Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm vận hành đường sắt đô thị
Xã hội - Ngày đăng : 07:25, 22/02/2014
- Để xây dựng một tuyến đường sắt đô thị ở thủ đô Tokyo, trung bình mất bao lâu, thưa ông?
- Theo tính toán, để xây dựng một tuyến đường sắt đô thị ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản cũng mất khá nhiều thời gian, có thể khoảng 10 năm kể từ lúc bắt đầu xây dựng quy hoạch. Khoảng thời gian này cũng chia ra làm nhiều giai đoạn như: Quy hoạch, xin giấy phép làm những thủ tục với các cơ quan chính quyền có liên quan, sau đó mới bắt tay vào xây dựng. Sau khi xây dựng xong, chúng tôi phải mất thời gian chuẩn bị trước khi đi vào vận hành. Tính trung bình, một tuyến đường sắt đô thị (bao gồm cả trên cao và ngầm) với chiều dài 10km phải mất khoảng 10 năm để có thể vận hành được.
Ông Yoshimitsu Oku. |
- TP Hà Nội dự kiến đến năm 2017 sẽ đưa dự án "Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội" đi vào hoạt động. Theo ông, mốc thời gian trên có khả thi hay không?
- TP Hà Nội là thủ đô của Việt Nam, nơi tập trung các hoạt động kinh tế, văn hóa… quan trọng nên việc triển khai xây dựng dự án đường sắt đô thị sẽ gặp khó khăn hơn nhiều so với các địa phương khác. Bất cứ có sự điều chỉnh nào cần phải có thời gian, chứ không thể làm nhanh chóng được. Mốc thời gian năm 2017 có hoàn thành hay không còn phụ thuộc nhiều vào hiện trạng mà tôi lại chưa có đầy đủ thông tin liên quan. Đây không phải thời điểm Hà Nội mới đưa ra quy hoạch, nên tôi nghĩ rằng nếu được sự đồng thuận của các sở, ban, ngành liên quan cũng như người dân thì tiến độ có thể rút ngắn được. Theo những thông tin tôi được biết, các cơ quan liên quan của Hà Nội đang nỗ lực hết sức để hướng tới việc hoàn thành mục tiêu vào năm 2017 đưa tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội đi vào hoạt động.
- Qua nghiên cứu cũng như tìm hiểu thực tế, ông nhận thấy đâu là những khó khăn của Hà Nội trong vận hành các đường sắt đô thị?
- Việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho các tuyến đường sắt đô thị là nền tảng quan trọng nhưng quan trọng hơn là quản lý và vận hành các tuyến đường sắt đô thị này như thế nào cho hiệu quả, an toàn. Đến nay, TP Hà Nội chưa có tuyến đường sắt đô thị nào, kể cả trên cao và ngầm nên chưa có nhiều kinh nghiệm; một khó khăn nữa là nguồn nhân lực. Tuy nhiên, Tập đoàn Tokyo Metro của chúng tôi đang nỗ lực để hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm với Hà Nội trong việc quản lý và vận hành các tuyến đường sắt đô thị này một cách hiệu quả nhất.
- Vậy kinh nghiệm mà Tập đoàn Tokyo Metro muốn chia sẻ với TP Hà Nội là gì, thưa ông?
- Tokyo và Hà Nội đều là thủ đô của mỗi đất nước. Cùng với chức năng phục vụ giao thông công cộng, các tuyến đường sắt đô thị còn góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế. Tập đoàn Tokyo Metro chúng tôi không phân biệt đang hoạt động ở Tokyo hay Hà Nội, mà yếu tố an toàn là mục tiêu hàng đầu. Đây là trách nhiệm của chúng tôi. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, đào tạo nguồn nhân lực… để giúp Hà Nội có thể vận hành được những tuyến đường sắt đô thị ổn định, an toàn và hiệu quả.
- Điểm mấu chốt trong Bản ghi nhớ vừa được ký kết tại Hà Nội, giữa Tập đoàn Tokyo Metro với Ban Quản lý đường sắt Hà Nội là gì, thưa ông?
- Đó là chia sẻ kinh nghiệm trong vận hành, quản lý đường sắt đô thị. Bản ghi nhớ cho thấy, không chỉ đơn thuần là sự tiếp nhận thụ động mà giữa Tokyo Metro và đối tác Hà Nội sẽ có sự trao đổi thông tin hai chiều. Trên thực tế có những kinh nghiệm của Tokyo Metro có thể áp dụng được tại TP Hà Nội và số khác có thể chưa hợp lý. Vì thế, trao đổi thông tin giữa hai bên chúng ta sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Điều này rất quan trọng khi Công ty Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội sẽ được thành lập và hoạt động trong thời gian tới, thay cho Ban quản lý hiện nay.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!