Đầu tư nước ngoài: Thời của những “ông lớn”?
Kinh tế - Ngày đăng : 08:00, 01/03/2014
Năm 2013, Việt Nam đạt kỷ lục về kết quả thu hút vốn ĐTNN với 22 tỷ USD vốn đăng ký, vượt lên kết quả của nhiều năm trước. Năm nay, Hiệp hội Doanh nghiệp ĐTNN (VAFIE) tỏ ra lạc quan khi dự báo, vốn ĐTNN giải ngân có thể cũng tăng cao hơn và vượt mức thực hiện của năm 2013.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Bá Hoạt |
Ngay trong tháng 1, nhiều địa phương đã tổ chức sự kiện quảng bá, tỏ rõ sự chủ động ngay từ đầu năm. Các nhà đầu tư truyền thống vẫn tiếp tục đổ vốn vào Việt Nam, phần lớn tập trung vào những khu công nghiệp (KCN) thuộc các địa phương giàu tiềm năng như Hải Phòng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Riêng Hải Phòng có 2 dự án ĐTNN đã điều chỉnh tăng vốn, gồm dự án khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ Việt Nam - Singapore Hải Phòng (VSIP) tăng vốn từ 145,9 triệu USD lên 268,2 triệu USD. Bình Dương có thêm dự án của Công ty TNHH Midea Consumer Electric Việt Nam tăng vốn thêm 40 triệu USD. Bà Rịa - Vũng Tàu có 9 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký và tăng thêm 61,54 triệu USD… Đến nay, các nhà đầu tư Nhật Bản và Singapore đang quan tâm, theo đuổi việc triển khai dự án tại các KCN nói trên.
Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ Nguyễn Đình Cung: Xu hướng thúc đẩy dòng vốn ngoại vào Việt Nam chủ yếu do sự hội nhập của nền kinh tế, nhất là sự tác động từ việc Việt Nam sẽ kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào cuối năm 2014. Khi đó cơ hội sẽ xuất hiện, với lợi ích và quy mô rộng lớn. TPP sẽ tạo ra những thay đổi trong thương mại, dành lợi thế về xuất khẩu cho các nước thành viên; cũng như buộc các giới đầu tư quốc tế phải bố trí lại địa bàn sản xuất để tái cơ cấu hoạt động xuất khẩu. Trong khi đó, Việt Nam sẽ nổi lên nhờ vị trí địa lý trung tâm, cho phép giảm thiểu chi phí vận chuyển để trở thành địa điểm hấp dẫn cho việc thiết lập cơ sở sản xuất và phân phối sản phẩm. Từ đó, sự lạc quan về thu hút ĐTNN ở Việt Nam là kết quả của một quá trình hội nhập, chủ động nâng cao sức cạnh tranh và nay được củng cố hơn. |
Tại thời điểm giữa tháng 2 đã có 24 nhà đầu tư mới đón nhận giấy phép đầu tư với tổng số vốn cam kết đầu tư khoảng 960 triệu USD vào tỉnh Bình Dương. Đặc biệt, một số dự án "lớn" được nhà đầu tư theo đuổi, nghiên cứu từ một số năm qua đang có tín hiệu tích cực, có thể đi đến quyết định quan trọng để triển khai các thủ tục cần thiết đăng ký đầu tư trong thời gian tới. Đó là dự án lọc hóa dầu tại Bình Định (của nhà đầu tư Thái Lan) có vốn đầu tư khoảng 27 tỷ USD. Tập đoàn Rose Rock (Hoa Kỳ) cũng vừa ký thỏa thuận hợp tác phát triển tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng trị giá 2,5 tỷ USD ở vịnh Vũng Rô (Phú Yên) với đối tác Việt Nam. Nếu những dự án nói trên trở thành hiện thực trong tương lai gần thì năm 2014 sẽ phá kỷ lục về lượng vốn ĐTNN của năm 2013 - sẽ là nguồn lực bổ sung vô cùng quan trọng và kịp thời phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Một số chuyên gia cũng đánh giá, tình hình chính trị ổn định, lạm phát và lãi suất đều giảm, cơ sở hạ tầng và cơ chế, chính sách tiếp tục được cải thiện sẽ là những động thái được giới đầu tư ghi nhận. Việc từng bước thực hiện đồng bộ hóa hệ thống pháp luật, quan điểm đồng hành với nhà đầu tư và phù hợp với thông lệ quốc tế đã và đang được giới doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao. Hơn thế, chính quyền các tỉnh, thành phố đang tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư tại những địa bàn trọng điểm kết hợp xúc tiến tại chỗ, hoàn thiện quy hoạch và tạo điều kiện ưu đãi, thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.
Ngoài ra, một số tập đoàn lớn cũng bắt đầu thành lập trung tâm nghiên cứu phát triển tại Việt Nam bên cạnh việc các tập đoàn kinh tế quốc tế như Intel, Samsung… để tìm cơ hội triển khai dự án mới. Đó sẽ là cơ sở để phát triển những cơ sở công nghiệp phụ trợ của nước ngoài, tất yếu sẽ kéo theo sự phát triển công nghiệp phụ trợ đối với doanh nghiệp trong nước.