Dải phân cách cứng phân làn giao thông, có còn phù hợp?
Giao thông - Ngày đăng : 07:32, 03/03/2014
Nhiều phiền toái, bất cập
Nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông của người điều khiển phương tiện giao thông, tháng 9-2011, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đã thí điểm áp dụng việc phân làn, tách các phương tiện giao thông bằng dải phân cách cứng trên một số tuyến đường (một chiều), như: Xã Đàn-Đại Cồ Việt-Trần Khát Chân, Giải Phóng, Bà Triệu, Phố Huế-Hàng Bài, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh...
Thời gian đầu, dải phân cách cứng bằng vật liệu bê tông được đặt giữa đường, phía trước dải phân cách là cột biển báo bằng sắt ghi rõ làn xe dành cho ô tô, xe máy và xe đạp. Sau đó, người ta cho xây gờ bê tông nổi lên trên mặt đường khoảng 5-7cm, bên trên đặt những tấm tôn hoặc sắt có sơn phản quang được kết nối với nhau. Có thể nói, qua một thời gian duy trì, dải phân cách cứng đã góp phần làm chuyển biến ý thức khi tham gia giao thông của không ít người. Thế nhưng, trên thực tế những hệ lụy, phiền toái mà nó đem lại cho người tham gia giao thông cũng không ít. Tình trạng tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện va chạm với dải phân cách thường xuyên xảy ra, trong đó không ít trường hợp nguy kịch phải nhập viện. Thời gian trước, tại nhiều tuyến phố khi dải phân cách chưa được tháo dỡ, rất dễ bắt gặp hình ảnh cột biển báo bị đổ gãy, thậm chí dải phân cách cũng bị đổ hoặc xô lệch.
Dải phân cách cứng tại khu vực nút giao thông ngã ba Giải Phóng-Kim Đồng trước khi tháo dỡ |
Bên cạnh đó, do không tính toán kỹ lưỡng nên tại nhiều tuyến phố, tuyến đường việc đặt dải phân cách không đúng vị trí đã gây ra sự bất hợp lý, vô hình trung góp phần “tích cực” tạo nên ùn tắc giao thông. Ví dụ, trước đây, trên tuyến phố Huế-Hàng Bài, Bà Triệu là những phố có xe buýt chạy qua, việc đặt dải phân cách ngay sát điểm cắm biển dừng đỗ xe buýt như đánh đố các tài xế xe buýt trong việc chấp hành Luật Giao thông, bởi nếu tuân thủ đi đúng làn đường (đi theo dải phân cách cứng) thì quá điểm đỗ nên đành liều đi sai làn đường. Tình trạng này đã ảnh hưởng đến những người điều khiển phương tiện giao thông khác, dẫn đến cảnh lộn xộn trên những tuyến phố này. Sau khi dỡ bỏ dải phân cách cứng, mà thay vào đó là dải phân cách bằng vạch sơn phản quang thì tình trạng lộn xộn, ùn tắc giao thông đã không còn, phần lớn người điều khiển phương tiện giao thông vẫn có ý thức đi đúng làn đường của mình...
Có nên dỡ bỏ hoàn toàn?
Trong buổi tiếp xúc cử tri tại quận Hai Bà Trưng vào ngày 24-9-2013, trước những ý kiến bức xúc của các cử tri, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã chỉ đạo Sở GTVT Hà Nội cần xem xét, đánh giá tình hình thực tế, nếu thấy bất hợp lý thì nên dỡ bỏ dải phân cách cứng trên các tuyến phố, tuyến đường. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, từ đó đến nay, Sở GTVT Hà Nội đã tiếp tục cho dỡ bỏ nhiều dải phân cách cứng, trong đó trên nhiều tuyến phố đã dỡ bỏ hoàn toàn như: phố Huế, Bà Triệu; một số tuyến thì dỡ bỏ một vài điểm bất hợp lý như đường Giải Phóng. Trước đó, vào cuối năm 2012, giữa năm 2013, Sở GTVT Hà Nội cũng đã cho tiến hành tháo dỡ dải phân cách cứng ở một vài đoạn tuyến vì thấy không phù hợp.
Trước khi được tháo dỡ, dải phân cách cứng đặt bất hợp lý tại nút giao thông ngã ba Kim Đồng-Giáp Bát đã gây ùn tắc và mất trật tự an toàn giao thông |
Như trên đã đề cập, sự cần thiết khi tháo dỡ hoàn toàn dải phân cách cứng trên tuyến phố Huế-Hàng Bài, Bà Triệu. Còn tại đường Giải Phóng, gần đây sau khi tháo dỡ một vài điểm gần nút giao thông ngã ba đã nhận được sự đánh giá cao từ dư luận, bởi không còn cảnh ùn ứ, ách tắc giao thông, thậm chí là mất an toàn giao thông như trước đây. Đơn cử tại điểm giao thông ngã ba Giải Phóng-Kim Đồng (hướng đi từ Văn Điển vào nội thành), trước đây dải phân cách chỉ đặt cách nút giao này khoảng vài chục mét, do vậy khi ô tô rẽ phải từ đường Kim Đồng ra thường xung đột với xe máy rẽ trái sang, rồi ngay sát đó là biển cắm dừng đỗ xe buýt dẫn đến ùn tắc giao thông, thậm chí gây mất an toàn giao thông. Bên cạnh đó, tại ngã ba Giải Phóng- Linh Đàm, dải phân cách cứng cũng được dựng cách không xa nên khi người điều khiển xe máy từ đường Linh Đàm rẽ trái ra đường Giải Phóng do vướng ô tô đi hướng Văn Điển - Giải Phóng nên bị khuất tầm nhìn dải phân cách, thực tế này rất nguy hiểm cho người điểu khiển xe may, không ít vụ va chạm giao thông đã xảy ra tại khu vực này... Cuối năm 2013, sau khi Sở GTVT Hà Nội cho dỡ bỏ một số dải phân cách cứng bất hợp lý trên đường Giải Phóng, giao thông đã thông thoáng hơn, trong khi phần lớn người điều khiển phương tiện giao thông vẫn có ý thức chấp hành đi đúng làn đường của mình.
Dư luận cho rằng nên dỡ bỏ hoàn toàn dải phân cách cứng trên tất các tuyến đường, tuyến phố vì đối với những dải phân cách còn lại hiện nay vẫn xảy ra tình trạng va quệt, gây nguy hiểm đối với người điều khiển phương tiện giao thông. Tăng cường hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền Luật Giao thông, đồng thời xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm vẫn là biện pháp hữu hiệu để nâng cao ý thức chấp hành của mọi người khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, duy trì hay tháo dỡ toàn bộ dải phân cách cứng trên một số tuyến đường còn lại phụ thuộc vào quyết định của cơ quan chức năng, do đó cơ quan chức năng cần sớm đánh giá, rút kinh nghiệm thực tế.