Lầu Năm Góc “thắt lưng buộc bụng”

Thế giới - Ngày đăng : 07:45, 01/03/2014

(HNM) - Quân đội Mỹ đang đứng trước áp lực phải thu nhỏ quy mô, sau khi tham gia vào hai cuộc chiến tranh tại Afghanistan và Iraq. Trong một bước đi được mô tả là chưa từng có, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel thông báo sẽ cắt giảm biên chế của Quân chủng Lục quân xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 7 thập niên trở lại đây

.

Trong kế hoạch ngân sách quốc phòng tài khóa 2015 mà Tổng thống Barack Obama sắp trình lên Quốc hội, Lầu Năm Góc sẽ cắt giảm mạnh biên chế của lực lượng Lục quân để tiết kiệm ngân sách cho những nhiệm vụ ưu tiên cấp bách hơn. Cụ thể, biên chế chính thức của lực lượng Lục quân Mỹ sẽ giảm từ 570.000 người hiện nay xuống còn 490.000, 450.000 hoặc 440.000 người. Nếu Quốc hội tiếp tục duy trì cơ chế cắt giảm tự động theo Đạo luật Kiểm soát ngân sách năm 2011 thì đến năm 2019, số lượng lính lục quân chính quy của Mỹ thậm chí có thể giảm xuống mức 420.000 người. Máy bay trinh sát U-2 và chiến đấu cơ A-10 được sử dụng phổ biến trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, cũng sẽ được loại khỏi biên chế khí tài.

Lục quân Mỹ sẽ bị cắt giảm mạnh nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.



Bộ trưởng C.Hagel cho biết, nếu Quốc hội không phê chuẩn đề nghị tăng 29 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng tài khóa tới, Lầu Năm Góc sẽ phải cân nhắc lại các ưu tiên quốc phòng theo hướng tập trung vào các hoạt động tác chiến đặc nhiệm và phát triển các công nghệ quân sự mới nhằm xử lý các thách thức trong tương lai. Theo người đứng đầu Lầu Năm Góc, trước những khó khăn về tài chính, kế hoạch cắt giảm quân sự trên là sự lựa chọn không dễ dàng, nhưng rất hiện thực. Động thái này nằm trong kế hoạch cắt giảm chi tiêu 1.000 tỷ USD trong thời gian 10 năm đã được hai đảng Dân chủ và Cộng hòa thông qua hồi tháng 12-2013, như một nỗ lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính phủ đóng cửa.

Tuy nhiên, chính sách trên ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phe Cộng hòa, vốn cho rằng việc giảm quân số có thể ảnh hưởng đến năng lực của quân đội. Một số ý kiến cho rằng với quân số như vậy, Mỹ vẫn có thể đánh bại bất cứ kẻ thù nào nhưng sẽ gặp khó khăn khi tiến hành một cuộc chiến dài hơi. Đặc biệt, lực lượng binh sĩ Mỹ gần như không thể thực hiện hai cuộc chiến tranh tổng lực cùng một lúc. Thế nên, dù bản kế hoạch cắt giảm quân sự này phải được Hạ viện thông qua và vẫn có khả năng bị sửa đổi, nhưng nếu đề xuất trở thành hiện thực, đây sẽ một thay đổi lớn trong học thuyết quốc phòng của Mỹ. Do đó, chính sách "thắt lưng buộc bụng" này được dự đoán có thể sẽ gây tranh cãi tại Quốc hội, nơi sắp diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11.

Dẫu vậy, căn cứ theo tính toán của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), Mỹ hiện vẫn là quốc gia có mức chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới, tương đương tổng chi tiêu quân sự của 12 nước tiếp theo trong danh sách cộng lại. Ngân sách quốc phòng vẫn duy trì ở mức trên 500 tỷ USD mỗi năm từ nay đến năm 2020, cao hơn gấp ba lần nỗ lực tài chính được công khai của Trung Quốc. Quan trọng hơn, nếu cắt giảm chi tiêu trong dài hạn thì Bộ Quốc phòng Mỹ cam kết vấn đề này cũng sẽ không có tác hại nặng nề và rõ nét đến chính sách chuyển trọng tâm của Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương. Quân đội Mỹ cũng sẽ không rút khỏi Nhật Bản và Hàn Quốc. Do đó, thay đổi biên chế quân đội được cho là sự điều chỉnh nhằm cân đối ngân sách chung của Mỹ nhưng vẫn nằm trong phạm vi thích hợp để duy trì sức mạnh quân sự của siêu cường số 1 thế giới.

Kim Phượng