Người giữ “kho” thuốc quý của người Dao Ba Vì
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:34, 26/02/2014
Bốc thuốc chữa bệnh, mang tâm cứu người
Chạy xe máy men theo con đường rừng quanh co, khúc khuỷu, anh cán bộ xã Ba Vì tên Dũng đưa tôi đến nhà bà Triệu Thị Thanh. Trời mưa tầm tã, chúng tôi phải dừng xe dưới chân đồi rồi tiếp tục lội bộ quãng đường khá xa. Ngôi nhà tuềnh toàng, xung quanh toàn đồi núi, cây cối mọc um tùm. Bà Thanh hồ hởi đón khách, trên tay vẫn cầm lọ thuốc chữa viêm xoang đang đóng gói dở, chuẩn bị gửi cho khách dưới xuôi. Bắt đầu câu chuyện về thuốc nam, bà Thanh mời chúng tôi một cốc nước, mà theo bà là "bổ gan", uống mát, có vị thơm dễ chịu. Bà bảo: "Bây giờ đi lại đã dễ dàng hơn xưa. Ngày trước đi đưa thuốc cho người bệnh phải chạy bộ cả chục cây số đường rừng vẫn không thấy mệt".
Bà Triệu Thị Thanh hái lá trong vườn thuốc nam của gia đình. |
Nói về nghề thuốc nam, những kỷ niệm từ thời thơ ấu lại ùa về trong con người mà tuổi đời đã được coi là về "bên kia sườn dốc...". Bà kể: "Mẹ tôi, cụ Dương Thị Cao là người thầy lớn nhất của tôi. Lúc 6 đến 7 tuổi, tôi đã được theo mẹ lên rừng hái lá thuốc. Mỗi bài thuốc chữa bệnh, mẹ tôi dạy gồm những loại cây nào và lấy liều lượng bao nhiêu là đủ để cho cây còn phát triển cho đợt hái khác. Cứ đều đặn trong nhiều tháng, nhiều năm đi cùng mẹ, tôi đã học được cách hái lá thuốc, bốc thuốc chữa bệnh cho người dân".
Ngày ấy, bà Thanh bốc thuốc chữa bệnh cho người dân trong bản, trong xã và những khu vực lân cận không lấy tiền. Bà Thanh suy nghĩ đơn giản rằng: "Khi xưa, người Dao sống ở lưng chừng núi. Ở nơi heo hút, "rừng thiêng nước độc", đi lại rất khó khăn, khi có người đổ bệnh thì phải chung sức cứu chữa. Vì thế, bốc thuốc chữa bệnh cho dân làng là bình thường. Xúc động nhất là người khỏi bệnh mang lễ tạ, lúc thì con gà, khi là nải chuối, cân gạo... Nhớ lần đi bốc thuốc, chữa bệnh dưới xã Canh Nậu (huyện Thạch Thất), có một phụ nữ trạc tuổi 55 - 60 mua thuốc chữa thấp khớp nhưng trả lại với lý do không có tiền. Khi ấy bà Thanh cười hiền, đưa túi thuốc cho người phụ nữ mang thuốc về nhà uống thử mà không cần thù lao. Rất lâu sau, bà Thanh quay lại đây và biết người phụ nữ đã khỏi bệnh. Hôm đó, người ta nấu cỗ mời bà ăn, trả cho bà món tiền đã mua thuốc trước kia và không quên tiết lộ: "Thực ra nhà tôi không thiếu tiền mua thuốc, là do cậu con trai ngăn cản vì cho rằng thuốc tây không khỏi, huống chi là... lá cây". Gần đây nhất là trường hợp của chị Triệu Thị Luyến, người trong bản Hợp Sơn đã được chữa khỏi bệnh nhờ bài thuốc gia truyền của bà Thanh, dù trước đó căn bệnh sỏi thận đã hành hạ chị Luyến tới mức phải đi cấp cứu ở bệnh viện nhiều lần. Để kiểm chứng thêm, chúng tôi tìm đến một bệnh nhân đang dùng thuốc của bà Thanh và một số người Dao Ba Vì khác, đó là bà Lê Thị Nông, trú quán ở phường Kim Mã (quận Ba Đình) thì được biết, quá trình dùng thuốc viêm xoang của người Dao, bệnh viêm xoang của bà Nông đã thuyên giảm được 80%. Từng là một bác sĩ nội khoa, công tác tại Bệnh viện Đống Đa, bà Nông đánh giá thuốc nam của người Dao đủ độ tin cậy, người bệnh phải kiên trì theo thuốc trong thời gian dài mới đạt hiệu quả. "So với thuốc tây thì thuốc nam nhẹ nhàng, dễ uống, không độc hại và đỡ tốn tiền" - bà Nông cho hay.
Mang câu chuyện chia sẻ với Chủ tịch xã Ba Vì Dương Trung Liên, ông cho biết: "Xưa, người Dao có tục bốc thuốc cứu người không lấy tiền. Về sau, nhờ danh tiếng lan xa, nghề thuốc mới trở thành kế sinh nhai".
"Kho báu" trong nhân gian
Điều làm chúng tôi rất ngạc nhiên là cụ bà Dương Thị Cao, năm nay đã bước sang tuổi 102 nhưng vẫn minh mẫn, mắt sáng, thính giác tốt. Hỏi bí quyết nào mà cụ Dương Thị Cao giữ được sức khỏe tốt như vậy, bà Thanh cho biết: "Cả cuộc đời mẹ tôi chưa biết đến bệnh viện là gì. Từ lâu, bà vẫn thường uống những vị thuốc bổ do chính tay bà chế biến và coi đó là thức uống hằng ngày". Cụ Dương Thị Cao là một trong 4 lương y có tiếng trong bản người Dao xưa kia chuyên đi bốc thuốc cứu người. Giờ đây, duy nhất cụ Cao còn sống, 3 cụ bà khác là: Cụ Nảy, cụ Lệch, cụ Hịn đã qua đời.
Hiện nay, người bốc thuốc ở bản người Dao Ba Vì khá nhiều, nhưng để am hiểu tường tận như bà Triệu Thị Thanh, người con gái duy nhất của cụ bà Dương Thị Cao thì không phải ai cũng có được. 66 tuổi đời với gần 60 năm "sống chết" với nghề, giờ đây bà Thanh thông thạo khoảng 500 loài cây thuốc. Bà say sưa kể về các loại cây vị thuốc trên núi Ba Vì để chữa bệnh như cây địa ùi chữa ốm yếu; cây B1 dùng làm tăng lực, đổi sữa cho người mới sinh; cây máu người dùng làm thuốc bổ máu; cây kim giao để chữa ho... Đặc biệt, củ dòm là vị thuốc quan trọng có thể chữa được nhiều loại bệnh như dạ dày, rối loạn tiền đình, thấp khớp, gout, ung thư, giảm đau... Theo lời bà Thanh khẳng định thì từ các loài cây thuốc, bà Thanh đã bào chế được hơn 10 bài thuốc chữa các nhóm bệnh như ho, ho lao, viêm phổi, viêm mũi, viêm xoang, dạ dày, đại tràng, phong tê thấp, thấp khớp... Bà Thanh cho biết: "Nghề gia truyền thuốc nam của chúng tôi từ trước đến nay đều truyền miệng. Các thế hệ phụ nữ trong mỗi gia đình truyền cho nhau mà không có ghi chép bằng sách vở. Cách chế biến, liều lượng mỗi vị thuốc tương đối giống nhau, nhưng mỗi người lại có cách bào chế riêng. Người bốc thuốc phải hiểu được chu trình, gồm trị bệnh, khỏi bệnh, chống tái phát và tiệt nọc bệnh".
Bà Triệu Thị Thanh sinh thành được 5 người con trai. Theo phong tục người Dao, nghề thuốc chủ yếu do phụ nữ đảm nhận và việc truyền nghề thường chỉ giới hạn cho con dâu hoặc con gái. Vì thế, 2 cô con dâu là chị Triệu Thị Oanh và chị Triệu Thị Hà đã, đang được bà Thanh truyền nghề. Chị Triệu Thị Hương - con dâu thứ 4 của bà Thanh chia sẻ: "Tôi đang tham gia lớp học nghề thuốc nam do xã Ba Vì tổ chức, nhưng truyền nghề theo cách trực quan như mẹ Thanh đang giúp thì hiệu quả hơn nhiều. Trước đây, tôi thường xuyên theo mẹ Thanh lên núi tìm kiếm cây thuốc. Khi chúng tôi nhận biết được các loại cây thuốc thì được mẹ dạy cách xem bệnh và bốc thuốc chữa bệnh". Ngoài các con dâu, bà Thanh cũng đang truyền nghề cho cháu nội Dương Thị Hải Anh, 18 tuổi.
Nỗi lo mất nghề
Trong suy nghĩ của bà Triệu Thị Thanh thì xưa kia, hái lá thuốc trên núi Ba Vì rất dễ dàng, có thể đi một ngày là đủ các vị thuốc cần lấy. Giờ, bà rất trăn trở vì nghề thuốc lâu đời của đồng bào mình có nguy cơ thất truyền vì nguồn cây thuốc trên rừng đang dần cạn kiệt. Thêm vào đó, Rừng quốc gia Ba Vì đã trở thành khu rừng cấm khai thác nên người Dao không thể tùy tiện lên núi hái thuốc như trước. "Bây giờ nhiều cây thuốc quý đã tuyệt chủng như dây huyết đằng, máu người, cây B1 - cây tăng lực, củ dòm, cây kim ngân... Cứ mạnh ai người ấy lấy, có khi đào cả gốc, hái lá, chặt cành, mặc cho cây sống chết ra sao không cần quan tâm, như thế thì hỏng hết nghề thuốc" - bà Thanh buồn bã nói. Để cứu nghề tổ trước nguy cơ thất truyền, lương y Triệu Thị Thanh đã tìm kiếm nhiều cây thuốc trong rừng về trồng tại vườn nhà gây giống để lấy vị thuốc. Ở bản người Dao Hợp Sơn bây giờ, vườn của bà Thanh là vườn thuốc duy nhất có trên 100 loại cây thuốc khác nhau, trong đó có những loại cây thuốc quý được trồng mà thời gian cho thu hoạch phải đợi từ 10 đến 20 năm.
Những âu lo của bà Thanh không phải ngẫu nhiên vì theo thống kê có đến gần 300 loại cây thuốc nam của người Dao Ba Vì đứng trước nguy cơ cạn kiệt, trong đó hơn 100 loài cây thuốc quý đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Giờ người Dao ở Ba Vì muốn duy trì nghề thuốc đang phải đi nhận "viện trợ" nguồn cây thuốc từ các nơi như Phú Thọ, Hòa Bình.
"Tin vui nhất với người Dao chúng tôi là vừa mới đây, bản người Dao Yên Sơn ở bên cạnh đã được công nhận là làng nghề thuốc nam truyền thống. Người Dao ở Hợp Sơn cũng đang mong chờ ngày này sẽ đến, để nghề thuốc nam được trường tồn mãi mãi" - bà Thanh chia sẻ.