Nước Nga và sự trở lại ngọt ngào
Thể thao - Ngày đăng : 06:47, 25/02/2014
VĐV trượt băng tốc độ Viktor Ahn đoạt HCV và trở thành người hùng của nước chủ nhà tại Olympic Sochi 2014. |
Nước Nga bước vào Thế vận hội Mùa đông 2014 trong sự nghi ngờ do an ninh bất ổn tại một số khu vực với những vụ đánh bom khủng bố. Tiếp đó, chi phí hơn 50 tỷ USD cho công tác tổ chức, đăng cai Thế vận hội này cũng là cái cớ để nhiều người "soi" nước Nga. Rồi khả năng tiếp đón, đăng cai của thành phố Sochi cũng bị đặt dấu hỏi. Nhưng Mátxcơva đã chứng tỏ được rằng mình hoàn toàn có thể tổ chức một Thế vận hội hoành tráng, suôn sẻ. Sau một lễ khai mạc khiến cả thế giới phải tâm phục khẩu phục là những cảm nhận rõ ràng hơn sự trở lại ngoạn mục của một nước Nga hùng cường. Kết thúc sự kiện là lễ bế mạc hoành tráng vào đêm 23-2 cũng đã đem lại cảm giác tương tự. Khép lại Thế vận hội Mùa đông 2014, người ta còn cảm nhận được chiều sâu và rộng của văn hóa Nga, điều không phải đạo diễn tài ba nào trên thế giới cũng thể hiện được. Những điều ấy càng khẳng định rằng một nước Nga lớn mạnh, giàu truyền thống thì bất cứ lúc nào cũng có thể tạo ra điều khác biệt với thế giới. Điều đó góp phần giúp Thế vận hội Sochi thu hút gấp đôi sự quan tâm của dư luận và giới truyền thông so với Thế vận hội Mùa đông 2010 ở Vancouver (Canada).
Một điều được quan tâm lớn trước Thế vận hội lần này chính là công tác an ninh. Đối với Mátxcơva, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Thế vận hội Mùa đông cũng là bảo vệ cho bộ mặt nước nhà. Đã có không ít lời đe dọa khủng bố nhắm vào Sochi trước và trong thời gian diễn ra Thế vận hội nên người ta càng hồi hộp xem nước chủ nhà sẽ ứng phó ra sao. Ai cũng hiểu, một vụ khủng bố xảy ra ở Sochi sẽ khiến công lao tổ chức Thế vận hội kỳ này của nước Nga trôi sông trôi biển. Cuối cùng, nước Nga đã vượt qua bài toán khắc nghiệt nhất trong nhiều năm gần đây vì bảo đảm an ninh trật tự cho một sự kiện thể thao như Thế vận hội bao giờ cũng phức tạp hơn nhiều sự kiện khác.
Nhưng điều được quan tâm hơn cả vẫn là những giá trị thể thao tại Thế vận hội lần này. Đó là sự gần gũi, chia sẻ với nhau giữa những người tham dự mà như chính Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế T.Bach đã phát biểu tại lễ bế mạc, rằng: "Bằng việc sống và thi đấu dưới mái nhà Thế vận hội Mùa đông này, các bạn đã mang đến một thông điệp mạnh mẽ về tình đoàn kết, sự tôn trọng và hòa bình. Chúng tôi muốn gửi thông điệp này đến toàn thế giới, đến những nơi nào còn thù địch, chiến tranh. Chúng ta hãy giải quyết những mâu thuẫn đó bằng thương lượng và hòa bình, bằng niềm vui như cách các VĐV đã làm tại Olympic Sochi". Những giá trị chuyên môn của Thế vận hội Sochi còn giúp lấy lại thể diện cho thể thao Nga sau thảm bại 4 năm trước ở Canada (xếp hạng 11 toàn đoàn với 3 HCV, 5 HCB, 7 HCĐ). Đoàn Nga lần đầu tiên lên ngôi vô địch toàn đoàn kể từ thời hậu Liên Xô không còn, với 13 HCV, 11 HCB, 9 HCĐ, trở thành một trong số ít đoàn thể thao (cùng Liên Xô cũ, Canada) đạt đến mốc 13 HCV ở Thế vận hội Mùa đông. Các bước tiến chậm nhưng chắc để đoàn Nga lên ngôi vô địch toàn đoàn gần giống như hành trình để được đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2014 của nước Nga. Cũng đầy khó khăn ở chặng đầu, bị nghi ngờ về khả năng thành công để rồi lên đỉnh vinh quang ở chặng cuối. Trong chiến thắng của đoàn Nga, có đến 4 tấm HCV do các VĐV nhập tịch (gốc Hàn Quốc, Mỹ) đạt được. Đấy là sự mới mẻ trong nền thể thao Nga, cho thấy sự thoáng, "mở" trong cách sử dụng nhân tài. Và đó không chỉ là thông điệp của riêng nền thể thao Nga mà còn ở nhiều lĩnh vực khác của nước này.
Nước Nga hùng cường trở lại, nền thể thao Nga hùng mạnh cũng trở lại và sẽ còn nhiều cơ hội nữa để Mátxcơva khẳng định điều này. Nhưng ít nhất đến lúc này, thông điệp mà nước Nga và thể thao Nga gửi đi từ Sochi đã được thế giới cảm nhận rõ.