Ứng phó với dịch cúm gia cầm: “Chống” đi đôi với “phòng”
Xã hội - Ngày đăng : 06:15, 26/02/2014
Theo Cục Thú y, trong ngày, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại tỉnh Bạc Liêu, đưa tổng số địa phương phát sinh dịch cúm gia cầm lên 21 tỉnh, thành phố với 67 ổ dịch, số lượng gia cầm chết và tiêu hủy khoảng 64.000 con.
Kiểm tra, phun thuốc phòng dịch tại chốt kiểm dịch động vật liên ngành số 3, TP Hà Nội. Ảnh: Thái Hiền |
Quyết liệt phòng chống
Thời gian qua, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã tổ chức 15 đoàn công tác đi kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tại 31 tỉnh, thành phố (tập trung vào các tỉnh có nguy cơ cao nhiễm virus cúm A/H7N9 ở phía Bắc và các tỉnh đang có dịch cúm gia cầm H5N1), nhằm nhanh chóng dập tắt dịch cúm A/H5N1 ở trong nước và ngăn chặn có hiệu quả nhất các chủng virus cúm mới từ Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam. Các đơn vị chức năng của Bộ Y tế, Công an, Công thương... cũng đã có những biện pháp tích cực, khẩn trương, phối hợp với các địa phương tham gia ngăn chặn và ứng phó với dịch bệnh gia súc, gia cầm.
|
Trong một diễn biến có liên quan, ngày 20-2, lô hàng 20 triệu liều vắc xin cúm gia cầm A/H5N1 đã về nước và đến ngày 28-2 sẽ có thêm 20 triệu liều nữa được giao cho Cục Thú y để phòng chống dịch. Về số lượng như thế là không thiếu, vấn đề là làm sao để đến được đúng nơi, đúng lúc, đúng đối tượng. Thông thường, khi các tỉnh công bố dịch, UBND tỉnh sẽ dùng tiền ngân sách mua vắc xin và hỗ trợ miễn phí cho các hộ dân tại vùng dịch, song cũng chỉ áp dụng cho các hộ dân có số lượng gia cầm ít, còn các trang trại lớn thì người chủ phải tự lo. Ở các địa phương chưa công bố dịch, muốn phòng ngừa thì người dân phải tự bỏ tiền ra mua. Giá một liều vắc xin bán trên thị trường dù chỉ 400 đồng, song với những chủ chăn nuôi có đàn vật nuôi lớn, sẽ là một khoản tiền không nhỏ.
Tinh thần chống dịch được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định là: Phòng là chính, dân là chính, cơ sở là chính. Có chỉ đạo này cũng bởi thực tế là nhiều địa phương lo ngại việc công bố dịch sẽ ảnh hưởng đến tình hình chăn nuôi cũng như "bộ mặt" của địa phương (?). Thế nên việc minh bạch thông tin, cập nhật rõ tình hình để người dân chủ động, đi đầu trong phòng chống dịch hiệu quả là rất quan trọng. Việc người chăn nuôi không giấu dịch hay bán chạy gia súc, gia cầm lúc này cũng rất cần được khuyến khích, động viên.
Quản chặt chất lượng sản phẩm nông sản
Đi đôi với các biện pháp phòng chống dịch bệnh quyết liệt, việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Thông tư số 14/2011 của Bộ NN&PTNT về kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản lại càng cần được coi trọng. Theo Bộ NN&PTNT, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ diễn ra phức tạp trên địa bàn cả nước, nhất là việc giết mổ gia súc, gia cầm. Thành phố Hà Nội thời gian qua đã tập trung quyết liệt thực hiện công tác này, đã tạo được những chuyển biến tích cực, rộng khắp từ quận đến các huyện. Trước, trong và sau Tết Giáp Ngọ, qua thanh, kiểm tra 2.650 cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ quan chức năng phát hiện 216 cơ sở có vi phạm (chiếm 8,15%); trong đó có 180 cơ sở vi phạm về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, 26 cơ sở kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc, góp phần quan trọng trong việc giữ "sạch" được địa bàn, không để xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm và nguy cơ lây lan sang người tại Hà Nội.
Tuần qua, cả Bộ NN&PTNT và UBND TP Hà Nội đều ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản, thêm một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của công tác này. Theo TS Trần Mạnh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở NN&PTNT Hà Nội), trước tình hình dịch cúm gia cầm gia tăng, đi đôi với quyết liệt chống dịch, cần đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa, không "tiếp sức" cho dịch lan rộng. Đồng thời cần đẩy mạnh việc phổ biến, tuyên truyền một số biện pháp an toàn sinh học, giúp người dân chủ động ngăn chặn và phòng chống dịch bệnh trên đàn gia cầm như: Người chăn nuôi nên tự túc con giống trong từng gia đình hoặc từng thôn xóm; con giống mua từ nơi khác phải bảo đảm rõ nguồn gốc, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y; nuôi nhốt thủy cầm trong ao hồ, tránh thả tự do ngoài đồng; khu chăn nuôi phải có hàng rào, ranh giới cách ly; thường xuyên thực hiện vệ sinh chuồng trại, khử trùng, tiêu độc chuồng nuôi; thức ăn phải bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh thú y, đủ thành phần dinh dưỡng, rõ xuất xứ; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn gia cầm theo đúng quy định...
Đó là những biện pháp đơn giản và không quá tốn kém nhưng chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, vừa giúp người dân bảo đảm chăn nuôi an toàn, vừa chủ động trong phòng chống dịch bệnh.
Ngày 25-2, Chi cục Thú y Hà Nội đã kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch sản phẩm động vật tại chốt kiểm dịch động vật liên ngành ở huyện Phú Xuyên và Thường Tín. Tại chốt kiểm dịch Phú Xuyên, trong 2 tháng đầu năm 2014, lực lượng liên ngành đã thu giữ, tiêu hủy trên 3 tấn sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Tại chốt kiểm dịch ở chợ gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín), hiện nay trung bình mỗi ngày số lượng gia cầm tiêu thụ khoảng 30-35 tấn, tại chợ không còn hiện tượng bán gà thải loại không rõ nguồn gốc nhập từ Trung Quốc về. Ngọc Quỳnh |
Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y cảnh báo: Hiện nay, các ổ dịch xảy ra nhỏ lẻ, chủ yếu trên đàn gia cầm nuôi tại các hộ gia đình, trung bình mỗi ngày xuất hiện 2 ổ dịch cúm gia cầm mới, thời điểm cao nhất dịch gia tăng từ 4 đến 7 ổ dịch/ngày. Kết quả rà soát lưu hành virut A/H5N1 cho thấy, 6% đàn thủy cầm dương tính với virut cúm gia cầm, đặc biệt là tại các chợ tỷ lệ này lên đến trên 60%. Nếu các địa phương không tăng cường giám sát dịch và phát hiện xử lý kịp thời, trong thời gian tới dịch bệnh sẽ tiếp tục xảy ra và tốc độ lây lan sẽ rất nhanh. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm yêu cầu các địa phương tái phát dịch cúm gia cầm và các tỉnh, thành phố chưa phát hiện cúm gia cầm cần tập trung thực hiện nghiêm Quyết định 2088 của Thủ tướng Chính phủ về "Đề án phòng ngừa ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép". Quỳnh Dung |