Làng Dịch Vọng Tiền

Xã hội - Ngày đăng : 13:41, 12/07/2004

Ngay sát trung tâm quận Cầu Giấy có một cụm bốn làng, tên Nôm là Vòng, tên chữ là Dịch Vọng là : Dịch Vọng Tiền, Dịch Vọng Hậu, Dịch Vọng Trung, Dịch Vọng Sở. Ngoài ra, còn có làng Mai Dịch vốn từ  làng Dịch Vọng Hậu tách ra.

Ngay sát trung tâm quận Cầu Giấy có một cụm bốn làng, tên Nôm là Vòng, tên chữ là Dịch Vọng là : Dịch Vọng Tiền, Dịch Vọng Hậu, Dịch Vọng Trung, Dịch Vọng Sở. Ngoài ra, còn có làng Mai Dịch vốn từlàng Dịch Vọng Hậu tách ra.

Theo các bậc cao niên trong các làng thì cách đây chừng trên 1600 năm, các làng Vòng được gọi là trang (Tiền trang, Trung trang và Hậu Trang). Đến thời Lê mới lập xã Dịch Vọng gồm ba làng này. Năm 1491 lập sở đồn điền của nhà nước tại đây, gọi là Dịch Vọng Sở. Đến đầu thế kỷ XVII, một bộ phận cư dân làng Dịch Vọng Hậu tách ra lập một làng mới lấy tên là Mai Dịch. Sở dĩ gọi là Dịch Vọng vì từ xưa, tại địa phận của xã có đặt một trạm trên đường Thiên lý từ phía Tây về Thăng Long (nay là Quốc lộ 32).

Đầu thế kỷ XIX, cả năm làng này thuộc tổng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), huyện Từ Liêm cắt về phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội, từ 1902, phủ Hoài Đức thuộc tỉnh Cầu Đơ (năm 1904 đổi thành tỉnh Hà Đông). Năm 1915, các làng này thuộc Đại lý Hoàn Long, năm 1942 thuộc Đại lý đặc biệt Hà Nội. Trong kháng chiến chống Pháp, thuộc liên xã Dịch Vọng. Hoà bình lập lại tách ra thành hai xã Dịch Vọng và Mai Dịch thuộc quận VI. Từ năm 1961 thuộc huyện Từ Liêm. Từ tháng 9 - 1997 đến nay, hai xã chuyển thành các phường thuộc quận Cầu Giấy.

Các làng Vòng xưa là các làng nông nghiệp với các giống lúa nếp rất trắng và thơm, dẻo. Từ các giống nếp này, người các làng Vòng làm ra loại cốm nổi tiếng để cung cấp cho dân Kinh đô, nổi tiếng cả vùng châu thổ Bắc Bộ, sánh vai cùng với nhiều sản phẩm khác, đã đi vào ca dao :

Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì

Tương Bần, húng Láng còn gì ngon hơn.

Dịch Vọng Tiền có bốn xóm: Duệ, Tăng, Miễu, Vỹ, trong đó xóm Vỹ mới hình thành khoảng trên 100 năm nay, do một số gia đình thuộc họ Nguyễn ở xóm Duệ xuống khai khẩn.

Nét đặc biệt của Dịch Vọng Tiền là mỗi xóm có một đình, nên làng có đến bốn ngôi đình. Ngay cả xóm Vỹ, dù chỉ có vài chục gia đình cũng có ngôi đình riêng dựng khoảng trên 70 năm nay. Các đình đều thờ các tướng của Lý Nam Đế, từng đóng quân ở địa phương để đánh quân xâm lược nhà Lương giữa thế kỷ thứ VI. Dịch Vọng Tiền có hai chùa, trong đó có chùa ở xóm Duệ thờ Pháp sư Đại Điên, tương truyền là người làng, đã dùng pháp thuật để làm hại Pháp sư Từ Vinh - cha của Từ Đạo Hạnh, sau bị Đạo Hạnh dùng phép đánh lại và bị hại.

Dịch Vọng Tiền có Quán Đôi nằm bên bờ sông Tô Lịch, thờ bà Hoàng Thái hậu Phương Dung và con trai mới ba tuổi, là vợ và con của Vua Hậu Lý Nam Đế. Năm 602, quân đội nhà Tùy do Lưu Phương chỉ huy xâm lược nước ta. Hoàng Thái hậu Phương Dung đem theo con trai mới ba tuổi đi lánh nạn, nhưng bị giặc bắt. Tướng giặc thấy bà xinh đẹp liền ép hôn, nhưng bà không chịu nên cả hai mẹ con bị chúng giết ngay bên bờ sông. Sau đó, dân làng Tiền chạy giặc trở về đã lập miếu thờ hai mẹ con bà, gọi là Quán Đôi. Hiện tại ở chùa Duệ của làng còn lưu bốn đạo sắc phong cho bà, vào các năm : 1857, 1859, 1868 đời Tự Đức và năm Duy Tân thứ ba (1909).

Dịch Vọng Tiền cũng như các làng trong xã Dịch Vọng là “đất đứng chân” của Thành ủy Hà Nội từ cuối năm 1943. Các đồng chí Nguyễn Quyết, Nguyễn Khang từng hoạt động nhiều năm tại đây. Ngày 17 - 8 - 1945, tại nhà bà Hai Nhã ở xóm Duệ, Thành ủy và ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội đã họp mở rộng, quyết định khởi nghĩa và lên kế hoạch huy động các lực lượng chính trị, quân sự để giành chính quyền ở nội thành vào 19 - 8 - 1945.

Tiến sĩ Bùi Xuân Đính

HONGHAI