Biểu tình bạo lực, gia tăng nguy cơ nội chiến tại Thái Lan
Thế giới - Ngày đăng : 07:15, 01/03/2014
.
Sau hơn 4 tháng phát động các cuộc xuống đường rầm rộ, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban vẫn không rời bỏ mục đích lật đổ chính phủ của nữ Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra. Trong một phát biểu mới nhất với người biểu tình chống đối chính phủ, ông Suthep vẫn hùng hồn tuyên bố bà Yingluck phải chịu trách nhiệm về hai cuộc tấn công nhằm vào người biểu tình cuối tuần qua làm 5 người thiệt mạng, trong đó có 4 trẻ em. Một mặt khẳng định sẵn sàng tham gia tranh luận trực tiếp trên truyền hình với Thủ tướng tạm quyền Yingluck, mặt khác thủ lĩnh Suthep thách thức những người ủng hộ chính phủ ở khu vực phía bắc và đông bắc: "Hãy tới Bangkok và bắt đầu một cuộc nội chiến". Không chỉ dừng lại ở việc kích động các cuộc biểu tình đường phố tại Bangkok, những lời kêu gọi người biểu tình "đeo bám" trụ sở các bộ cũng như công ty có liên hệ với bà Yingluck để gia tăng sức ép từ chức cũng liên tiếp được những người chống chính phủ đưa ra.
Biểu tình đường phố chưa có dấu hiệu chấm dứt tại thủ đô Bangkok. |
Biểu tình bạo lực tái diễn có thể dẫn đến nguy cơ cuộc nội chiến là điều khiến dư luận hết sức quan ngại nếu một cuộc đàm phán không được thực hiện. Thật khó có thể hình dung nổi một đất nước vốn được coi là điểm đến của du khách quốc tế với những hình ảnh thân thiện đã có tới hàng chục người chết, hơn 700 người bị thương do các cuộc biểu tình đường phố trong 4 tháng qua. Vì vậy, việc làm thế nào để đưa tình hình Bangkok sớm trở lại ổn định không chỉ là mối quan tâm chung của phần lớn người dân Thái Lan mà còn với cả dư luận khu vực và quốc tế. Bày tỏ quan ngại về cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở xứ Chùa vàng, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh Châu Âu Catherine Ashton trong tuyên bố mới nhất đều kêu gọi các bên liên quan tôn trọng quyền con người và luật pháp, tuyệt đối không thực hiện các hành vi bạo lực trong quá trình giải quyết bất đồng chính trị.
Cùng với sự mong manh của một thỏa thuận mang tính thỏa hiệp, tương lai chiếc "ghế nóng" của nữ Thủ tướng tạm quyền Yingluck sẽ ra sao sau những cáo buộc của Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia (NACC) cũng là mối quan tâm của dư luận. Hiện nay, bà Yingluck đang là "bị cáo" chính liên quan đến "bản án" thiếu trách nhiệm và làm sai nguyên tắc trong chính sách thu mua gạo. Mặc dù không đến điều trần vào ngày 27-2 theo yêu cầu của NACC, thế nhưng bà Yingluck - đang có chuyến công tác đến các tỉnh đông bắc để kêu gọi sự ủng hộ của những người dân - đã bác bỏ các cáo buộc nêu trên và khẳng định sẵn sàng hợp tác làm rõ vấn đề. Nếu ủy ban này quyết định kết tội bà Yingluck, vụ việc sẽ được chuyển lên Thượng viện bỏ phiếu luận tội và nếu bị kết tội, bà Yingluck có thể bị cấm hoạt động chính trị 5 năm.
Cho dù sẽ phải cần nhiều thời gian để làm sáng tỏ vụ việc, tuy nhiên, cáo buộc này được đưa ra vào một thời điểm vô cùng nhạy cảm đối với sự nghiệp chính trị của bà Yingluck. Được xem là một điểm sáng trong nhiệm kỳ lãnh đạo của nữ Thủ tướng xinh đẹp, chương trình trợ giá gạo với mức chi ngân sách khoảng 4,4 tỷ USD đã làm nức lòng những người nông dân Thái Lan, lực lượng mà từ lâu đã dành sự ủng hộ cho đảng cầm quyền Puea Thai (Vì nước Thái). Tuy nhiên, do những xáo trộn trên chính trường và vấn đề ngân khố, việc chính phủ phải nợ lại tiền trợ giá cho nông dân hiện lại là nguyên nhân khiến họ bất bình.
Rất nhiều động thái mà Puea Thai cho rằng cáo buộc của phe đối lập chỉ nhằm mục tiêu loại bỏ ảnh hưởng của nữ Thủ tướng Yingluck đang dồn dập diễn ra dưới nhiều hình thức. Điều đang gây lo ngại là kịch bản cũ tái diễn khi một khoảng trống chính trị có thể sẽ kéo theo các cuộc đối đầu giữa những người ủng hộ hai bên khiến Thái Lan tiếp tục chìm sâu hơn trong rối loạn. Dư luận đang trông đợi vào các cuộc đối thoại giữa hai phe tại Thái Lan nhằm dẫn tới một thỏa ước cuối cùng, mang lại bình yên cho quốc gia Đông Nam Á.