Nếu không làm, xin mời rời ”ghế”

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:57, 25/02/2014

(HNM) - Tại Hội nghị triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vừa diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, đây là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong 2 năm 2014-2015. Cũng về vấn đề này, trong Thông điệp đầu năm gửi đến nhân dân cả nước, Thủ tướng nhấn mạnh: Năm 2014, phải kiên quyết thực hiện tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là cổ phần hóa, kể cả các tập đoàn, tổng công ty; hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN; tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu nhà nước...

Như vậy chắc chắn trong năm 2014, việc tái cơ cấu các DNNN sẽ còn tiếp tục nóng khi thời gian tới Chính phủ sẽ ban hành nhiều văn bản, chính sách về vấn đề này như Nghị quyết về một số giải pháp đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DN giai đoạn 2013-2015; Chỉ thị của Thủ tướng về đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN đến năm 2015 và Quyết định của Thủ tướng về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN...

Nhìn chung, quyết tâm của cả hệ thống chính trị về tái cơ cấu các DNNN đã được khẳng định, mấu chốt của vấn đề bây giờ là hành động.

Trong giai đoạn 2011-2015, quá trình tái cơ cấu DNNN được xác định là một trong ba trụ cột chính của tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam (cùng với tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại). Thực tế cho thấy, mặc dù đã có những chuyển biến tích cực về mặt số lượng đề án tái cơ cấu được phê duyệt, số DN được tái cơ cấu, cải thiện khả năng cạnh tranh của các DN… song các DNNN mới đóng góp được khoảng hơn 30% GDP là quá thấp trong khi vốn tín dụng chiếm hơn 60%. Trong 3 năm (2011-2013) - hơn nửa chặng đường của quá trình tái cơ cấu DNNN - chỉ có 180 DN được sắp xếp lại, gồm 99 DN được cổ phần hóa. Đây cũng là lý do khiến 16% số DNNN làm ăn thua lỗ, cùng với đó là hàng loạt tập đoàn, tổng công ty báo cáo sụt giảm cả về lợi nhuận và doanh thu trong năm 2013…

Tất nhiên có những yếu tố thuộc về khách quan như bối cảnh kinh tế trong nước, khu vực và thế giới còn chịu ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế, khủng hoảng tài chính; rồi trong giai đoạn khởi đầu của tái cơ cấu DNNN, hàng loạt cơ chế, chính sách được đổi mới, hoàn thiện và triển khai… Song đã xuất hiện không ít yếu tố thuộc về chủ quan trong thực hiện tái cơ cấu DNNN, dẫn đến việc rề rà, chần chừ cổ phần hóa vì vấn đề này chắc chắn sẽ đụng chạm đến lợi ích của một nhóm thiểu số. Bộ trưởng GTVT thẳng thắn chỉ ra đó là những "ông" chủ tịch, tổng giám đốc sợ mất chức khi những vị trí này sẽ do cổ đông căn cứ vào năng lực lãnh đạo để quyết định chứ không phải ngồi vào "cái ghế" đó là do nắm cổ phần chi phối. Bên cạnh đó, một số DN đã và đang tái cơ cấu mới chỉ dừng lại ở việc "sáp nhập lại một cách cơ học", chuyển giao DN yếu kém của đơn vị này sang cho đơn vị khác quản lý. Rồi việc xây dựng, triển khai đề án sắp xếp DNNN theo ngành, lĩnh vực kinh doanh không phân biệt cấp, cơ quan quản lý vẫn còn chậm trễ; cơ chế quản lý DNNN chưa theo kịp với thực tiễn hoạt động của các DN; chức năng đại diện chủ sở hữu còn phân tán, chưa phân định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính trong quản lý, giám sát việc sử dụng vốn, tài sản của DNNN…

Những tồn tại nêu trên là lực cản khiến cho tiến trình tái cơ cấu, đổi mới DNNN bị chậm trễ. Có thể khẳng định, tái cơ cấu DNNN là giải pháp thay đổi căn bản hệ thống động lực nội sinh và tạo áp lực thị trường đầy đủ đối với DNNN. Qua đó, tài sản quốc gia được quản lý và sử dụng hiệu quả, tạo thêm giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Đây là con đường phải làm. Cơ chế, chính sách đã có và sẽ được điều chỉnh, hoàn thiện cho phù hợp, tuy nhiên vấn đề là quyết tâm thực hiện. Muốn vậy trước hết phải quy rõ trách nhiệm của từng cá nhân cùng thái độ quyết liệt vào cuộc như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Ai chần chừ thì mời làm việc khác hoặc thay thế, cách chức.

Hoàng Thu Vân