Áp dụng cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp CNTT: Còn nhiều lúng túng
Kinh tế - Ngày đăng : 07:17, 28/02/2014
Việc triển khai các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp CNTT đang gặp nhiều vướng mắc. Ảnh: Anh Quân |
Tại buổi làm việc mới đây giữa lãnh đạo Bộ TT-TT và TP Hà Nội với Khu CNTT tập trung Cầu Giấy ông Nguyễn Nhật Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Phần mềm Hài Hòa cho rằng, việc được công nhận là Khu CNTT tập trung đã tạo thuận lợi cho DN CNTT hoạt động tại đây và các DN mong muốn cơ quan quản lý nhà nước sớm triển khai áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi của Nhà nước như quy định. Vì, có thực tế là khi DN đến các sở, ngành làm thủ tục chứng nhận liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) để được hưởng ưu đãi theo quy định của Nghị định (NĐ) 154/ 2013/CP (quy định về chính sách ưu đãi cho DN hoạt động tại khu CNTT tập trung) thì nhận được trả lời là chưa có hướng dẫn. Cụ thể là thành phố có cấp giấy chứng nhận đầu tư cho DN nước ngoài đầu tư trong lĩnh vực CNTT trên địa bàn và kèm theo đó DN sẽ được hưởng ưu đãi như miễn thuế thu nhập DN, miễn thuế nhập khẩu với hàng hóa nhập khẩu theo một số quy định… nhưng khi DN đến làm việc với bộ phận quản lý về lĩnh vực này của Sở Kế hoạch và Đầu tư thì nhận được trả lời là chưa có hướng dẫn. Hoặc như một phản ánh khác, các văn bản chính sách của Nhà nước quy định rõ về ưu đãi cho DN làm phần mềm, nhưng khi thực hiện lại không thuận lợi chỉ vì câu chữ. Chẳng hạn, quy định là "ưu đãi cho DN gia công phần mềm" nhưng trong hồ sơ, thủ tục của DN nếu ghi là "làm thiết kế phần mềm" thì đến cơ quan thuế lại không được ưu đãi vì cách hiểu thiết kế phần mềm không phải là gia công phần mềm, trong khi thiết kế phần mềm là hoạt động sản xuất cao cấp hơn gia công phần mềm… Một số DN CNTT khác trong khu cũng có kiến nghị thành phố sớm có chỉ đạo cụ thể cho các sở, ngành triển khai chính sách ưu đãi tạo thuận lợi cho DN CNTT trong khu để SXKD.
Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, quyết định công nhận Khu CNTT tập trung Cầu Giấy ra đời (cuối tháng 8-2013) là khi giao thời về chính sách áp dụng ưu đãi. Đó là việc ra đời của NĐ 154/CP (ban hành vào tháng 11-2013) về các chính sách ưu đãi với DN hoạt động trong khu CNTT tập trung (có hiệu lực từ tháng 1-2014), thay thế cho NĐ 71/2007/CP. Trong khi lại chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện NĐ nên đây là một trong những nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng đến các đơn vị cấp dưới thực hiện. Đó là một nguyên nhân khách quan khiến các sở, ngành, thành phố chưa thể áp dụng chính sách ưu đãi cho DN CNTT trong khu. Nhưng, ở một góc độ khác, một số quy định ưu đãi về thuế, đất dành cho DN trong khu công nghệ cao đã được nêu đầy đủ tại các điều 21, 22, 23 trong Chương 5 của NĐ154/CP cho thấy, vấn đề đặt ra là việc áp dụng chính sách vào thực tế. Và cũng có một thực tế là trong khi chờ đợi chính sách, các DN vẫn phải hoạt động SXKD.
Tại cuộc họp nói trên, ngoài việc thừa nhận sự "lúng túng" của các sở, ngành trong việc áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi cho DN do đây là mô hình khu CNTT tập trung mới, lãnh đạo UBND thành phố cũng yêu cầu các sở, ngành cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong triển khai để hỗ trợ DN. Lãnh đạo TP Hà Nội cũng nhấn mạnh, trong quá trình giải quyết nếu có vướng mắc, báo cáo đề xuất để UBND thành phố tháo gỡ và giao các Sở Kế hoạch và Đầu tư, TT-TT chủ trì họp với các ngành liên quan triển khai chính sách ưu đãi cho DN trong khu, báo cáo thành phố chậm nhất vào ngày 5-3. Bộ TT-TT cũng sẽ sửa đổi những quy định còn vướng ở câu chữ trong thông tư mới hướng dẫn về sản xuất sản phẩm phần mềm, cũng như sẽ làm việc với Tổng cục Thuế để tháo gỡ cho DN…
Khu CNTT tập trung Cầu Giấy có 36 DN đầu tư xây dựng các tòa nhà văn phòng cho thuê; trong đó có 29 tòa nhà đã xây dựng hoàn chỉnh và đang SXKD ổn định, thu hút hơn 306 DN thuê địa điểm tại đây. Khu có 85 DN CNTT, gồm các DN CNTT hàng đầu Việt Nam như FPT, CMC, Viettel, Misa, Hài Hòa với số lượng lao động hoạt động trong lĩnh vực CNTT hơn 8.000 người, chiếm hơn 70% tổng số lao động làm việc tại khu. Sau khi được công nhận Khu CNTT tập trung Cầu Giấy, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt đầu tư 30 tỷ đồng để cải tạo hạ tầng kỹ thuật; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ DN và xây dựng các kế hoạch, chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư… |