Bài 2: “Thi thật” để “học thật”
Tuyển sinh - Ngày đăng : 06:37, 24/02/2014
Đánh giá không chỉ bằng điểm số
Theo lộ trình, việc thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục sẽ được đổi mới theo hướng đồng bộ, tức là đổi mới cả về nội dung và phương pháp đánh giá quá trình vào cuối kỳ, cuối năm. Sự điều chỉnh ấy dự kiến được áp dụng ngay trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, khi cách tính xét tốt nghiệp và xếp loại tốt nghiệp cho HS, ngoài điểm số bài thi như hằng năm còn có thêm thành tố thứ hai là kết quả đánh giá quá trình học tập của HS. Ban soạn thảo Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã xác định, việc kiểm tra, thi cử sẽ không chỉ tập trung vào việc đánh giá người học biết cái gì, mà quan trọng hơn là làm được gì từ những điều đã biết, tức là tập trung đánh giá năng lực. Việc điều chỉnh những yêu cầu của đề thi, kiểm tra sẽ có tác động tích cực và là định hướng cho quá trình dạy - học tại nhà trường.
Cách tính xét tốt nghiệp THPT sẽ không chỉ căn cứ vào điểm số bài thi, mà còn là kết quả đánh giá quá trình học tập của học sinh. Ảnh: Viết Thành |
Với mục tiêu đó, từ đầu năm học 2013-2014, Bộ GD-ĐT đã có sự điều chỉnh mạnh mẽ trong cách thức kiểm tra, đánh giá, bắt đầu từ cấp tiểu học. Cụ thể, việc đánh giá HS chủ yếu là để khích lệ, động viên các em tiến bộ, không phê bình HS trước lớp. Việc đánh giá sẽ không chỉ bằng cách cho điểm số, mà kết hợp với việc đưa ra nhận xét. Riêng với HS lớp 1, Bộ GD-ĐT khuyến khích giáo viên chỉ đánh giá thông qua nhận xét chứ không chấm điểm HS. Rõ ràng là giáo viên sẽ vất vả hơn, song "cái được" không phải là ít. Các ý kiến tại hội nghị chuyên đề về nâng cao chất lượng giáo dục lớp 1 của Sở GD-ĐT Hà Nội được tổ chức mới đây đều khẳng định cách thức này sẽ giúp HS biết được ưu thế để phát huy, thấy rõ điểm yếu để khắc phục. Việc không có căn cứ để so sánh em này với em khác cũng khiến phụ huynh bớt "chạy sô", ép con phải học trước chương trình. Việc dạy, học và đánh giá ở trường có chiều hướng sát với năng lực thực của HS hơn.
Ở cấp học phổ thông, nhằm giảm dần và tiến tới chấm dứt cách thức dạy - học theo lối đọc - chép, vài năm gần đây, việc ra đề kiểm tra, thi theo hướng "mở", tăng cường yêu cầu vận dụng, khả năng diễn đạt nhằm thể hiện chính kiến của HS được tăng cường trong cả các bài kiểm tra định kỳ và các bài kiểm tra cuối năm, cuối cấp. Cách làm này đã khiến nhiều HS bỏ dần kiểu học thuộc lòng, phương pháp giảng dạy của giáo viên cũng được điều chỉnh theo hướng bớt lý thuyết, gần gũi với cuộc sống hơn. Những đề văn nghị luận mang tính xã hội như phê bình tính gian dối, ngưỡng mộ sự hy sinh cao cả, tính nhân văn… xuất hiện thường xuyên hơn, được đánh giá có ý nghĩa, tác động mạnh tới việc hình thành nhân cách của HS.
Tập trung vào năng lực
Ở kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, việc Bộ GD-ĐT giao cho các trường tự xây dựng phương án tuyển sinh đã tạo bước ngoặt lớn trong tư duy đổi mới công tác tuyển sinh cũng như yêu cầu đối với người học. Chuẩn bị cho kỳ thi này, nhiều trường đại học đã lên phương án tuyển sinh riêng với tiêu chí nổi bật là tuyển chọn người học tập trung vào tư duy và năng lực học ĐH thay vì chỉ kiểm tra kiến thức như trước đây. Có nhiều trường, cả công lập và ngoài công lập, dồi dào hay hạn chế về nguồn tuyển đều đã chú ý nhiều hơn tới những kỹ năng mà các phương thức thi truyền thống chưa coi trọng hoặc chưa thể đánh giá. ĐH Quốc gia Hà Nội bắt đầu thí điểm tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực thông qua các hình thức như bài thi chuẩn hóa, đánh giá hồ sơ và phỏng vấn. ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh có đề án kiểm tra năng lực gồm 5 môn học nhằm kiểm tra rộng và sát hơn đối với kiến thức người học, đánh giá được cả kiến thức, kỹ năng và thái độ của người học. Trường ĐH DL Hải Phòng thay đổi các môn thi để tuyển được sinh viên phù hợp với đặc thù ngành đào tạo. Trường ĐH Phan Châu Trinh chú trọng khả năng tư duy, diễn đạt, trình bày của thí sinh qua vòng thi phỏng vấn, đơn dự tuyển viết tay và các bài luận về vấn đề xã hội được thực hiện khi đăng ký thi.
Phương thức tuyển sinh tiên tiến, một mặt là công cụ hữu hiệu giúp các trường tuyển được thí sinh phù hợp với ngành đào tạo, nâng cao chất lượng đầu vào, mặt khác yêu cầu thí sinh thoát ra khỏi "lối mòn" trong cách học như trước kia. PGS.TS Nguyễn Quý Thanh - Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định: Với phương thức tuyển sinh mới, thí sinh cần tránh học tủ, học lệch và cần lưu ý về khả năng vận dụng, phân tích, tổng hợp, sáng tạo thay vì khả năng ghi nhớ đơn thuần. Người học cần phải rèn luyện phẩm chất, năng lực một cách toàn diện như tham gia các hoạt động ngoại khóa, nghiên cứu khoa học, hoạt động nhóm... Không nên chỉ chú trọng đến kết quả học tập thuần túy, bởi dù rất quan trọng nhưng kết quả đó chỉ là một trong các tiêu chí để tuyển sinh. Bên cạnh đó, do đây là phương thức đánh giá toàn diện, nội dung kiến thức cơ bản nhưng độ bao phủ rất rộng nên việc ôn thi, luyện thi theo lối cũ là không cần thiết và cũng không khả thi. Tuy vậy, thí sinh có thể được hướng dẫn phương pháp làm bài thi khi triển khai thí điểm.