Đã được giải quyết triệt để
Xã hội - Ngày đăng : 07:15, 25/02/2014
Diện tích đất ông Thành nhận giao thầu cơ bản đã được bàn giao cho địa phương. |
Xã Hồng Dương có 7 thôn, trong đó 6 thôn đã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa (DĐĐT). Riêng thôn Ngọc Đình tính đến ngày 21-2-2014 vẫn chưa giao được ruộng cho người dân. Một số người dân thôn Ngọc Đình cho biết: Năm 2003, hàng trăm hộ dân trong thôn đã cho ông Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Văn Thành thuê khoảng 20ha ruộng quỹ I (ruộng chia lâu dài cho người dân theo Nghị định 64/CP ngày 27-9-1993) ở cánh đồng Đa Con, Chim Chim, Ba Sào, Bà Chúa… để chuyển đổi mô hình canh tác với thời hạn 11 năm và đến ngày 30-10-2013 sẽ hết hạn. Theo đề án DĐĐT của địa phương thì toàn bộ ruộng quỹ I sẽ được "rũ" ra để chia lại, nhưng khi hợp đồng giao thầu hết hạn ông Thành vẫn không chịu giao trả lại ruộng cho người dân. Tính đến ngày 18-2, ông Thành vẫn "nợ" người dân khoảng 3 mẫu ao, chưa bàn giao mặt bằng cho địa phương vì cá và cây trái chưa đến kỳ thu hoạch…
Qua làm việc với đại diện lãnh đạo xã Hồng Dương và một số cán bộ các phòng, ban của huyện Thanh Oai, chúng tôi được biết: Khi hợp đồng cho thuê đất hết hạn, cán bộ xã Hồng Dương đã nhiều lần yêu cầu bên nhận giao thầu trả lại mặt bằng cho người dân để địa phương thực hiện DĐĐT, nhưng tiến độ diễn ra chậm chạp. Việc giải phóng mặt bằng càng khó khăn hơn khi ngày 25-1, Thường trực Ban chỉ đạo DĐĐT xã Hồng Dương họp và ra biên bản, giao cho ông Biến (người nhà ông Thành) được nhận diện tích ruộng quỹ I về cánh đồng Chim Chim (nơi ông Thành đang có ao, cây cối), yêu cầu gia đình ông Thành phải chuyển toàn bộ cây cối, hoa màu, vật nuôi về khu vực ao của ông Biến ở cánh đồng Chim Chim… để giảm thiệt hại cho ông Thành. Biên bản này khiến nhiều người bất bình với lý giải: Khi hết hạn hợp đồng, ông Thành phải có nghĩa vụ trả lại ruộng và diện tích nào là ao thì san trả mặt bằng cho dân. Nếu hợp đồng nào cũng được cơ quan chức năng tạo điều kiện "giảm bớt thiệt hại" như trường hợp này thì quyền lợi của người dân sẽ còn bị ảnh hưởng. Mặt khác, toàn thể nhân dân nhận ruộng trên cơ sở phải gắp thăm vị trí, tại sao gia đình ông Thành lại được ấn định, giao ruộng tại nơi thuận lợi"?
Do không đồng tình nên người dân nhất định không tiến hành DĐĐT. Ngày 6-2, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo DĐĐT huyện Thanh Oai đã họp với Đảng ủy, UBND xã Hồng Dương, cán bộ thôn Ngọc Đình và khẳng định: "Xuất phát từ đề nghị, nguyện vọng của cán bộ và nhân dân thôn Ngọc Đình là thu hồi toàn bộ diện tích cánh Đa Con, Chim Chim, Ba Sào… để chia lại cho nhân dân vì đây là diện tích đất quỹ I nên không ưu tiên bất kỳ một hộ nào". Cùng với đó, UBND huyện còn thu hồi và hủy bỏ Biên bản do Thường trực Ban chỉ đạo DĐĐT xã ban hành ngày 25-1 và nêu rõ: "Các hộ đều phải giao mặt bằng cho thôn để chia ruộng cho nhân dân vì các hợp đồng đã hết hạn". Song song với chỉ đạo trên, cán bộ các phòng, ban liên quan huyện Thanh Oai còn trực tiếp tuyên truyền, vận động để ông Thành bàn giao mặt bằng, mặt khác hoàn thiện hồ sơ cưỡng chế nếu ông Thành không tự nguyện bàn giao mặt bằng. Nhờ đó, đến ngày 21-2, ông Thành đã cơ bản thu dọn xong tài sản và bàn giao mặt bằng cho địa phương. Tuy nhiên, việc san trả mặt bằng ruộng cho người dân không thể tiến hành xong trong ngày một, ngày hai…
Ngày 22-2, thôn Ngọc Đình họp dân, bàn về công tác DĐĐT, sẽ còn một số khó khăn cần sự chia sẻ và đồng thuận của người dân. Sự việc trên cho thấy, nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt của UBND huyện Thanh Oai thì công tác DĐĐT khó có thể đạt được kết quả. Nếu phức tạp của địa phương nào cũng nhận được sự quan tâm, tập trung chỉ đạo sát sao của cơ quan chức năng như trường hợp nêu trên thì quyền lợi người dân sẽ được bảo đảm và lòng tin sẽ được củng cố…