Thuyền nan không thể ra biển lớn!
Xã hội - Ngày đăng : 05:58, 03/03/2014
Giới chuyên gia kỳ vọng TPP sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng: "Việt Nam sẽ phải đối mặt với một số thách thức tương đối lớn". Rất nhiều vấn đề được đặt ra khi cánh cửa thị trường buộc phải mở rộng hơn. Với đội ngũ doanh nghiệp đang phải vật vã vì di chứng suy thoái kinh tế, mặc dù cũng đã đạt được trình độ do phải cọ xát kinh tế thị trường nhưng vẫn không ít doanh nghiệp vẫn còn làm ăn nhỏ lẻ, liệu có bao nhiêu doanh nghiệp Việt đủ sức bơi ra biển lớn, bao nhiêu doanh nghiệp sẽ tơi bời trong con sóng dữ cạnh tranh? Lấy điểm nhìn từ những cơ hội và thách thức khi tham gia TPP thì những âu lo cho giới doanh nghiệp Việt không phải là thiếu căn cứ.
Trước hết, toàn cầu hóa là xu thế tất yếu. Do vậy, trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam không thể đứng ngoài các "cuộc chơi chung" của khu vực và thế giới. Tuy nhiên, trong những "sân chơi" rộng lớn như TPP, Việt Nam chỉ được lợi khi các doanh nghiệp và giới doanh nhân nước nhà đủ sức "thi đấu " ngang ngửa với những tập đoàn lớn đến từ các nền kinh tế mạnh. Ngược lại, nếu những doanh nhân và doanh nghiệp vẫn tiếp tục làm ăn theo kiểu nhỏ lẻ, manh mún, thậm chí theo lối "đánh quả", chắc chắn sẽ bị "đo ván" ngay trên sân nhà và sau đó là những hệ lụy không thể lường hết. Việt Nam sẽ là một đất nước phát triển hay trở thành thị trường tiêu thụ hoàn toàn thụ động? Đây là một câu hỏi cần được đặt ra. Theo một thống kê, năm 2011 cả nước có khoảng 50 nghìn doanh nghiệp bị phá sản, năm 2012 con số này là 51 nghìn và năm 2013, đã lên tới 61 nghìn. Nhìn một cách khách quan, doanh nghiệp Việt Nam đang đuối sức, nếu không muốn nói rất yếu, nên không loại trừ khả năng xấu là sẽ có nhiều doanh nghiệp tan nát trước những cuộc cạnh tranh ngày càng dữ dội và nghiệt ngã. Do vậy, một trong nhiều vấn đề "nóng" trước thềm TPP là bắt đúng "bệnh" của doanh nhân, doanh nghiệp nước nhà để đưa ra những đơn thuốc đặc trị.
Để bắt đúng bệnh, phải tìm tận gốc. Bệnh của giới doanh nghiệp, doanh nhân nước nhà có những yếu tố chủ quan và có cả những yếu tố khách quan. Nhìn ở góc độ tư duy truyền thống, người dân nước ta phần đông gắn với sản xuất nông nghiệp, nên tư tưởng trọng nông cắm rễ rất sâu. Việc buôn bán kinh doanh một thời bị xem là "gian thương", "phe phẩy". Từ những yếu tố như vậy có thể nhận định, thương mại Việt Nam có lịch sử phát triển chậm hơn so với nhiều nước trên thế giới. Thời kỳ quan liêu bao cấp qua đi, sau đổi mới, kinh tế phát triển theo hướng thị trường, tư tưởng trọng thương cũng được nhen dần, những lớp doanh nhân của thời kỳ mở cửa dần được hình thành. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ào ào mọc lên, song tư duy kinh doanh cơ bản vẫn nhỏ lẻ, nhiều doanh nghiệp cạnh tranh bằng mọi thủ đoạn để kiếm chác. Sau một thời gian, nhiều doanh nghiệp "tự chết", chỉ tồn tại những doanh nghiệp với người đứng đầu có trình độ thực sự. Khi những dòng vốn đầu tư nước ngoài tràn vào thì xuất hiện một lớp doanh nhân mới "nói tiếng Tây, uống rượu Tây, tiêu tiền Tây" và bê luôn "công nghệ Tây" vào việc xây dựng, vận hành doanh nghiệp. Vấp phải quá nhiều khác biệt về văn hóa, những doanh nghiệp có quá ít "chất Việt" đã sớm rơi vào cảnh lụi tàn, một số trụ lại thương trường nhờ khả năng thay đổi. Qua thời kỳ này, lớp doanh nhân do được đào tạo bài bản ở nước ngoài, có thể thích ứng nhanh với xu hướng hội nhập quốc tế nổi lên. Đồng thời, cũng xuất hiện lớp doanh nhân không chỉ thạo tiếng Tây mà có rất nhiều tiền và "quan hệ rộng". Rất nhiều người trong số này đã tận dụng tối đa các "mối quan hệ", tạo nên phong trào "chạy dự án", "chạy chính sách", "buôn quan hệ"... Càng ôm nhiều dự án thì càng giàu và càng có quan hệ rộng. Đây là lớp "đại gia" mới. Thế rồi kinh tế thế giới suy thoái ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế Việt Nam, bất động sản "đóng băng", không ít "đại gia dự án" rơi vào vòng lao lý, nhiều người sống trong cảnh nợ nần chồng chất, chỉ mong ngày về với "máng lợn" xưa dù thời của họ không còn "ông lão đánh cá và con cá vàng" nữa...
Những lớp doanh nghiệp này hình thành vào những thời điểm khác nhau, tư duy làm ăn và phong cách hành xử cũng khác nhau. Bên cạnh những doanh nhân có trí tuệ, kinh doanh đứng đắn thì cũng không ít doanh nghiệp vẫn chưa thoát khỏi tư duy hợp tác xã, nửa đêm không ai muốn thức giấc xả nước cho thửa ruộng chung, dẫn đến tình trạng "cha chung không ai khóc". Tệ hại hơn là lối làm ăn chụp giật, vô trách nhiệm với cộng đồng, biến tài sản của đất nước, tiền thuế của nhân dân trở thành những "con bò sữa", để rồi mạnh ai nấy vắt. Lối làm ăn khuếch trương, vay vốn tràn lan để rồi tội vạ đâu con cháu chịu đã hình thành một lớp doanh nhân "ăn xổi ở thì", ham lợi nhỏ, mưu cầu cục bộ, không có định hướng đầu tư bài bản, không có dự cảm đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường... Đây là điểm yếu, nếu không muốn nói là tật xấu của không ít doanh nghiệp và chính là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản, ngưng hoạt động - tất nhiên cả do bị ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới - mỗi năm một nhiều như đã nêu trên.
Trong "thế giới phẳng" hiện nay, vốn tiền tệ, công nghệ và tài nguyên thiên nhiên không còn là điểm mạnh để cạnh tranh. Thế giới đã bước vào thời kỳ cạnh tranh mới bằng nguồn vốn tri thức, bằng tài nguyên con người và lối tư duy kinh doanh nghiêm túc, chuyên nghiệp, có tính hệ thống. Nếu nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam không thay đổi cung cách quản lý, tư duy kinh doanh, chắc chắn sẽ không thể tồn tại chứ đừng nói chuyện phát triển. Thực tế, sau một thời gian gia nhập WTO, điều không khó nhận thấy là khả năng thích ứng với nền kinh tế thị trường cũng như khả năng chủ động khai thác cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam rất kém. Do vậy, lo lắng về việc tham gia TPP, các doanh nghiệp nước nhà "chỉ có thể ăn xái hoặc vạch lưng cho người ta giẫm lên" (như lời một chuyên gia kinh tế) là hoàn toàn có cơ sở.
Một chuyên gia kinh tế kể rằng, mấy năm trước có chuyên gia nông nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam lấy giống mướp đắng về nghiên cứu và cho biết, đến nay người Nhật đã có quả mướp đắng dài đến 2m. Xứ Mặt trời mọc có khoảng 50 sản phẩm từ thứ quả này như trà, sữa tắm cho trẻ em... trong khi người Việt vẫn loay hoay với vài ba món ăn như mướp đắng nhồi thịt, sấy khô làm trà... Vì sao người Nhật làm được như vậy? Câu chuyện này có liên quan đến "hiện tượng thần kỳ Nhật Bản" - sau chưa đầy nửa thế kỷ, từ một đất nước bại trận đã trở thành cường quốc kinh tế với nhiều thương hiệu mạnh Sony, Honda... lấn lướt sản phẩm Mỹ ngay xứ Cờ hoa hay không? "Trông người mà nghĩ đến ta", các cụ ngày xưa đã nói như vậy. Thay vì "đi tắt, đón đầu", doanh nghiệp Việt Nam có lẽ cần chuyên tâm hơn trong việc học hỏi để tìm kiếm tri thức trên mọi phương diện bởi nếu chỉ loanh quanh với những kiểu mua "quan hệ", "chạy dự án", chắc chắn không thể vạch ra những chiến lược dài hạn và có những chiến thuật kinh doanh hợp lý trong thời đại toàn cầu hóa và cạnh tranh gay gắt hiện nay.
Những chiếc thuyền nan không đủ sức để vươn ra biển lớn. Muốn tạo được lợi thế cạnh tranh trên "sân chơi" lớn TPP, phải có những doanh nghiệp lớn và những tư duy lớn. Gần đây Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp, nhiều doanh nhân được thế giới vinh danh. Điều đó cho thấy doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam không thua kém ai. Nhưng số đó còn quá ít ỏi và chưa có những tên tuổi mang giá trị đại diện cho một quốc gia như Microsoft (Mỹ), Sony (Nhật Bản), SamSung (Hàn Quốc)... Đây là điều rất đáng suy nghĩ bởi sức mạnh của doanh nghiệp được xem là chiếc hàn thử biểu của nền kinh tế mỗi một quốc gia. Tuy nhiên, nếu biết liên kết nhiều doanh nghiệp cũng có thể tạo nên sức mạnh. Câu chuyện về bó đũa và những chiếc đũa đã có từ xa xưa, đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Phát triển cộng đồng doanh nghiệp và xây dựng các mô hình liên kết để tạo ra nhiều doanh nghiệp mạnh đủ sức "vùng vẫy" trong môi trường toàn cầu hóa là chìa khóa của sự phát triển. Đây cũng là câu hỏi lớn đối với các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý kinh tế cũng như cộng đồng doanh nghiệp hiện nay. Đảng và Nhà nước ta luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, doanh nhân hội nhập và phát triển lớn mạnh. Vấn đề là chính doanh nhân, doanh nghiệp phải thực sự nỗ lực hết mình.