Lại vẫn là cách cho, cách nhận

Văn hóa - Ngày đăng : 06:24, 23/02/2014

(HNM) - Chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" vẫn gặp lại ở hội Lim 2014. Cảnh người đứng xem, nghe quan họ trên bờ chen nhau cho tiền lẻ ra và thuyền quan họ không chịu rời xa bờ, cứ men men mà đi, để các liền anh, liền chị khăn áo mượt mà vừa hát vừa giơ khay ra nhận.


Địa phương và BTC, ngay từ khi chuẩn bị lễ hội, đã thông báo nghiêm cấm quan họ ngả nón nhận tiền. Sự cấm này không chỉ có ở năm nay, những năm trước cũng đã có thông báo, quy định. Nhưng rồi, vẫn như năm trước, năm trước nữa, và trước trước nữa, hình ảnh quan họ nhận tiền vẫn tràn lan mặt báo…

Có phải cứ là người nghe hát đưa tay ra cho tiền thì quan họ phải lịch sự nhận? Có phải hợp đồng, thù lao hát cho các thôn, làng, hát cho hội quá "hẻo" đến mức những người hát quan họ dưới thuyền phải cố mà tranh thủ "cải thiện" thêm? Nếu các liền anh, liền chị thử có một năm đi thuyền cách xa bờ một chút, và người xem đứng trên bờ có đưa tiền thì nhã nhặn nhưng kiên quyết không nhận, liệu người xem có tự ái không? Và nếu địa phương, BTC tạo ra khoảng cách bằng việc khoanh lại phạm vi di chuyển của thuyền quan họ để thuyền không thể đến sát bờ, thì liệu người hát có nghĩ ra cách nào khác để nhận tiền? Nếu BTC lễ hội có thông báo, có băng rôn, có người nhắc nhở công chúng thường xuyên thì có sợ người ta phản đối không? Câu chuyện thuyền quan họ nhận tiền không được rút kinh nghiệm nghiêm túc và quản lý đến nơi đến chốn, nên những câu hỏi trên cứ lửng lơ mãi nhiều năm mà không thấy một biện pháp, cách làm đủ sức thay đổi hình ảnh gây phản cảm ấy.

Cũng là cách cho, cách nhận, là tấm lòng của người nghe muốn khen, muốn thưởng cho người hát, cũng là sự đáp lễ của người hát, đồng thời là việc đón nhận sự ủng hộ thiết thực, song hãy cho và nhận một cách lịch thiệp và hợp lý, hợp tình. Để được thế thì phải thử nghĩ giải pháp, thử thực hiện xem sao. Chứ cứ nói ra, cam kết một cách hăng hái rồi bỏ đấy thì chẳng khác gì cùng nhau đẩy "quan họ thuyền" xa dần nét đẹp vốn có.

Người Lái Đò