Lựa chọn đúng, trúng vấn đề, đối tượng
Chính trị - Ngày đăng : 06:40, 27/02/2014
Mở đầu đợt giám sát chuyên đề trong tháng 2-2014, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã quyết định thành lập 2 đoàn giám sát, làm việc với 4 sở, ngành, 6 quận, huyện, thị xã về công tác giải quyết kiến nghị của cử tri và giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân trên địa bàn TP Hà Nội. Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh cho biết, đợt giám sát đầu tiên này nhằm đánh giá đúng thực trạng công tác lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các kiến nghị của cử tri, giải quyết KNTC của công dân, của các cơ quan tham mưu, giúp việc cho UBND thành phố và chính quyền các địa phương. Hai nội dung giám sát cho dù cơ sở pháp lý giải quyết khác nhau, nhưng lại có mối quan hệ với nhau chặt chẽ và xét về bản chất đều là giải quyết kiến nghị của công dân. Bởi nếu các cơ quan, đơn vị, địa phương giải quyết tốt kiến nghị của cử tri sẽ hạn chế KNTC của công dân, góp phần giảm bức xúc, kiến nghị của cử tri, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương.
Giám sát việc thực hiện xã hội hóa trong các bệnh viện công lập là một trong những hoạt động của Thường trực HĐND TP Hà Nội. Ảnh: Như Ý |
Sau đợt giám sát về giải quyết kiến nghị của cử tri và giải quyết KNTC, Thường trực HĐND TP Hà Nội sẽ giám sát việc thực hiện xã hội hóa trong các bệnh viện công lập; việc chấp hành pháp luật trong đầu tư thực hiện các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn; việc thực hiện tổ chức bộ máy và sử dụng biên chế hành chính, sự nghiệp; tình hình, kết quả thực hiện nghị quyết của HĐND thành phố về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và dự toán ngân sách. Quan điểm của các đoàn giám sát là tăng cường trao đổi, chất vấn làm rõ các nội dung theo chuyên đề, vấn đề giám sát, trong đó tập trung vào những lĩnh vực quan trọng, bức xúc, nổi cộm được dư luận quan tâm. Cùng với đó, các ban của HĐND thành phố sẽ thực hiện tái giám sát kết quả thực hiện chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô và một số lĩnh vực khác; tổ chức 8 chương trình khảo sát trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế… qua đó tổng hợp, báo cáo, trao đổi và chất vấn tại các kỳ họp của HĐND thành phố.
Thực hiện Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội về nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, thường trực HĐND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố thời gian gần đây cũng đã tổ chức nhiều diễn đàn trao đổi nhằm nâng cao hiệu quả công tác này. Vừa qua, Thường trực HĐND huyện Hoài Đức đã tổ chức trao đổi chuyên đề: "Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND huyện và HĐND các xã, thị trấn". Các ý kiến của đại biểu đều khẳng định, để một cuộc giám sát hiệu quả thì HĐND các cấp phải lựa chọn vấn đề, đối tượng giám sát sao cho đúng, trúng nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc trong dư luận nhân dân; xây dựng chương trình giám sát chuyên đề cụ thể; lựa chọn thành viên đoàn giám sát bảo đảm đủ thành phần, có trình độ chuyên môn; kết luận giám sát phải được thông báo công khai, gửi tới các đơn vị có liên quan và theo dõi chặt chẽ việc thực hiện các kết luận, tổ chức tái giám sát nếu cần thiết. HĐND huyện Gia Lâm tổ chức trao đổi chuyên đề "Phát huy vai trò của HĐND trong quản lý ngân sách địa phương". Theo Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Trần Văn Tường, qua các ý kiến thảo luận, trao đổi đã khẳng định: Muốn quản lý, sử dụng ngân sách đúng, HĐND các cấp cần phải làm tốt và làm đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong quản lý ngân sách địa phương qua giám sát, khảo sát theo quy định; tăng cường rà soát, đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của thường trực HĐND và các ban của HĐND cũng như ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Giám sát của HĐND là thực hiện sự ủy quyền của nhân dân để giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước. Do vậy, nâng cao hiệu quả giám sát không chỉ là quá trình nỗ lực, phấn đấu không ngừng của cơ quan dân cử mà còn là đòi hỏi, mong đợi từ phía cử tri. Tuy nhiên, để hoạt động giám sát chất lượng, HĐND các cấp cần tuân thủ đúng, đủ 3 giai đoạn: Xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát; triển khai thực hiện kế hoạch và kết luận, kiến nghị, đề xuất sau giám sát. Tại mỗi địa phương, trong từng thời điểm cụ thể thường tồn tại nhiều vấn đề cần giám sát, cùng lúc không thể tổ chức giám sát tất cả. Từ đó, HĐND các cấp cần chọn vấn đề nổi cộm, bức xúc nhất để ưu tiên và phải chọn đối tượng giám sát phù hợp, xuất phát từ thực tiễn, đáp ứng được mong đợi của nhân dân và cử tri.