Những bảo tàng văn hóa, lịch sử đích thực

Văn hóa - Ngày đăng : 06:05, 23/02/2014

(HNM) - Nhân sự kiện Hà Nội đón Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với 5 di tích nói trên, Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu với bạn đọc giá trị, ý nghĩa của những di tích đặc biệt này.

Nhân sự kiện Hà Nội đón Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với 5 di tích nói trên, Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu với bạn đọc giá trị, ý nghĩa của những di tích đặc biệt này.

Đình Tây Đằng: Nét văn hóa độc đáo xứ Đoài

Trong hệ thống di tích xứ Đoài, đình Tây Đằng (còn gọi là Nam Cung Sở) nằm trên địa bàn thị trấn Tây Đằng (Ba Vì) nổi lên như một điểm nhấn. Đình Tây Đằng thờ Tam thánh Tản Viên mang tính truyền thuyết (Sơn Tinh, Cao Sơn, Quý Minh) với ý nghĩa biểu trưng cho sức mạnh dân tộc trong việc đánh giặc ngoại xâm, trị thủy, bảo vệ mùa màng.

Được tạo dựng vào thế kỷ XVI, đình Tây Đằng hiện vẫn giữ được giá trị văn hóa, kiến trúc tiêu biểu, được ví như bảo tàng nghệ thuật dân gian. Bố cục của đình theo hình chữ Nhất, một tầng, 4 góc có mái đao cong, kết cấu vì kèo bằng gỗ theo kiểu "giá chiêng", đặc trưng của kiến trúc thời Mạc. Cùng với những giá trị nổi bật về văn hóa, kiến trúc, đình Tây Đằng hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quý, trong đó có bộ kiệu bát cống, hương án mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê là nguồn tư liệu quý phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử, văn hóa, kiến trúc.

Khu di tích Phù Đổng: Những câu chuyện huyền thoại về Thánh Gióng

Khu di tích Phù Đổng (Khu di tích đền Gióng) thuộc xã Phù Đổng (Gia Lâm), gồm nhiều điểm di tích thờ Thánh Gióng. Đền Thượng là nơi thờ đức Thánh Gióng, đền Hạ (còn gọi là đền Mẫu), miếu Ban là nơi thờ mẹ Thánh Gióng, Cố Viên là vườn xưa nhà Thánh Gióng, Đống Đàm là nơi diễn ra trận đánh chống giặc Ân của đội quân Thánh Gióng…

Khu di tích Phù Đổng hiện còn bảo lưu được khối kiến trúc vật chất với quy mô bề thế, mang phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn.

Đền Hai Bà Trưng.


Đền Hai Bà Trưng: Chuyển tải giá trị lịch sử, văn hóa từ ngàn xưa

Nằm trên địa bàn thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, đền Hai Bà Trưng là minh chứng, biểu tượng về khí phách anh hùng của con người Việt Nam. Về giá trị lịch sử, đối tượng thờ chính của đền là Hai Bà Trưng (Trưng Trắc và Trưng Nhị) - hai vị nữ anh hùng của dân tộc. Đền Hai Bà Trưng ở Mê Linh được dựng ở vùng đất Hai Bà sinh ra, lớn lên, tế cờ khởi nghĩa, xưng vương và định đô, thể hiện lòng biết ơn của nhân dân ta đối với những người có công với nước.

Về văn hóa, đền Hai Bà Trưng là nơi duy trì, củng cố mối quan hệ cộng đồng, nơi bảo tồn, giáo dục truyền thống văn hóa và tôn vinh vẻ đẹp kiến trúc xóm làng. Về kiến trúc, đền Hai Bà Trưng được xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc, hình chữ tam, gồm tiền tế, trung tế và hậu cung, hai bên là tả mạc, hữu mạc bao lấy khu sân rộng... Trong đền hiện còn nhiều hiện vật quý được chạm khắc tinh tế như hai cỗ kiệu Bát Cống, Long Đình thế kỷ XVII, gươm trường, bát bửu, cửa võng, nhang án, chuông đồng (đúc vào năm 1803), bia đá (khắc năm 1889)…

Đền Hát Môn: Lịch sử, huyền thoại hòa quyện trong không gian văn hóa

Đền Hát Môn thuộc địa bàn xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ cũng là nơi phụng thờ và tưởng niệm công lao to lớn của Hai Bà Trưng. Song, đền Hát Môn bên bờ sông Hát là địa điểm gắn với những buổi hội quân do Hai Bà thống lĩnh, cũng là nơi hai bà tuẫn tiết.

Quy mô kiến trúc của đền Hát Môn rất bề thế, cảnh quan đẹp, các công trình kiến trúc của đền có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, bổ sung giá trị cho nhau. Từ ngoài vào sẽ thấy nghi môn, sau đó là khu đền chính có các nếp nhà đại bái, tiền tế, hậu cung, tả vu, hữu vu ẩn hiện dưới vườn cây cổ thụ quanh năm rợp bóng mát. Hệ thống hiện vật ở đền Hát Môn phong phú về chủng loại, đa dạng về chất liệu, trong đó nổi bật là bộ sắc phong thần 22 đạo có niên đại từ thời Lê, Tây Sơn đến thời Nguyễn.

Đền Ngọc Sơn và khu vực hồ Hoàn Kiếm: Một trong những biểu tượng của Thủ đô

Trong số 5 di tích được công nhận danh hiệu Di tích quốc gia đặc biệt đợt này, đền Ngọc Sơn và khu vực hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm) có vị trí đặc biệt. Đền Ngọc Sơn tọa lạc trên đảo Ngọc hồ Hoàn Kiếm, thờ Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, phối thờ thánh Văn Xương trông coi việc văn học, thánh Lã Tổ (Lã Vọng Tân) trông coi việc y học, và đức Quan Đế (Vân Trường) với ý nghĩa đề cao tấm gương trung nghĩa. Các công trình kiến trúc của đền gồm: Nghi môn, tháp Bút, đài Nghiên, cầu Thê Húc, cổng Đắc nguyệt, đình Trấn Ba… là những điển hình về giá trị văn hóa, kiến trúc đã đi vào thi ca, nhạc họa nhiều đời nay.

Hồ Hoàn Kiếm bao quanh đền Ngọc Sơn, gắn với truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả gươm báu cho rùa thần, kết thúc cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc khỏi ách đô hộ nhà Minh, mở ra nền độc lập, thái bình. Hồ Hoàn Kiếm là một minh chứng của tinh thần yêu nước, yêu chuộng hòa bình của người dân Việt Nam.

Minh Ngọc