Chuẩn mực văn hóa thanh lịch, văn minh là chung cho mọi người

Xã hội - Ngày đăng : 06:12, 02/03/2014

(HNM) - Tình trạng tô vẽ lên di tích, những biến tướng trong hoạt động lễ hội, cách thức quản lý không theo kịp thực tiễn... là những bất cập dễ nhận thấy trong công tác quản lý di tích, lễ hội nói riêng và quản lý hoạt động văn hóa nói chung ở nhiều địa phương trong cả nước. Trước thực trạng này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Viết Chức - Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long.

Nhiều lễ hội đang bị biến tướng

- Thưa ông, trong câu chuyện đầu năm của nhiều người thì du xuân, lễ hội luôn là vấn đề “nóng”. Ngoài ý nghĩa tích cực thì dưới góc độ nghiên cứu văn hóa, điều gì khiến ông băn khoăn?

- Đó là hiện tượng núp dưới bóng văn hóa tâm linh để hoạt động mê tín dị đoan có vẻ đang nở rộ. Lễ hội được tổ chức cùng với các hoạt động mua bán có tính chộp giật, thậm chí cả các trò chơi có tính “đỏ - đen” diễn ra công khai. Nhiều lễ hội không đem lại điều mong muốn nhất của mọi người là nét đẹp văn hóa khi tham gia hay thưởng thức lễ hội, đối với du khách thì lại không hấp dẫn họ.

TS Nguyễn Viết Chức.


- Ông có thể giải thích nguyên nhân của tình trạng này?

- Một thời gian dài chúng ta hầu như quay lưng với hoạt động lễ hội. Khoảng 20 năm trở lại đây, lễ hội dần được khôi phục khiến người ta cảm thấy ở góc độ nào đó thì đời sống văn hóa tinh thần đã phong phú hơn. Tuy nhiên, bình tĩnh xem xét lại thì thấy có quá nhiều bất cập. Trước hết, lễ hội đa phần được phục dựng từ “trí nhớ” của một số người cao tuổi nên khó có thể như nguyên gốc. Vậy là các lễ hội cứ na ná giống nhau, chẳng có mấy phần là độc đáo, bản sắc, khiến nhiều người cảm thấy nhàm chán. Lại thêm nhiều lễ hội bị biến tướng, nhiều trò chơi phản cảm và có hại đối với giới trẻ. Điều này, báo chí đã nhiều lần lên tiếng. Thế nhưng “đến hẹn lại lên”, các địa phương lại thi nhau tổ chức lễ hội làm cho ý nghĩa của việc bảo tồn giá trị văn hóa trong lễ hội cổ truyền không những không giữ được, mà còn nảy sinh nhiều hệ lụy mới. Cách thức tổ chức lễ hội như vậy sẽ tốn kém và dường như chỉ làm thỏa mãn cho một bộ phận nhất định. Nhưng điều đáng lo lắng hơn là vấn đề phát huy giá trị di sản văn hóa với nghĩa rộng.

- Lễ hội thường gắn liền với các cơ sở văn hóa, tín ngưỡng. Hà Nội hiện nay là địa phương có nhiều di tích lịch sử nhất cả nước và điều này cũng đặt ra nhiều thách thức trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, thưa ông?

- Theo thống kê, Hà Nội hiện có gần 1.200 di tích được xếp hạng. Nếu chỉ xem xét về khía cạnh hẹp, di sản văn hóa cần khai thác như là tài nguyên phát triển du lịch bền vững cũng chưa được hiểu, được làm một cách bài bản, đúng đắn và hiệu quả. Nhìn chung, gần đây công tác bảo tồn di sản văn hóa, lịch sử ở Hà Nội đã có nhiều điểm đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nơi người ta tự “tô vẽ” cho di sản cả nghĩa đen và nghĩa bóng làm mất đi giá trị đích thực của di sản. Nhiều nơi đầu tư cho trùng tu, tôn tạo và quảng bá cũng khá rầm rộ, nhưng di sản vẫn “nằm im”. Có di sản được nhiều người thăm viếng, nhưng việc bảo vệ bất cập cùng với ý thức kém của du khách làm cho di sản xuống cấp về phương diện vật chất, méo mó về ý nghĩa tinh thần. Bên cạnh đó, chúng ta đang quá thiếu chuyên gia hiểu sâu về công tác tôn tạo, tu bổ di tích...

Khái niệm “bảo tồn nguyên gốc” còn hiểu khác nhau

- Hiện tượng “tô vẽ” lên di tích, sử dụng tiền công đức sai quy định... trong khi việc phục dựng di tích luôn đòi hỏi “bảo tồn nguyên gốc” có là bất cập?

- Hiện đang tồn tại khái niệm “bảo tồn nguyên gốc” nhưng chưa có sự thống nhất cách hiểu và cách làm dẫn đến tình trạng thực hiện tùy tiện, làm hỏng di tích, có chỗ “làm ngơ” mặc cho di tích xuống cấp. Có người cho rằng, di tích đã xuống cấp nghiêm trọng, nếu không tu sửa sẽ không thể bảo tồn. Điều này dẫn tới việc một số địa phương, một số tổ chức và cá nhân khi bố trí được kinh phí trùng tu đã tìm mọi cách “lách luật” trong khi không đủ hiểu biết cũng như tính toán kỹ lưỡng tránh hệ lụy nên làm mất đi yếu tố nguyên gốc của di tích. Khái niệm “yếu tố nguyên gốc” cũng xuất hiện từ thực tế này.

Việc “làm mới” di tích rõ ràng cần lên án, nhưng việc giữ nguyên gốc di sản lại không dễ thực hiện. Cụ thể: Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xây dựng từ thời Lý, nhưng qua thời gian cũng không còn “nguyên gốc”. Vậy muốn giữ nguyên gốc sẽ phải lấy “gốc” nào? Trên thực tế, sự bổ sung bia tiến sĩ thời nhà Lê, Khuê Văn Các thời nhà Nguyễn, và ngay cả việc xây nhà bia mới đây cũng là nối tiếp truyền thống và làm sâu sắc hơn tư tưởng tôn thờ sự học, hiếu kính người thầy, tôn vinh “hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Vậy việc giữ nguyên gốc ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám là giữ nguyên gốc tư tưởng kính thầy, hiếu học, trọng hiền tài chứ không phải chỉ nguyên gốc cái vật chất chứa đựng tư tưởng đó. Nhiều di tích khác trên cả nước cũng ở trong tình trạng tương tự.

- Theo ông, làm sao để xử lý hài hòa được vấn đề trên?

- Tôi muốn nhấn mạnh cách hiểu khái niệm “nguyên gốc” được vận dụng linh hoạt trong thực tiễn không được phép xa rời nguyên tắc bất biến: Không làm mất, làm biến dạng giá trị di sản - hay nói cụ thể là phải giữ được hồn cốt của di sản. Trong điều kiện có thể giữ nguyên gốc cả yếu tố vật thể và phi vật thể, yêu cầu có tính nguyên tắc là phải giữ cho kỳ được cả hai yếu tố nguyên gốc đó. Trong điều kiện bất khả kháng, không thể giữ nguyên gốc yếu tố vật thể, phải cân nhắc kỹ lưỡng để có phương án tối ưu hạn chế thấp nhất sự sai lệch so với nguyên gốc, đồng thời phải giữ nguyên gốc yếu tố phi vật thể của di sản. Yếu tố phi vật thể chính là cái hồn, cái cốt của di sản.

Từ thực tế khách quan đó, có lẽ đã đến lúc chúng ta nên có sự thống nhất cách đặt vấn đề bảo tồn di sản văn hóa là bảo tồn toàn bộ giá trị của di sản chứ không chỉ là yếu tố vật chất của di sản, cho dù đó là di sản văn hóa vật thể. Nếu hiểu theo cách tiếp cận này thì không phải là làm khó cho những người đang đảm trách việc bảo tồn di sản, mà là làm cho việc bảo tồn không bị “đông cứng” vào yếu tố vật thể trong điều kiện bất khả kháng. Hơn thế nữa, cần nhìn nhận người làm công tác bảo tồn như là người sáng tạo văn hóa chứ không chỉ là người “lính canh gác di sản”. Người sáng tạo văn hóa ấy phải làm sống lại di sản văn hóa trong cuộc sống hiện tại, thổi vào nó sức sống mạnh mẽ vốn có để có thể trường tồn trong tương lai.

Phân cấp không phải là “khoán trắng”

- Trong quản lý xã hội nói chung và văn hóa nói riêng, chúng ta nói nhiều đến vấn đề phân cấp. Nhưng dường như ở nhiều nơi với nhiều sự việc xảy ra thời gian qua thì việc quản lý văn hóa được hiểu là “khoán trắng” cho cơ sở. Ông có suy nghĩ gì về thực tế này?

- Trước tiên xin nói về phương diện pháp lý. Khi thông qua Luật Di sản cũng đã có những ý kiến cho rằng cần làm rõ địa vị pháp lý của người trụ trì các cơ sở tôn giáo đã được xếp hạng di tích. Vấn đề phân cấp quản lý di sản cũng cần quy định cụ thể. Các văn bản pháp quy hiện hành về vấn đề này cũng đã được xây dựng trên cơ sở đó nên còn những bất cập nhất định, nhưng có lẽ thực thi trong thực tiễn còn nhiều bất cập hơn. Nói phân cấp quản lý không có nghĩa là “khoán trắng” cho cơ sở, càng không phải “mở rộng” quyền cho người trụ trì các di sản văn hóa như đình, chùa… muốn sửa chữa, thay đổi thế nào cũng được. Theo tìm hiểu của tôi, hiện nay có tình trạng “mập mờ” này là do có nơi không hiểu, nhưng cũng do nhiều nơi cố tình không hiểu bởi nhiều lý do rất khác nhau. Có nơi thủ tục “rườm rà” người ta không theo kịp mà đành “nhắm mắt” tự ý tu sửa. Có nơi cho rằng, mình chỉ làm tốt hơn cho di sản bằng cái tâm của mình chứ có lợi lộc riêng tư gì đâu mà phải “xin phép”. Có nơi có cả các cơ quan chuyên môn vào cuộc nhưng khi triển khai thực hiện lại “đơn giản” để các kíp thợ làm mới di sản bằng sơn quét hoặc “kiên cố hóa” di sản bằng vật liệu và cách làm mới...

- Chúng ta có cả một hệ thống luật, nghị định, thông tư điều chỉnh công việc này, thưa ông?

- Đúng là như vậy. Nhưng cuộc sống vô cùng phong phú và bất kỳ bộ luật nào, dù tiên tiến nhất cũng khó có thể theo sát được thực tiễn. Tôi lấy ví dụ, các nhà quản lý luôn mong muốn ở những nơi có di sản, ngoài vấn đề bảo tồn thì phải làm cho đời sống người dân tốt hơn lên. Nhưng để cụ thể hóa vấn đề đó bằng những biện pháp, cách thức như thế nào thì rất cần sự vào cuộc của các ngành, các cấp cũng như tâm huyết của những người làm công tác này.

Trục “gia đình - làng - nước” là cấu trúc bền vững

- Trở lại vấn đề rộng hơn, những năm qua cũng đã có nhiều việc làm cụ thể nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra vẫn xưa cũ là làm thế nào để bảo tồn được các giá trị văn hóa ấy?

- Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, cái có thể nhìn thấy, sờ thấy được còn khó như vậy, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể còn khó khăn hơn nhiều. Trước tiên lại nói về nhận thức. Có nhiều di sản đã bị bỏ rơi, thậm chí tàn phá không thương tiếc vì một thời nó bị đánh đồng với mê tín, dị đoan, hoặc đánh đồng với sự lạc hậu của chế độ phong kiến, hoặc bị gắn cùng với tệ nạn xã hội… Với sự “nhiệt tình” xây dựng văn hóa mới một cách thiếu hiểu biết, lại thêm khó khăn trong giai đoạn đất nước có chiến tranh, không những một số địa phương đã mất đi nhiều di tích, mà còn lãng quên việc tổ chức các lễ hội truyền thống. Chính điều đó dẫn đến nội dung, hình thức và cách tổ chức lễ hội cũng rơi vào quên lãng.

- Phải chăng các phong trào văn hóa chỉ thật sự đi vào đời sống khi gắn với thực tế và giải quyết được những vấn đề cụ thể của người dân?

- Đúng vậy. Trục gia đình - làng - nước là một cấu trúc bền vững đời này qua đời khác đã hình thành nên đất nước và văn hóa Việt Nam, đừng để trong cấu trúc đó một mắt xích nào bị yếu đi, dù trong cuộc sống hiện đại ngày nay, đô thị đang lấn át dần văn hóa làng xã. Nói một cách cụ thể hơn là câu chuyện người dân Làng cổ Đường Lâm xin trả lại danh hiệu di sản quốc gia cũng bắt nguồn từ lý do cuộc sống hiện tại của họ còn nhiều khó khăn. Gia đình nào cũng sinh con đẻ cái, tách - nhập hộ, cùng với lối sống mới... sẽ không thể bó hẹp trong một không gian cũ, đòi hỏi phải có sự thay đổi. Xuất phát từ tư duy ấy đồng thời cũng chính là câu trả lời cho việc làm sao để di sản có thể đồng hành cùng với cuộc sống hiện đại.

- Trong một bài viết gần đây, ông có nói: Đặc trưng đáng tự hào nhất về người Hà Nội là những nét hào hoa, tao nhã, thanh lịch được kết tinh huyền thoại trong các áng văn thơ, xem ra đã nhiều phần mai một trong cuộc sống hiện thực hôm nay. Nhiều năm làm công tác quản lý ngành văn hóa Hà Nội và hiện giờ làm công tác nghiên cứu, ông có thể bình luận về vấn đề này?

- Có người cho rằng, nguyên nhân là do người Hà Nội nay đã bị pha tạp, người Hà Nội gốc ít hơn người Hà Nội nhập cư. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, nguyên nhân không phải thế. Thực tế, có những người ở Hà Nội đã ba bốn đời nay vẫn nói ngọng tiếng Việt, vẫn ứng xử không được thanh lịch, văn minh. Hơn nữa, không nên “chia rẽ”, đổ tiếng không thơm cho nhau trong vấn đề này. Chuẩn mực văn hóa thanh lịch, văn minh là chung cho mọi người. Phải giáo dục, bồi dưỡng, tu dưỡng và rèn luyện thường xuyên trong mọi hoàn cảnh để trở thành nếp sống, thói quen thích ứng với điều kiện sống hiện đại, mà vẫn giữ được cốt cách người Hà Nội thanh lịch. Dù là người ở đâu đến Hà Nội sinh sống và làm việc đều phải học tập và rèn luyện theo chuẩn mực thanh lịch truyền thống và văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, cụ thể hóa thanh lịch là thế nào đang gặp những khó khăn nhất định. Sở GD-ĐT Hà Nội đã cho biên soạn bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh cho học sinh Hà Nội” và đưa vào giảng dạy tại các trường phổ thông trên địa bàn. Đây là một việc làm có ý nghĩa cần được khuyến khích và kiên trì thực hiện trong nhiều năm. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ. Mỗi công dân Thủ đô, mỗi gia đình Hà Nội phải thực hiện nếp sống văn minh, thanh lịch ở mọi nơi để người Hà Nội thật đáng yêu, đáng trọng bởi những nét thanh lịch đặc trưng được lưu giữ và phát huy, bởi nếp sống văn minh ngay trong đời sống thường ngày của chính mình và trong cảm nhận của bạn bè từ xa đến.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Đan Nhiễm