”Bệ đỡ” nào khuyến khích sự sáng tạo?
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:14, 24/02/2014
Đối với Vinaxuki, khó khăn nằm ở lý do các DN FDI sang Việt Nam, họ không phải mang nhiệm vụ giúp đỡ phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mà mang phụ tùng tự sản xuất, hay mua của các nước đến nước ta lắp ráp. Nhờ có thương hiệu mạnh, họ tiêu thụ được nhiều và lợi nhuận cao. Trong khi đó, Vinaxuki do muốn xây dựng một nền tảng công nghiệp ô tô "Made in Việt Nam" nên đang hoàn thiện nhiều nhà máy quan trọng như nhà máy luyện, đúc hợp kim, xưởng chế tạo khuôn, xưởng lắp ráp xe con và xe tải nhẹ bán tự động. Chính sự đầu tư này đã đẩy Vinaxuki rơi vào tình trạng thiếu vốn trầm trọng nhưng các ngân hàng không cho vay thêm. Trong khi đó, "nhà sáng chế chân đất" Nguyễn Quốc Hòa sau khi thử nghiệm "tàu ngầm" trong bể thử thành công khó có thể đưa ra thử nghiệm ngoài biển bởi phía đăng kiểm nói "không biết"; cảnh sát giao thông bảo "sẽ... bắt", còn ngành khoa học thì "chỉ… đứng bên ngoài quan sát, nắm bắt sự việc".
Hai câu chuyện trên có vẻ không ăn nhập với nhau nhưng lại cho thấy một điều là cơ chế khuyến khích sự sáng tạo trong cộng đồng, nâng đỡ những ý tưởng mới còn không ít "điểm nghẽn".
Tại hội thảo tổ chức cách đây gần 1 năm về chủ đề "DN khoa học và công nghệ trong đổi mới sáng tạo", Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan Nguyễn Thanh Mỹ cho rằng: "Rào cản" chính là các cán bộ quản lý yếu về trình độ và thiếu nghiêm túc cùng tinh thần kỷ luật trong công việc. Những yếu kém này kết hợp với cơ chế xin - cho khiến nhiều chính sách của Nhà nước không đến được với DN, hoặc phải khiến DN mất rất nhiều thời gian, công sức mới được đáp ứng nguyện vọng. Ông lấy ví dụ trường hợp DN Mỹ Lan đã phải mất tới 2 năm đi xin duyệt cơ chế ưu đãi thuế cho sản phẩm tấm dán kính giúp chống bức xạ nhiệt và tiết kiệm 25% năng lượng chạy điều hòa - sản phẩm mà DN của ông tự nghiên cứu, sản xuất. Hay có thể kể thêm quãng hành trình gian nan tới 9 năm Công ty Vắc xin và sinh phẩm số I phải trải qua với mong muốn chính đáng là sản phẩm vắc xin cúm A/H5N1 do công ty tự độc lập nghiên cứu (được đối tác Mỹ quan tâm) được các cấp thẩm quyền trong nước chấp thuận.
Bên cạnh đó, chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đang bị "vô hiệu hóa" bởi tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan; công tác đánh giá hiệu quả, thẩm định công nghệ lạc hậu... cũng là rào cản khiến DN và những cá nhân đam mê sáng tạo "chùn tay". Trong khi đó, suy thoái kinh tế vài năm qua khiến nhiều DN nhận ra rằng: Nếu chỉ làm thuê cho nước ngoài, các DN trong nước sẽ chỉ là những người thợ gia công, không bao giờ theo kịp đà phát triển công nghệ của thế giới. Hệ quả là khoảng cách về công nghệ giữa trong nước với quốc tế sẽ ngày càng lớn, khiến nước ta ngày càng tụt hậu so với phần còn lại của thế giới. Nhưng nếu tự mình sáng tạo và làm ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước, DN sẽ có sức sống để tồn tại, từ đó có thể tìm kiếm cơ hội vươn ra thị trường quốc tế.
Trong nền kinh tế tri thức, toàn cầu hóa, ý tưởng mới được xem là chìa khóa của sự thành công. Câu chuyện thành công của những "người khổng lồ" trong lĩnh vực công nghệ xuất hiện gần đây như Google, Apple, Facebook... đều hình thành từ các ý tưởng ban đầu được cho là "điên rồ" là minh chứng rõ nhất cho điều này. Tất nhiên, trong hàng nghìn, hàng vạn ý tưởng, số có thể thành sự thật là rất nhỏ. Tuy nhiên, trên con đường "tìm kim đáy bể" đó, vai trò "bà đỡ" là hệ thống hành chính, pháp lý là tối quan trọng. Thiết nghĩ, dám nghĩ, dám làm và được tôn trọng sáng tạo cá nhân cần phải được cụ thể hóa bằng những chính sách là điều cần thiết ở nước ta trong thời điểm hiện nay.