Bài 1: Yêu cầu cấp bách
Tuyển sinh - Ngày đăng : 05:56, 23/02/2014
LTS: Lâu nay, thay cho lẽ thường là "học gì, thi nấy", tâm lý "thi gì, học nấy" đã "bám rễ" trong cách dạy, cách học ở nước ta, thể hiện cách nhận thức tiêu cực: Học là để đi thi. Đó là hệ quả của tâm lý ham bằng cấp, chuộng hình thức - căn nguyên của căn bệnh thành tích trong giáo dục vốn tồn tại đã lâu. Để cải thiện tình trạng này, xây dựng một nền giáo dục thực chất và bền vững, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, Bộ GD-ĐT đang "tranh thủ" chính tâm lý "thi gì, học nấy" để tác động vào quá trình dạy và học ở các nhà trường, thông qua việc đổi mới quá trình kiểm tra, thi và đánh giá chất lượng giáo dục. Nhưng, cách làm lộ rõ vẻ "ăn đong", mỗi năm lại điều chỉnh cách kiểm tra, đánh giá nói chung, thi và tuyển sinh nói riêng, trở thành mối lo không chỉ của người học.
Bài 1: Yêu cầu cấp bách
Nghị quyết số 29-NQ/TƯ đã xác định đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục là khâu đột phá trong lộ trình triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Điều đó cho thấy vai trò của khâu này trong việc tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và bối cảnh hội nhập quốc tế. Vị trí và tầm quan trọng của kiểm tra, đánh giá được thể hiện rõ trong cả lý luận và thực tiễn.
Nâng cao chất lượng giáo dục bền vững là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Ảnh: Thái Hiền |
Học ít, đối phó nhiều
Thực tế ở các trường phổ thông hiện nay cho thấy, việc đánh giá, kiểm tra còn nặng tính hình thức, vì thành tích nhiều hơn là phản ánh thực chất sự học. TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng chúng ta đã để cách thức kiểm tra lạc hậu, manh mún tồn tại trong khoảng thời gian khá dài. Việc đánh giá, kiểm tra kết quả học tập của học sinh lâu nay không theo đúng yêu cầu cần có, không tạo động lực cho người học phải học và người dạy phải dạy tốt hơn. Nguyên tắc đánh giá phải đến từ cả hai phía: giáo viên đánh giá học sinh, còn học sinh cũng phải tự đánh giá mình. Vai trò của kiểm tra, đánh giá là để kích thích học sinh học tập nhằm đạt kết quả cao hơn, nhưng cách thức hiện nay dường như làm cho học sinh khiếp sợ, thiếu tự tin và tìm cách đối phó.
Không chỉ ở bậc phổ thông, với đào tạo ĐH, việc đổi mới kiểm tra, đánh giá từ nhiều năm nay cũng thu hút nhiều tranh luận, bởi đó là quá trình góp phần quan trọng vào việc đổi mới phương pháp dạy và học, là nhân tố quan trọng để phát triển tư duy độc lập, sáng tạo trong sinh viên. Sự hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực hiện nay được cho là có "lỗi" từ hệ thống kiểm tra, đánh giá bởi đã không đảm đương được trách nhiệm sàng lọc, không tạo được cơ sở cần thiết cho việc tạo chuyển biến của hệ thống chương trình và phương pháp đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Việc dạy trong các trường ĐH mới chỉ chú ý tới mục tiêu nhận thức nên công tác kiểm tra, đánh giá cũng chỉ tập trung vào kiến thức ở mức độ ghi nhớ, chứ chưa phải là khả năng hiểu và vận dụng. Việc không tính kết quả các bài kiểm tra vào kết quả thi khiến sinh viên coi nhẹ quá trình học và tự học, chỉ đến kỳ thi thì mới dành thời gian tập trung ôn luyện "trả bài", đối phó. Việc đánh giá kiến thức mang tính hình thức không những không phản ánh được thực chất năng lực của sinh viên, mà còn tạo tiền đề cho tiêu cực trong thi cử.
Có học thì phải có đánh giá
Trong đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận: Hiện trạng công tác kiểm tra, thi, đánh giá của cả hệ thống còn nhiều hạn chế, lạc hậu từ mục tiêu, nội dung, phương pháp, phương tiện đến quy trình, cách thức xử lý, sử dụng kết quả; coi việc đánh giá kết quả học tập chỉ là việc cho điểm các bài thi, bài kiểm tra…; cách tổ chức còn nặng nề, tốn kém… Do đó, để đổi mới căn bản, toàn diện thì nhất thiết phải thực hiện ngay việc đổi mới kiểm tra, đánh giá, thi cử. Trong bối cảnh hiện nay, khi giáo dục nặng về ứng thí và tâm lý "sính" bằng cấp khá phổ biến thì công tác kiểm tra, thi, đánh giá có tác động hết sức mạnh mẽ đến việc dạy và học. Với tâm lý "thi gì, học nấy", việc đổi mới kiểm tra, thi, đánh giá sẽ tạo tác động trở lại toàn bộ quá trình dạy và học trong các nhà trường. Hơn nữa, đổi mới kiểm tra, thi, đánh giá không gây tốn kém nhiều về kinh phí.
Theo lộ trình của Bộ GD-ĐT, những điều chỉnh về cách thi, đánh giá chất lượng giáo dục sẽ được áp dụng ngay từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Điểm đáng chú ý là việc xét công nhận tốt nghiệp và xếp loại tốt nghiệp THPT sẽ không chỉ sử dụng kết quả thi, mà còn bao gồm kết quả đánh giá trong quá trình học tập của học sinh. Việc sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học tập giúp giảm rủi ro đối với học sinh so với khi kết quả thi tốt nghiệp THPT chỉ phụ thuộc vào kết quả thi như trước đây, có tác dụng khích lệ việc học tập, rèn luyện của học sinh trong giai đoạn THPT. Với tuyển sinh ĐH, CĐ, những đổi mới căn bản đi đôi với quyền tự chủ tuyển sinh của mỗi trường. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, việc đổi mới phương thức tuyển sinh sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo bởi giúp mỗi trường có thể lựa chọn thí sinh có đủ năng lực vào học các ngành nghề đào tạo của trường. Mặt khác, việc đổi mới phương thức tuyển sinh sẽ tác động mạnh mẽ đến phương pháp dạy và học, không những ở bậc phổ thông mà cả ở bậc CĐ, ĐH.
TS Nguyễn Tùng Lâm nhận định: Trong bối cảnh hiện nay, Bộ GD-ĐT đã xác định rất "trúng" vấn đề khi chọn việc đổi mới cách thi, kiểm tra, đánh giá và coi đó là khâu đột phá trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, nếu khâu này được làm tốt thì các khâu khác cũng tốt hơn. Trước đó, khi có ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT vì kỳ thi này mang tính hình thức, gây áp lực không cần thiết và gây lãng phí, TS Nguyễn Tùng Lâm đã thẳng thắn chia sẻ: Không thể bỏ kỳ thi trong điều kiện hiện nay. Việc kiểm tra, đánh giá là việc bắt buộc và cần thiết trong quy trình dạy và học. Nếu không có kiểm tra, đánh giá thì không gọi là dạy và học. Trong khi giáo dục hiện nay còn tồn tại nhiều vấn đề, chương trình - sách giáo khoa còn nhiều bất cập và đó đều là những việc không thể giải quyết ngay trong một sớm một chiều, yêu cầu đổi mới cách kiểm tra, đánh giá lại càng rõ tính cấp bách, không thể chờ giải quyết xong những tồn tại nói trên rồi mới làm…