Tiếp sức cho doanh nghiệp

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:39, 01/03/2014

(HNM) - Báo cáo mới đây của một ngân hàng thương mại cho thấy, lạm phát toàn phần trong tháng 2-2014 tăng 0,55% - mức thấp nhất kể từ tháng 11-2009 tới nay, mặc dù tháng 2 thường là thời điểm người dân gia tăng mua sắm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.


Hẳn nhiều người còn nhớ, tại thời điểm bước sang năm 2014 đã có nhiều dự báo về triển vọng sáng sủa của nền kinh tế Việt Nam được đưa ra. Quả thực không thể phủ nhận những chính sách đồng bộ, quyết liệt của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành; sự quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã đem lại những kết quả tích cực trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu hồi phục, nợ xấu, hàng tồn kho giảm, niềm tin của các nhà đầu tư, các DN trong và ngoài nước theo đó cũng phục hồi…

Mặc dù vậy, không thể quá lạc quan khi thực tế những tháng đầu năm cho thấy tốc độ hồi phục khá chậm; nợ xấu, hàng tồn kho có giảm nhưng vẫn ở mức cao; sức tiêu thụ yếu; đặc biệt quan ngại là cả nước có tới 60.000 DN phải giải thể, ngừng hoạt động trong năm vừa qua (chưa kể rất nhiều DN khác đang "chết lâm sàng"). Tại Hà Nội, hơn 14.000 DN trên địa bàn cũng phải ngừng hoạt động, sản xuất công nghiệp năm 2013 chỉ đạt mức tăng khiêm tốn là 4,51%, thấp hơn năm 2012 (5,1%)… Đáng nói là trong lúc các DN còn đang khốn đốn, "hụt hơi" thì giá một số hàng hóa đầu vào thiết yếu như xăng dầu, điện, phí cầu đường… lại tăng, hoặc rục rịch tăng. Đó là thực trạng rất đáng lo ngại, như một ý kiến đã cảnh báo thì "chúng ta đang ở đáy khó khăn!". Song, có một chuyện lạ là trong lúc "sức khỏe" DN suy yếu, thì thị trường tín dụng đầu năm lại trầm lắng, cụ thể là dòng vốn lưu thông đang rất èo uột, trái ngược với lượng tiền dồi dào đổ vào ngân hàng dẫn đến tình trạng đang dư thừa vốn! Nguyên nhân thì lâu nay dư luận, báo chí đã nói nhiều, đó là DN dù khát vốn nhưng vẫn e dè bởi lãi suất cao, hoặc bị vướng rào cản thủ tục…

Trong bối cảnh như vậy, việc TP Hồ Chí Minh khởi xướng và thực hiện thành công chương trình "Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp" được dư luận đánh giá là động thái tích cực, mở ra triển vọng khả quan. Chỉ tính riêng trong 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao), đến cuối năm 2013 tổng dư nợ tín dụng cho các DN trên địa bàn thành phố đã đạt hơn 126 nghìn tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2012. Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, thời gian tới mô hình này sẽ được nhân rộng ra cả nước, bắt đầu từ các thành phố lớn như Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng…

Cũng phải nói thêm rằng, tại hội nghị sơ kết chương trình "Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp" (tổ chức ngày 27-2, tại TP Hồ Chí Minh), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã kêu gọi các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, có thể ở mức 1-2%. Tương tự, tại hội nghị gặp gỡ DN diễn ra ngày 28-2, lãnh đạo TP Hà Nội cũng đề cập tới nhóm giải pháp về vốn, tín dụng bao gồm việc ưu tiên vốn vay với lãi suất hợp lý, theo xu hướng giảm so với thời gian trước, nhằm vào khu vực nông thôn, làm hàng xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, DN công nghệ cao…

Thông tin trên rõ ràng là những tín hiệu tích cực, hứa hẹn sự khởi sắc cho thị trường tín dụng thời gian tới. Và như vậy, sự vào cuộc quyết liệt, chủ động hỗ trợ DN bằng những giải pháp thiết thực, cụ thể của các cấp, ngành chức năng chắc chắn sẽ mang lại "chiếc phao cứu sinh" tiếp sức cho cộng đồng DN vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, qua đó tạo nội lực bền vững cho nền kinh tế đất nước.

Hà Anh