Nguy cơ bùng phát đại dịch cúm gia cầm tại nhiều quốc gia
Hồ sơ - Ngày đăng : 06:28, 26/02/2014
Bất chấp những biện pháp quyết liệt từ phía Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng thời gian qua, dịch cúm gia cầm H7N9 ở Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Cơ quan y tế tỉnh Quảng Đông vừa công bố về trường hợp một phụ nữ ở TP Triệu Khánh tử vong do nhiễm cúm gia cầm H7N9 nâng tổng số người thiệt mạng do dịch bệnh này lên tới con số 116 kể từ tháng 3-2013. Ghi nhận của giới chức y tế Trung Quốc cho thấy, số ca tử vong do nhiễm virus cúm H7N9 ở quốc gia đông dân nhất thế giới tăng mạnh từ đầu năm 2014 đến nay và kể từ khi phát hiện chủng cúm này Trung Quốc đã xác nhận tổng cộng 365 trường hợp nhiễm H7N9, hầu hết là ở khu vực miền Nam.
Kinh doanh gia cầm sống không rõ nguồn gốc là một trong những nguyên nhân gây bùng phát dịch cúm gia cầm H7N9 tại Trung Quốc. |
Là điểm nóng bùng phát dịch cúm gia cầm H7N9 mạnh nhất trên thế giới, cuộc chiến với nguy cơ bùng phát đại dịch cúm gia cầm tại Trung Quốc ngày càng trở nên phức tạp khi nhiều chủng virus cúm nguy hiểm khác nhau như H5N1, H5N2, H7N9, H10N8… cùng lúc "lưu hành" tại quốc gia này. Dịch cúm không chỉ bùng phát mạnh ở Trung Quốc đại lục mà còn gia tăng nhanh tại cả đặc khu hành chính Hongkong và đảo Đài Loan. Kết quả điều tra bệnh học và theo dõi trên toàn Trung Quốc cho thấy, virus cúm H7N9 có thể lây lan từ người mắc bệnh, gia cầm mắc bệnh và môi trường bị ô nhiễm. Các mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với các loại cúm này chủ yếu đến từ những điểm buôn bán gia cầm sống nhưng cũng không loại trừ một số nơi chăn nuôi không bảo đảm vệ sinh.
Mặc dù các chuyên gia y tế chưa tìm được bằng chứng cho thấy chủng virus này lây lan trực tiếp từ người sang người, nhưng Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) vẫn đưa ra cảnh báo rằng, dịch bệnh nguy hiểm này có thể sẽ lây nhiễm ra ngoài biên giới Trung Quốc. Theo khuyến cáo mới nhất của FAO, các nước có chung đường biên giới với Trung Quốc cần xem xét áp dụng các biện pháp đề phòng khẩn cấp và lập kế hoạch phản ứng nhanh để đối phó với nguy cơ bùng phát dịch bệnh này. Khẳng định sẽ gia tăng nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh cũng như giảm thiểu số người tử vong do cúm gia cầm H7N9, giới chức Trung Quốc một lần nữa nhấn mạnh sẽ cách ly những người nhiễm bệnh.
Theo thống kê của Hiệp hội vật nuôi Trung Quốc, thiệt hại trực tiếp do dịch cúm gây ra đối với ngành chăn nuôi gia cầm của nước này trong nửa đầu năm 2013 là 60 tỷ nhân dân tệ và từ đầu năm 2014 đến nay là 20 tỷ nhân dân tệ. Trước thực trạng lây lan đáng báo động của dịch cúm gia cầm H7N9, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã đưa ra một loạt kiến nghị. Trong đó, đặc biệt chú ý nâng cao năng lực theo dõi cúm gia cầm trong phòng thí nghiệm thú y ở cả 3 cấp tỉnh, thành phố và huyện. Bên cạnh đó các cơ quan chức năng của Trung Quốc được khuyến cáo cần theo dõi toàn diện để kịp thời phát hiện và loại bỏ virus cúm H7N9 trong các khâu lưu thông trên thị trường và chăn nuôi gia cầm. Những nỗ lực giảm nguy cơ virus lây lan sang người hay giảm nguy cơ virus lây lan từ thị trường gia cầm sống sang nơi chăn nuôi là một biện pháp quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh phát triển thành đại dịch. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc nêu rõ cần phân khu và phân loại để theo dõi.
Nguy cơ đại dịch cúm gia cầm có thể bùng phát trên thế giới là điều mà các chuyên gia y tế đã cảnh báo. Đến nay, một số nước đã cấm hoặc hạn chế kinh doanh gia cầm sống nhập khẩu từ Trung Quốc và một số quốc gia đang có dịch cúm H7N9 để ngăn chặn sự lây lan. Thế nhưng, các biện pháp quyết liệt của mỗi chính phủ cũng như các cơ quan chức năng không thể chặn đứng mối nguy hiểm này nếu ý thức phòng, chống dịch bệnh của mỗi người dân chưa được nâng cao.