Chính quyền chủ động, việc khó cũng thành
Chính trị - Ngày đăng : 06:00, 25/02/2014
Song, cho đến thời điểm này, khi dư âm của những ngày nghỉ Tết Nguyên đán đã xa và quỹ thời gian của quý I-2014 không còn nhiều thì tại một số địa phương trên địa bàn, bộ máy chính quyền các cấp vẫn chưa thực sự vào guồng.
Còn tâm lý trông chờ
Mới đây, tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND thành phố và các sở, ngành, lãnh đạo thị xã Sơn Tây đề nghị thành phố bổ sung thêm một nguồn ngân sách "nhỏ" là 580 tỷ đồng cho các dự án về phát triển giao thông đô thị, nâng cấp một số công trình, dự án dân sinh, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Đáng lưu ý, trong những dự án được thị xã đề nghị hỗ trợ có cả những công trình đã được phân cấp thuộc thẩm quyền của thị xã.
Còn tại Ba Vì, với lý do xa trung tâm, đời sống còn nhiều khó khăn, không có nguồn thu, huyện cũng kiến nghị thành phố điều chỉnh một số chỉ tiêu được giao trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Cụ thể, huyện kiến nghị giảm tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước sạch từ 31,7% xuống còn 8%; chỉ số hộ thoát nghèo từ 1.470 hộ xuống 700 hộ; tỷ lệ hộ được công nhận gia đình văn hóa từ 83,7% xuống 83%. Bên cạnh đó, Ba Vì cũng kiến nghị thành phố cho huyện giữ lại 100% nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất với diện tích trên 5.000m2 để đầu tư xây dựng nông thôn mới và trả nợ xây dựng cơ bản trước đó thay vì trích lại 50% cho thành phố như hiện nay; thành phố tiếp tục hỗ trợ huyện thêm hơn 400 tỷ đồng để triển khai một số dự án trên địa bàn.
Điều đáng nói, hai trường hợp kể trên không phải là cá biệt mà tại các buổi làm việc với lãnh đạo thành phố, kiến nghị được các quận, huyện, thị xã đề cập nhiều đó chính là nguồn kinh phí phục vụ cho sự phát triển của địa phương. Hầu hết các địa phương đều cho rằng, nguồn thu chủ yếu của cơ sở là từ đấu giá đất nhưng công tác này đang gặp vướng mắc nên dẫn đến hụt thu. Nếu thành phố không bù đắp, các địa phương sẽ gặp khó khăn trong triển khai nhiệm vụ. Thiếu vốn, thiếu nguồn thu song có một thực tế đáng lo ngại hiện nay đang diễn ra khá phổ biến là tình trạng nợ đọng cơ bản và có biểu hiện "giấu nợ". Trong khi đó, nguyên nhân của nợ đọng lại do việc bố trí vốn đầu tư còn dàn trải, phân tán, dẫn đến thiếu vốn cho công trình như tại thị xã Sơn Tây, huyện Thạch Thất, Ứng Hòa… Thậm chí, có nơi không bố trí vốn trả nợ các dự án hoàn thành và bàn giao, nhưng vẫn bố trí vốn cho dự án mới.
Cần phát huy tính chủ động của cơ sở
Thực hiện cải cách hành chính, thời gian qua Hà Nội đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn liền với phân bổ nguồn lực để các địa phương chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ. Trong công bố về kết quả bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (CCHC) cấp bộ, cơ quan ngang bộ năm 2012 vừa mới được Bộ Nội vụ công bố, Hà Nội thuộc nhóm đứng đầu bảng về chỉ số CCHC cấp tỉnh.
Ngay sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, thành phố đã đề ra 12 nhiệm vụ trọng tâm sau Tết và thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị 2014" với mục đích định hướng để các sở, ngành, quận, huyện, thị xã trên cơ sở thực tiễn tại địa phương chủ động triển khai, thực thi nhiệm vụ. Chính vì vậy, ngay tại buổi làm việc với thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo tái khẳng định, trong điều kiện kinh tế khó khăn, nguyên tắc của thành phố là ưu tiên các công trình bức xúc cấp bách và xem xét, bố trí vốn cho một số công trình cấp thiết dở dang, bảo đảm đầu tư tập trung, hiệu quả. Thời gian qua, thành phố đã phải tạm giãn, hoãn nhiều dự án để tập trung ưu tiên cho các dự án cấp bách, quan trọng hay các dự án liên quan đến đời sống dân sinh bức xúc; các địa phương cũng cần rà soát để có hướng đầu tư xây dựng cơ bản phù hợp với thực tiễn, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí, gây phát sinh nợ xây dựng cơ bản mới. Chủ tịch UBND thành phố lưu ý, số tiền "nhỏ" bốn, năm trăm tỷ đồng mà các địa phương kiến nghị thành phố hỗ trợ tương đương nguồn thu ngân sách của cả tỉnh miền núi. Vì vậy, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu hệ thống chính quyền cơ sở phát huy tính tự chủ, năng động, chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội tại địa phương.
Cũng cần nhắc lại những bài học về sự chủ động. Cuối năm 2013, tại kỳ họp HĐND thành phố, Hà Nội đã được cảnh báo nguy cơ lần đầu tiên không đạt chỉ tiêu thu ngân sách sau nhiều năm. Vậy mà chỉ sau gần một tháng với sự chỉ đạo quyết liệt khi chỉ còn 2 ngày nữa là kết thúc năm kế hoạch 2013, thu ngân sách trên địa bàn Hà Nội đã đạt 100,3% dự toán pháp lệnh, trong đó phần lớn là nguồn thu từ các địa phương. Hay gần nhất tại lễ hội chùa Hương, chỉ một vài ngày sau khi Chủ tịch UBND thành phố phê bình UBND huyện Mỹ Đức và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch do thực hiện không tốt nhiệm vụ được giao, để xảy ra những tồn tại, bất cập tại lễ hội, các hoạt động tại đây đã đi vào nền nếp hơn. Dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng Ban quản lý và chính quyền sở tại chỉ rốt ráo khắc phục, chấn chỉnh bất cập, tình trạng lộn xộn khi bị cấp trên phê bình?
Những ví dụ trên cho thấy, nếu có sự cố gắng, quyết liệt từ chính quyền địa phương thì việc dù khó cũng được giải quyết. Nhưng điều quan trọng là vai trò chủ động của chính quyền địa phương phải rõ nét hơn nữa…