Ukraine trước nguy cơ chia cắt

Thế giới - Ngày đăng : 06:01, 02/03/2014

(HNM) - Sau rất nhiều diễn biến căng thẳng, cuối cùng



Tuy nhiên, bối cảnh cuộc Cách mạng Cam phiên bản mới mang đậm dấu ấn phương Tây đã có nhiều thay đổi so với năm 2004. Vì vậy, bài toán bình ổn đất nước dành cho phe đối lập sẽ không chỉ đơn giản là việc nhanh chóng đưa bộ máy cầm quyền mới vào hoạt động. Hiện tại, ngoài những thách thức về nền kinh tế đang trên bờ vực phá sản, phía trước Ukraine còn cả một mối lo về chủ nghĩa dân tộc, ly khai đang gia tăng mạnh mẽ.

Tâm điểm biến động chính trị tại Ukraine đã chuyển về Crimea.


Trong 3 ngày trở lại đây, tâm điểm biến động chính trị của Ukraine không còn nằm ở thủ đô Kiev mà đã chuyển xuống phía Nam, trên bán đảo Crimea - nơi chiếm đa số là cộng đồng gốc Nga sinh sống. Đây cũng là vùng đất duy nhất mà cuộc nổi loạn của các thành phần thân phương Tây suốt vài tháng qua không thể chạm tới và cũng là vùng đất duy nhất của Ukraine không công nhận chính phủ lâm thời. Đã xuất hiện nhiều ý kiến lo ngại rằng, với những chuyển biến đang nhanh chóng diễn ra ở Crimea, Ukraine đang phải đối mặt với nguy cơ bị chia tách lớn hơn bao giờ hết.

Có rất nhiều lý do khiến các nhà phân tích liên tưởng tới cục diện hiện nay của Crimea với Nam Ossetia và Abkhazia trong cuộc chiến 5 ngày giữa Nga và Gruzia hồi mùa hè năm 2008. Trước hết, Crimea từ lâu vẫn được ví như một "vùng đất ngoại lai" trong một quốc gia đang "trôi dạt" về phía Châu Âu. Hầu hết người Crimea vẫn tự nhận mình là người Nga chứ không phải người Ukraine. Bên cạnh đó, Crimea cũng là địa điểm Nga thuê để sử dụng làm căn cứ hải quân trong nhiều năm qua. Căn cứ này đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chiến lược quân sự của Nga tại Biển Đen và các vùng biển Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương. Theo một thỏa thuận giữa Nga và Ukraine năm 1997, Hạm đội Biển Đen được đóng tại cảng Sevastopol cho đến năm 2017. Sau đó hợp đồng được Tổng thống Viktor Yanukovych gia hạn đến năm 2042. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi trong vài ngày qua, Crimea đã nhanh chóng biến thành một "thành trì" chống chính phủ mới.

Sau những biến cố tại thủ đô Kiev, hiện tại, Crimea đang chào đón những người thuộc chính phủ cũ trở về và xem họ như những người anh hùng. Cư dân của vùng đất này không chỉ treo cờ Nga thay thế cờ Ukraine trên các tòa nhà chính quyền mà còn lên kế hoạch trưng cầu về việc mở rộng quyền tự trị vào đúng ngày Ukraine tổ chức bầu cử Tổng thống mới (25-5). Theo đánh giá của cộng đồng quốc tế, nhiều khả năng kết quả cuộc trưng cầu dân ý này sẽ mở đường cho một phong trào ủng hộ Crimea độc lập, để rồi sau đó ngả về theo Nga. Hay nói một cách khác, chiến thắng của phe đối lập tại Ukraine đang tạo một cái cớ tốt nhất để Crimea tách khỏi Ukraine. Động thái này tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn lớn vì một "quy chế độc lập quá trớn" sẽ không bao giờ được Chính phủ mới thân phương Tây của Ukraine chấp nhận. Sự đối đầu giữa chính quyền trung ương Ukraine và chính quyền tự trị bán đảo Crimea có thể sẽ cuốn các bên liên quan vào vòng xoáy căng thẳng mới.

Sự quan trọng của Crimea đã khiến vùng tự trị này thu hút sự quan tâm của các lực lượng quốc tế. Ngay trong ngày 1-3, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Ihor Tenyukh cho biết Nga đã điều thêm 6.000 quân tới Crimea. Mặc dù, Mátxcơva khẳng định mọi động thái của quân đội nước này ở Crimea đều không vi phạm các thỏa thuận trước đây với Kiev, tuy nhiên, điều này không khỏi khiến các nhà bảo trợ cho Chính phủ lâm thời Ukraine lo ngại. Không ít lần, các nhà lãnh đạo phương Tây đã lên tiếng cảnh báo Nga về một "sai lầm chết người" nếu Mátxcơva đưa quân vào Ukraine. Ngay trong ngày 1-3, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã nhắc lại rằng, bất cứ sự can thiệp quân sự nào vào Ukraine sẽ phải trả giá sau khi đã kêu gọi một sứ mệnh hòa giải quốc tế khẩn cấp cho vấn đề Crimea. Trong khi đó, Điện Kremlin cho biết Nga sẽ không phớt lờ đề nghị của Thủ tướng khu vực tự trị yêu cầu Tổng thống Vladimir Putin giúp khôi phục sự yên bình cho bán đảo này.

Với những gì đang diễn ra, không phải là vô căn cứ khi xuất hiện nhiều nhận định cho rằng, cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang bước sang giai đoạn phức tạp mới. Giải pháp cho tương lai chính trị và an ninh của nước này có thể được quyết định tại Crimea.

Tối 1-3 (giờ Việt Nam), Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga đã thông qua một đề xuất của Tổng thống Vladimir Putin về việc triển khai lực lượng vũ trang Nga tại Crimea. Hội đồng Liên bang Nga đã bỏ phiếu nhất trí hoàn toàn ủng hộ đề xuất sử dụng "các lực lượng vũ trang của Liên bang Nga trên vùng lãnh thổ của Ukraine cho tới khi tình hình chính trị - xã hội tại nước cộng hòa tự trị này trở lại bình thường". Quyết định trên được Thượng viện Nga đưa ra chỉ ít phút sau khi Tổng thống Putin đề nghị chấp thuận việc sử dụng quân đội Nga trên lãnh thổ Ukraine.

Quỳnh Chi