Những “nút thắt” cần tháo gỡ
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:21, 25/02/2014
Trong đơn gửi Báo Hànộimới, 19 hộ dân sống tại thôn Văn Thượng, xã Xuân Canh, Đông Anh, có nhà ở nằm trong diện giải tỏa phục vụ dự án cho biết, họ không đồng tình với bản dự thảo chi tiết bồi thường hỗ trợ đất đai của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) huyện Đông Anh. Nội dung khiếu nại tập trung vào hai vấn đề chính là: Chính sách bồi thường GPMB và cấp đất tái định cư (TĐC).
Dự án đường 5 kéo dài bị tắc do chậm GPMB tại xã Xuân Canh, huyện Đông Anh. |
Theo trình bày, phần đất nằm trong diện GPMB đã được các hộ dân sử dụng ổn định từ trước năm 1991 do UBND xã Xuân Canh cấp và có giấy phép xây dựng nhà ở hai tầng. Theo dự thảo phương án chi tiết bồi thường hỗ trợ và TĐC của Ban Bồi thường GPMB huyện Đông Anh thì nhiều hộ trong số này lại không được bố trí TĐC. Số ít hộ được bố trí TĐC thì phải chịu phí mua đất quá cao (khoảng 7,5 triệu đồng/m2). Nếu người dân chấp thuận phương án đền bù thì sau khi nhận tiền bồi thường (khoảng 5,6 triệu đồng/m2) và nộp tiền mua đất TĐC, nhiều hộ sẽ không có tiền xây nhà mới. Cùng với đó, việc kiểm kê, đánh giá giá trị nhà ở và tài sản gắn liền trên đất chưa hợp lý ở chỗ nguồn gốc đất ở là lâu năm, xây dựng nhà cửa kiên cố, có giấy phép xây dựng, tuy nhiên, trong dự thảo phương án đền bù đã kiểm kê, đánh giá không đúng thực tế. Ban Bồi thường GPMB huyện đưa khoản khấu trừ nghĩa vụ tài chính 50%, đây là điểm bất hợp lý vì tất cả các hộ dân đều có quyết định giao đất của các cấp có thẩm quyền và sử dụng ổn định trước thời điểm có Luật Đất đai năm 1993.
Để làm rõ khiếu nại của người dân, phóng viên (PV) Báo Hànộimới đã về tìm hiểu tại xã Xuân Canh. Ông Phạm Minh Vân, trú tại thôn Văn Thượng cho biết: "Từ năm 1991-1992, Chủ tịch UBND xã Xuân Canh Nguyễn Khắc Quyết và Trưởng thôn Hoàng Văn Hùng chỉ đạo và yêu cầu toàn bộ các hộ gia đình tự bỏ kinh phí xây đường mương thoát nước phía trước mặt nhà để bảo đảm cho việc tiêu thoát nước ở cánh đồng phía trên. Đổi lại, UBND xã Xuân Canh đã trả 2m đất tính theo chiều dài ở phía sau cho các hộ có mương nước đi qua. Sau này, các gia đình đã xây dựng nhà ở trên phần đất 2m và sử dụng ổn định từ đó đến nay. Tuy nhiên, trong dự thảo phương án đền bù của huyện và tại cuộc họp với người dân ngày 9-1 vừa qua, chủ tịch UBND xã đương nhiệm đã bác bỏ việc làm của lãnh đạo tiền nhiệm, điều đó có nghĩa người dân không được hưởng một chút quyền lợi nào từ diện tích "đổi đất lấy hạ tầng" này".
Chỉ cho chúng tôi phần diện tích đất giáp mặt đường quốc lộ 3, ông Đỗ Đức Hạnh cho biết, trước đây, toàn bộ khu vực này là thùng, hố. Khi nhận bàn giao, các hộ dân đã bỏ rất nhiều công sức, kinh phí tôn tạo để được như ngày nay; vậy mà trong phương án dự thảo không tính mức giá bồi thường cho phần diện tích này.
Lo lắng hơn cả là hộ gia đình ông Đào Sơn Tùng, ở thôn Văn Thượng. Phần diện tích 107m2 đất của gia đình ông đã được UBND huyện Đông Anh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2009. Sau khi có sổ đỏ, gia đình ông Tùng làm thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng (GPXD) nhà ở 5 tầng. Ngày 10-9-2009, ông được UBND huyện Đông Anh cấp GPXD số 89/2009/GPXD cho phép xây dựng nhà 5 tầng tại khu đất này. Khi gia đình ông dỡ bỏ nhà cũ 2 tầng và 1 gác xép, cùng công trình phụ (tổng diện tích xây dựng khoảng 200m2) thì nhận được thông báo của UBND xã Xuân Canh yêu cầu tạm dừng việc xây dựng và trao quyết định của huyện về việc thu hồi GPXD đã cấp trước đó, với lý do lô đất này nằm trong phạm vi GPMB. Nhà cũ đã phá, nhà mới không xây được, khó khăn về chỗ ở gia đình ông có thể tự xoay xở, nhưng nếu chiểu theo phương án bồi thường tài sản thì gia đình ông sẽ không được tính căn nhà 2 tầng đã dỡ bỏ trước đó.
Trao đổi với chúng tôi, ông Tùng than vãn: Ngay khi có thông báo của xã, gia đình tôi nghiêm chỉnh chấp hành và không có bất kỳ khiếu nại nào. Lỗi này không phải của người dân vì dự án đường 5 kéo dài có từ năm 2005, vậy mà 2009 UBND huyện Đông Anh vẫn cấp GPXD cho gia đình tôi. Giờ cơ sự thế này, tôi chỉ mong Ban Bồi thường GPMB huyện khi thực hiện dự án cần tính đến tài sản trên đất, đó là căn nhà 2 tầng mà gia đình tôi đã phá dỡ trước kia.
Ông Tùng cũng như các hộ dân ủng hộ chủ trương của Nhà nước và thành phố, sẵn sàng bàn giao mặt bằng để dự án triển khai đúng tiến độ, tuy nhiên người dân mong muốn có một cuộc đối thoại công khai, dân chủ về phương án hỗ trợ đền bù GPMB, nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người dân.
Cần sự đồng thuận
Trong buổi làm việc với PV Báo Hànộimới, ông Tô Văn Đảm, Trưởng ban Bồi thường GPMB huyện Đông Anh liên tục nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện công tác GPMB để triển khai dự án xây dựng đường 5 kéo dài trên địa bàn xã Xuân Canh, một số hộ dân không hợp tác trong quá trình điều tra, kê khai cũng như không cung cấp đầy đủ hồ sơ, giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, tài sản trên đất. Vì thế, hồ sơ GPMB và dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của các hộ dân được lập trên cơ sở hồ sơ quản lý tại địa phương.
Về những khiếu nại của người dân, ông Đảm cho biết, theo quy định tại Điều 45 Quyết định số 108/2009/ QĐ-UBND ngày 29-9-2009, được sửa đổi bổ sung tại Quyết định số 02/2013/QĐ-UBND ngày 7-1-2013 của UBND TP Hà Nội thì hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi toàn bộ diện tích đất đang sử dụng được bố trí TĐC khi có đủ 3 điều kiện: Diện tích đất thu hồi đủ điều kiện bồi thường, hỗ trợ theo giá đất ở; ăn ở ổn định, thường xuyên tại thửa đất thu hồi; không có chỗ ở khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi. Như vậy, đối với các hộ gia đình, cá nhân khi bị thu hồi toàn bộ diện tích đất đang sử dụng, nếu không có đủ 3 điều kiện này sẽ không được bố trí TĐC. Còn với kiến nghị của các hộ về đơn giá bồi thường, hỗ trợ GPMB thấp, không thỏa đáng, ông Đảm cho rằng, dự thảo phương án của các hộ dân được lập trên cơ sở các đơn giá bồi thường, hỗ trợ hiện hành theo quy định của UBND thành phố và đơn giá đặc thù của dự án đã được UBND thành phố chấp thuận cho áp dụng.
Về diện tích đất do UBND xã Xuân Canh giao năm 1991-1992 bị khấu trừ nghĩa vụ tài chính bằng 50% tiền sử dụng đất (còn 4,5 triệu đồng/m2), ông Nguyễn Lê Hiến, Phó ban Bồi thường GPMB huyện cho biết, Ban áp dụng từ khoản 5 Điều 42 Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 24-4-2013 của UBND thành phố quy định việc đất do UBND xã, phường, thị trấn, hợp tác xã nông nghiệp, thôn giao không đúng thẩm quyền trước ngày 15-10-1993, chưa nộp tiền sử dụng đất thì bị khấu trừ nghĩa vụ tài chính bằng 50% tiền sử dụng đất theo giá đất ở do UBND thành phố quy định đối với phần diện tích đất trong hạn mức giao đất ở mới xác định theo mức tối đa. Do các hộ không hợp tác nên tại thời điểm công khai dự thảo phương án không có hồ sơ, chứng từ chứng minh việc trước đây các hộ đã nộp tiền sử dụng đất nên trong dự thảo phương án chi tiết bồi thường đã áp dụng thực hiện điều này. Ông Hiến cũng cho biết, hiện UBND huyện đang chỉ đạo UBND, tổ công tác GPMB xã Xuân Canh tuyên truyền, vận động các hộ dân cung cấp biên lai, chứng từ đã nộp tiền sử dụng đất tại thời điểm giao đất để phê duyệt phương án chính thức. Tương tự, phần diện tích 2m đất chạy dài, thuộc diện "đổi đất lấy hạ tầng" mà các hộ đang sử dụng, ông Đảm cho biết "Vì các hộ không hợp tác trong việc điều tra, kê khai, không cung cấp hồ sơ, giấy tờ về quyền sử dụng đất, tài sản trên đất gây khó khăn trong việc lập hồ sơ GPMB và phương án bồi thường, hỗ trợ TĐC...".
Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy vụ việc trở nên phức tạp do người dân và Ban Bồi thường GPMB huyện Đông Anh cũng như các cấp chính quyền ở địa phương chưa tìm được tiếng nói chung để tạo sự đồng thuận. Tại sao người dân không hợp tác, không cung cấp hồ sơ và các giấy tờ liên quan đến diện tích đất thu hồi mà đó là quyền lợi họ được hưởng. Phải chăng công tác tuyên truyền, vận động của các cấp chính quyền chưa thực sự thuyết phục người dân?