Giải pháp tổng thể cho di tích đặc biệt

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:47, 23/02/2014

(HNM) - Tối qua 22-2, thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt đối với đền Ngọc Sơn và khu vực hồ Hoàn Kiếm, Khu di tích Phù Đổng ở Gia Lâm, đình Tây Đằng, đền Hai Bà Trưng ở Mê Linh, đền Hát Môn ở Phúc Thọ.



Tính chất long trọng của buổi lễ đáng nhớ nói trên cho thấy với Hà Nội, những di tích quốc gia đặc biệt được đánh giá cao đến thế nào. Những di sản đặc biệt ấy không chỉ là điểm nhấn văn hóa truyền thống trên địa bàn, mà còn góp phần làm giàu cho hành trang phát triển Thủ đô trong tương lai.

Đưa ra nhận định ấy đồng nghĩa với việc xác định yêu cầu, định hướng bảo tồn kết hợp với phát huy giá trị di sản văn hóa trong đời sống đương đại, vấn đề tưởng đã rõ mười mươi, dễ hiểu nhưng không dễ thực hiện trong thực tế.

Trước nay đã tồn tại những quan điểm khác nhau về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Có lúc, phương án bảo tồn có chọn lọc đã bị đả phá, bị coi là rào cản cho tiến trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản nói chung, đặc biệt là với những người đề cao lý thuyết về tính bình đẳng trong phát triển văn hóa. Có lúc, người ta phê phán cách thức đầu tư dàn trải, "chia đều", cho rằng trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, nguồn lực dành cho bảo tồn di sản văn hóa còn hạn chế thì tốt nhất là nên bảo tồn có chọn lọc - không phải để tạo ra sự phân định "sang" hay "hèn", "tốt" hay "xấu" mà là hướng vào những di sản cần được tôn tạo khẩn cấp… Những quan điểm nói trên, nhìn từ góc độ cụ thể, ở từng thời điểm cụ thể, là đúng nhưng chưa đủ sức khái quát phương án tổng thể cùng lúc hướng đến hai nhiệm vụ cơ bản là bảo tồn và phát huy giá trị của di sản một cách hài hòa. Bởi thế, như trước đây từng thấy, đã có nhiều ý kiến phản đối việc phát triển các loại hình du lịch gắn với di sản, cho rằng di sản văn hóa không nên trở thành hàng hóa, không thể là đối tượng của kinh tế du lịch. Cũng như một số khác, quan điểm này giờ đã không còn chỗ đứng bởi nhìn chung, hiện nay, việc phát huy giá trị di sản văn hóa một cách hợp lý được coi là có tác động tích cực đến công tác bảo tồn, quảng bá di sản - vì nhiều lý do khác nhau.

Vấn đề là phải làm gì để bảo đảm sự cân bằng giữa bảo tồn và khai thác giá trị di sản một cách tích cực. Những di sản có giá trị đặc biệt xứng đáng ở vị trí trung tâm cần có giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị đặc biệt, không chỉ vì mục tiêu bảo vệ sự toàn vẹn của di sản mà còn để góp phần tạo lợi thế so sánh trong thực hiện định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước. Với Hà Nội, giải pháp tổng thể về quản lý, đầu tư cho bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống di tích quốc gia đặc biệt bao hàm nội dung hướng tới nhiều mục tiêu cùng lúc: Bảo vệ sự toàn vẹn của di tích, phát huy vai trò của chủ thể - cộng đồng trong việc tạo dựng môi trường thuận lợi cho các hoạt động diễn xướng tại khu vực di tích (tiêu biểu là Hội Gióng), làm phong phú thêm hoạt động quảng bá giá trị di sản - nhắm đến hiệu quả thiết thực thông qua việc đổi mới hình thức tuyên truyền và sáng tạo sản phẩm đặc trưng phục vụ du khách, giảm thiểu tác động xấu từ hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch gắn với di sản văn hóa. Để tạo sức sống bền vững cho di sản, điều quan trọng là giải quyết hài hòa lợi ích có từ di sản, nhờ di sản, liên quan đến di sản, tránh hệ lụy không mong muốn từng xảy ra ở Làng cổ Đường Lâm hay sự khó trong thực hiện quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Cổ Loa (Đông Anh)…

Những giải pháp và mục tiêu nói trên chỉ có thể thực hiện được khi các cấp, ngành và cộng đồng toàn tâm toàn ý với nhiệm vụ chung, giải quyết hài hòa mối quan hệ về lợi ích riêng - chung, ý thức rõ về trách nhiệm, quyền hạn, quyền lợi liên quan.

Dục Tú