Đúng vậy, công tác PBGDPL sẽ tập trung phổ biến, giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật về trật tự xây dựng, giải phóng mặt bằng, an toàn giao thông, quảng cáo, vệ sinh thực phẩm… Chúng tôi mong muốn, với các kế hoạch được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng sẽ góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng, tự giác chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân trên địa bàn thành phố; góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

- Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Thùy Ngân