Bài 1: Sân chơi lớn, thách thức lớn
Kinh tế - Ngày đăng : 06:03, 03/03/2014
LTS: Trải qua nhiều chương trình làm việc, các quốc gia tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang mong muốn đẩy nhanh tiến độ, tiến tới kết thúc đàm phán trong năm 2014. Song, thực tế cho thấy càng đi vào giai đoạn cuối việc đàm phán càng trở nên phức tạp bởi vẫn còn nhiều khoảng cách chưa thể thu hẹp. Dù vậy, cơ quan chức năng, nhất là cộng đồng doanh nghiệp (DN) cần hiểu rõ việc sẽ được gì và cần đối phó với những vấn đề gì để chủ động tận dụng thời cơ phát triển sau khi Việt Nam gia nhập tổ chức này…
Bài 1: Sân chơi lớn, thách thức lớn
Theo Bộ Công thương, TPP mở ra cơ hội tiếp cận thị trường các nước đối tác đối với những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như da giày, dệt may, đồ gỗ, thủy sản… Tham gia TPP, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn khi tiếp cận thị trường các nước đối tác nhờ được bãi bỏ điều kiện hạn chế đối với đầu tư, dịch vụ; đặc biệt là việc được hưởng ưu đãi do cắt giảm thuế quan. Khi đó, phần lớn hàng hóa xuất khẩu sẽ được hưởng mức thuế suất từ 0 đến 5%. Đây là quyền lợi nổi bật nhất, cũng là nguyên nhân quan trọng hàng đầu để Việt Nam hướng tới khi quyết định tham gia đàm phán TPP cùng 11 quốc gia khác.
Tham gia TPP, doanh nghiệp Việt Nam sẽ thuận lợi hơn khi tiếp cận thị trường các nước đối tác nhờ được bãi bỏ điều kiện hạn chế đối với đầu tư, dịch vụ, đặc biệt là được hưởng ưu đãi thuế quan. Ảnh: Viết Thành |
Mở rộng tối đa cơ hội xuất khẩu
Các chuyên gia cho rằng, một khi tham gia TPP, DN Việt Nam, nhất là những đơn vị làm hàng xuất khẩu chủ lực sẽ có điều kiện gia tăng sức cạnh tranh về chi phí sản xuất và giá thành của hàng xuất khẩu sang các nước nội khối TPP. Dự báo, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 68 tỷ USD vào năm 2025 so với "kịch bản" nếu không tham gia tổ chức này. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, kim ngạch xuất khẩu có thể tăng "thoải mái" nhưng tùy thuộc vào sự lớn mạnh và khả năng thực tế của DN Việt, bởi tổng nhu cầu tiêu dùng của các nước tham gia TPP là rất lớn, lại được cải thiện liên tục, với tổng mức buôn bán chiếm tới 1/3 tổng giá trị thương mại toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, giá trị có ý nghĩa nhất cho Việt Nam sau khi TPP được ký kết là sự thuận lợi hóa và rộng mở về thị trường xuất khẩu. Do TPP hướng đến tự do thương mại toàn diện nên 100% thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ; trong đó trên 90% là xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất quốc tế; tạo thêm động lực để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; gia tăng cơ hội việc làm; thêm điều kiện hoàn thiện môi trường đầu tư - kinh doanh và thể chế; đặc biệt là tăng tính hấp dẫn đối với đầu tư trong và ngoài nước.
Hơn thế, Việt Nam còn được hưởng lợi ích "kép" thông qua sự hấp dẫn của nguồn vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN); đặc biệt là DN Nhật Bản triển khai những dự án, cơ sở sản xuất mới - kết hợp giữa việc thực hiện hoạt động đầu tư theo nội dung Sáng kiến chung Việt - Nhật; là sự đón lõng thời điểm ký kết TPP nhằm khai thác lợi thế xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam để được hưởng thuế suất thấp cũng như tận dụng vị trí địa lý dễ dàng chuyên chở hàng xuất khẩu. Lượng vốn trong nước cũng đang được huy động nhiều hơn trước thông qua số DN đăng ký thành lập mới trong 2 tháng đầu năm nay đã tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, những điều kiện và cơ hội thuận lợi cho DN, nhất là về xuất khẩu sẽ là yếu tố "kích" các dòng vốn đầu tư quốc tế, là đầu vào kịp thời phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng, gia tăng quy mô của nền kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế.
Nhận diện những thách thức
Tuy vậy, con đường phía trước sau khi Việt Nam gia nhập TPP cũng không ít những bất lợi, thách thức. Các chuyên gia và cơ quan quản lý vẫn lo ngại về "sức đề kháng" còn yếu của nền kinh tế, chủ yếu do điểm xuất phát thấp, trình độ công nghệ và quản trị của DN Việt hạn chế hơn so với DN các nước, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ và còn có những điểm "vênh" so với thông lệ quốc tế. Do đó, không nên nảy sinh tâm lý chủ quan, càng không nên hiểu lầm rằng TPP chỉ mang lại thuận lợi cho nền kinh tế Việt Nam.
Tham gia TPP, Việt Nam phải thực hiện các cam kết và tuân thủ quy định của "cuộc chơi", tức là mở cửa rộng hơn. Nhiều loại hàng hóa của nước ngoài sẽ vào Việt Nam với giá rẻ và được hưởng ưu đãi thuế. Do vậy, mức độ cạnh tranh trên thị trường nội địa sẽ gay gắt hơn, đặc biệt là tăng lên đột ngột. Những ngành vốn được Nhà nước bảo hộ nhiều và những DN yếu kém cạnh tranh sẽ phải tiết giảm sản xuất, thậm chí ngừng hoạt động hoặc phá sản. Đó cũng là nguyên nhân tiềm ẩn một số bất ổn hoặc vấn đề xã hội như: Việc làm, thu nhập, cơ hội cải thiện đời sống của bộ phận dân chúng.
Các DN nhìn chung sẽ ở vào tình thế buộc phải thực hiện cải cách, tái cơ cấu định hướng sản xuất và sản phẩm; nhất là xây dựng thương hiệu, xác định phân khúc thị trường và đối thủ cạnh tranh trên thị trường… Đây là yêu cầu mang tính chất quy luật khi tham gia "cuộc chơi" và cũng là phản ứng tất yếu đối với các đơn vị còn hạn chế về năng lực quản trị trang thiết bị, dây chuyền công nghệ. Ngoài ra, TPP cũng là tác nhân khiến DN nội địa tự nâng cao ý thức vươn lên, sẵn sàng chuẩn bị phương án sản xuất kinh doanh trước khi ra "biển lớn"; từ đó hình thành hiệu ứng tốt, có sức lan tỏa và góp phần cải thiện sức cạnh tranh của cả cộng đồng DN.
Như vậy, không có lựa chọn nào khác cần hiểu rõ và có phương án tiếp nhận, tận dụng cơ hội cũng như ứng phó với những thách thức mới. Vì TPP được đánh giá là mô hình hợp tác quốc tế và tự do hóa thương mại tiêu biểu của thế kỷ XXI vì sự thông thoáng, minh bạch và tạo điều kiện bình đẳng cho mỗi quốc gia thành viên phát huy tiềm năng, sức mạnh.