Kiểm soát giao thông bằng công nghệ số…
Giao thông - Ngày đăng : 07:02, 26/02/2014
TP Hồ Chí Minh đang triển khai mô hình phát triển hệ thống giao thông thông minh. |
ITS là một giải pháp ứng dụng kết hợp nhiều lĩnh vực công nghệ cao đang phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây như hệ thống định vị toàn cầu, hệ thống thông tin địa lý, cơ sở dữ liệu và các giải pháp truyền thông. Khi ứng dụng hệ thống ITS, nhân viên tại trung tâm có thể giám sát được các hoạt động giao thông theo thời gian thực và có thể điều phối được hoạt động giao thông.
Theo Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, hệ thống ITS mà thành phố đang triển khai được chia làm 3 nhóm chính gồm: Thứ nhất, khoảng 734 đèn tín hiệu giao thông (ĐTHGT), tại các giao lộ. Các hệ thống ĐTHGT này thuộc dự án ODA do Chính phủ Pháp và dự án tăng cường năng lực quản lý giao thông đô thị do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Thứ hai, bảng thông tin giao thông điện tử (BTTGTĐT). Hiện thành phố có 17 BTTGTĐT được lắp đặt trên các tuyến đường như: Nguyễn Văn Trỗi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Cộng Hòa, Phan Đình Giót, Trường Chinh… Dự kiến năm nay, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư thêm khoảng 10 bảng tại khu vực trung tâm. Và cuối cùng là hệ thống camera giao thông, với khoảng hơn 200 camera được lắp đặt tại nhiều vị trí, khu vực giao thông trọng yếu.
Ông Lê Minh Triết, Phó Trưởng phòng Quản lý và khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP Hồ Chí Minh) cho hay, hệ thống ITS sẽ giúp cung cấp thông tin đầy đủ cho người tham gia giao thông nhằm lựa chọn lộ trình hợp lý, tránh đi vào những khu vực có mật độ lưu thông cao, giảm TNGT… Đã triển khai hơn một năm, tuy chưa có nghiên cứu đánh giá kết quả tổng thể, nhưng bước đầu ngành chức năng thành phố đã nhận được nhiều khích lệ từ người tham gia giao thông. Điển hình như cuối năm 2013, nhờ những hình ảnh ghi lại qua camera giao thông, lực lượng Công an quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) đã bắt giữ 6 đối tượng liên quan đến đường dây dàn cảnh đụng xe trên đường cướp tài sản. Đây là băng nhóm hoạt động có tổ chức, thủ đoạn tinh vi và táo tợn, khiến người dân hoang mang trong thời gian dài. Cũng suốt năm 2013, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh phối hợp với Công ty TNHH Giải pháp công nghệ cao FPT triển khai dự án "Bảng quang báo giao thông", cập nhật liên tục tình hình giao thông các tuyến đường thông qua việc mã hóa và xử lý hình ảnh (màu xanh cho biết đường đang thông thoáng, màu vàng là đường đang đông xe và màu đỏ là đang kẹt xe), đã mang hiệu quả ban đầu. Anh Trần Thành Hảo, tài xế taxi Vinasun thường chạy xe tuyến trung tâm thành phố Sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) để đưa đón khách du lịch cho biết, nhờ những bảng quang báo giao thông thường xuyên cập nhật thông tin giao thông trên một số tuyến đường ra sân bay giúp anh ít lỡ hẹn với khách.
Theo quy hoạch mạng lưới giao thông đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ là "siêu đô thị" với hệ thống các đô thị vệ tinh như Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Vũng Tàu, Ðức Hòa, Bến Lức... Thành phố sẽ có 4 đường vành đai kết nối các đô thị vệ tinh, 6 tuyến metro kết nối các khu vực trong thành phố và một số tuyến đường trên cao. Theo đó, cơ cấu phương tiện tham gia giao thông trong thành phố sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng tỷ lệ phương tiện giao thông công cộng và giảm tỷ lệ phương tiện cá nhân xuống dưới 50%... Trước sức ép trên, theo cơ quan chức năng, giải pháp ITS là rất cần thiết. Ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho hay, UBND thành phố đã giao Sở GTVT phối hợp với các đơn vị nghiên cứu xây dựng hệ thống ITS để đưa vào áp dụng triển khai trong thời gian tới, nhằm hoàn chỉnh mạng lưới điều khiển giao thông. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh sẽ phát triển ITS trong 6 lĩnh vực gồm: Quản lý và khai thác hạ tầng giao thông; quản lý hệ thống giao thông công cộng; quản lý công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm giao thông; hệ thống cung cấp thông tin giao thông; quản lý phương tiện giao thông và dịch vụ thanh toán điện tử. Hiện thành phố đang nghiên cứu triển khai dự án "Trung tâm điều khiển giao thông", với tổng số vốn 187 triệu USD (tương đương khoảng 3.800 tỷ đồng) để tích hợp việc quản lý, điều khiển các THGT, hệ thống camera quan sát và BTTGTĐT. Dự án sẽ lắp đặt thiết bị giao thông trên khoảng 1.500 giao lộ, khi đi vào hoạt động, toàn bộ dữ liệu hình ảnh tại các giao lộ sẽ được truyền về trung tâm điều hành giao thông để xử lý.