Giải pháp hay đang bị lãng phí
Chính trị - Ngày đăng : 06:36, 24/02/2014
Tác dụng thiết thực của vấn đề chất vấn trong Đảng đã rõ. Tuy nhiên, cho đến nay, sau hơn 5 năm, việc thực hiện Quy chế chất vấn trong Đảng vẫn chưa trở thành hoạt động phổ biến. Tình trạng này khiến cho nhiều tổ chức Đảng rơi vào lãng phí giải pháp nhằm khắc phục hạn chế, khuyết điểm theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI).
Một buổi tập huấn nghiệp vụ công tác Đảng của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam. |
Tác dụng thấy rõ
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trong sinh hoạt Đảng đã được Ban Chấp hành TƯ Đảng làm gương, tổ chức thành công trong không khí dân chủ, thẳng thắn và xây dựng tại Hội nghị TƯ 6 (khóa XI) diễn ra tại Hà Nội từ ngày 1-10 đến ngày 15-10-2012.
Ở cấp tỉnh, đến nay mới có một số tỉnh ủy, thành ủy như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Lai Châu tổ chức triển khai chất vấn trong Đảng. Nhưng ngay cả những địa phương này, việc thực hiện cũng mới chỉ là bước đầu, chưa triển khai rộng rãi. Trong khi đó, ích lợi của việc thực hiện chất vấn trong Đảng lại rất rõ. Tại Quảng Ngãi, chất vấn trong Đảng được tiến hành xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Cụ thể là từ những bức xúc của người dân diện tái định cư Dự án hồ chứa Nước Trong (huyện Tây Trà), không ở được nhà tái định cư (vì ngập nước), phải cất nhà tạm ở bìa rừng, tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nội dung trên đã được chất vấn Ban cán sự Đảng UBND tỉnh. Sau chất vấn, Tỉnh ủy đã chỉ đạo sát sao việc thực hiện các kết luận về vụ việc. Đến nay, người dân đã có chỗ ở ổn định.
Không chỉ có tác dụng giải quyết nhanh, hiệu quả các vụ việc cụ thể, chất vấn trong Đảng cho thấy tinh thần dân chủ cao trong sinh hoạt Đảng, phát huy tinh thần phê và tự phê bình của đảng viên. Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng, chất vấn trong Đảng là cơ hội để tập thể tỉnh ủy thống nhất nhận thức đối với một số vấn đề đang diễn ra, tăng cường trách nhiệm của các tỉnh ủy viên.
Tại các địa phương đã tổ chức chất vấn trong Đảng, dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân đều đồng thuận và ủng hộ cao. Nhiều cấp ủy địa phương mới chỉ tăng cường đối thoại trong Đảng, tiệm cận với chất vấn trong Đảng đã phát huy được dân chủ, được đảng viên và nhân dân hoan nghênh.
Càng chậm càng lãng phí
Các quy định, hướng dẫn của TƯ hiện nay đủ để các cấp ủy thực hiện chất vấn trong Đảng. Điều lệ Đảng (khóa XI) quy định: "Đảng viên có quyền phê bình, chất vấn về hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên ở mọi cấp trong phạm vi tổ chức; báo cáo, kiến nghị với các cơ quan có trách nhiệm và yêu cầu được trả lời" (Điều 3). Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) nêu rõ: "Phát huy dân chủ thật sự trong Đảng, thực hiện nghiêm túc Quy chế chất vấn trong Đảng, nhất là chất vấn tại các kỳ họp Ban Chấp hành TƯ và cấp ủy các cấp". Việc các tỉnh, thành ủy như Quảng Ngãi, Phú Yên, Đà Nẵng, Lai Châu tổ chức thành công chất vấn trong Đảng, dù chỉ là bước đầu, cũng đủ để minh chứng cho việc tổ chức chất vấn trong Đảng không có vướng mắc về quy chế, hướng dẫn... Vấn đề còn lại nằm ở khâu thực hiện của các cấp ủy đảng. Theo cách lý giải hiện nay, cái khó nhất để tiến hành chất vấn trong Đảng là đảng viên có tâm lý nể nang, sợ trách nhiệm, tinh thần phê bình và tự phê bình chưa cao. Những hạn chế này xảy ra tập trung ở đội ngũ cán bộ cấp ủy nên nhận thức trong các cấp ủy nhìn chung là chưa thông, không có tiếng nói đồng thuận và quyết tâm thực hiện chất vấn. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ Vũ Quốc Hùng cho rằng, việc các cấp ủy chưa thực hiện chất vấn trong Đảng cũng có phần trách nhiệm của công tác kiểm tra, giám sát. Nếu không có lý do chính đáng mà không tổ chức chất vấn trong Đảng thì cần phải xem xét trách nhiệm.
Cùng là chất vấn, nhưng so với chất vấn tại cơ quan dân cử như Quốc hội, HĐND, chất vấn trong Đảng có đặc thù riêng. Ngoài việc chất vấn về chức trách, nhiệm vụ mà Đảng giao phó, đảng viên có thể chất vấn về tư cách, đạo đức, lối sống, về dư luận quần chúng đối với cán bộ lãnh đạo, về công tác đề bạt, kỷ luật cán bộ... Đây chính là điều kiện, cơ hội để xây dựng Đảng vững mạnh, là biện pháp thực hiện hiệu quả hơn Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI).
Trong kết luận Hội nghị TƯ 6 (khóa XI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: "Các cấp ủy, tổ chức đảng, từ TƯ đến cơ sở, từng cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, phải tiếp tục thực hiện thật tốt việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo đúng tinh thần của Nghị quyết TƯ 4, không làm qua loa, hình thức". Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết TƯ 4 được chỉ ra sau 1 năm thực hiện là nhiều cấp ủy chưa làm tròn trách nhiệm, chưa vận dụng hết các biện pháp cần thiết, trong đó có chất vấn trong Đảng. Phải chăng đã đến lúc các cấp ủy không nên lãng phí biện pháp quan trọng này.