Siết chặt quản lý, tránh tình trạng lạm quyền
Tài chính - Ngày đăng : 07:10, 22/02/2014
Quản lý yếu kém, sai phạm nảy sinh
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại 7 tập đoàn kinh tế, tổng công ty hoàn thành cuối tháng 1-2014 cho thấy, trong thời gian 2011-2013, bên cạnh những kết quả về sản xuất, kinh doanh (SXKD), đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, các DNNN cũng để xảy ra nhiều vi phạm trong quản lý tài chính. Tại Tập đoàn EVN, tổng số tiền đầu tư ra ngoài DN lên tới 121.790,2 tỷ đồng, riêng đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán là 1.997,4 tỷ đồng, chưa mang lại hiệu quả. Tập đoàn VNPT góp vốn vào 86 DN với tổng giá trị 3.273,23 tỷ đồng, trong đó đầu tư 20 DN 723,8 tỷ đồng không thu được lợi nhuận; quyết định đầu tư dự án Vinasat I, II đến năm 2011 chưa có hiệu quả. Tập đoàn Hóa chất yếu kém trong quản lý điều hành, để lỗ lũy kế lớn, một số đơn vị thành viên sử dụng vốn cho vay ngắn hạn không đúng mục đích, chức năng 295 tỷ đồng… Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện nhiều tập đoàn kinh tế quản lý quỹ thiếu chặt chẽ, sai quy định. Trong đó, Tập đoàn Sông Đà sử dụng 468 tỷ đồng quỹ hỗ trợ sắp xếp DN để tăng vốn, bổ sung vốn khi chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Tập đoàn Hóa chất bổ sung nguồn vốn không đúng đối tượng 254 tỷ đồng, bổ sung 404 tỷ đồng cho vốn điều lệ khi chưa có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sử dụng sai quy định 911 tỷ đồng cho DN vay và gửi ngân hàng…
Một trong những nguyên nhân dẫn đến những sai phạm về tài chính tại các DNNN là trình độ quản trị DN còn yếu, dẫn tới, SXKD kém hiệu quả, thua lỗ. Mặc dù đã quy định cụ thể về quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước với tập đoàn kinh tế nhà nước thông qua việc giám sát công ty mẹ, song các bộ tiêu chí để đánh giá chưa được xây dựng, hướng dẫn cụ thể dẫn đến công ty mẹ, không thực hiện đầy đủ quyền quản lý, giám sát với vai trò là đại diện chủ sở hữu vốn đầu tư ở các công ty con, công ty thành viên. Vì vậy, một số tập đoàn, tổng công ty đã xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát dẫn đến làm ăn thua lỗ, làm mất vốn nhà nước. Việc không phân định rõ trách nhiệm quản lý của bộ, ngành, không tách bạch rõ ràng chức năng quản lý nhà nước với chức năng quản lý, giám sát của chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN cũng dẫn đến tình trạng khó xác định trách nhiệm của cá nhân, hiệu quả giám sát kém…
Quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn
Trước những bất cập nảy sinh do thiếu những quy định cụ thể về NĐD phần vốn nhà nước tại DN, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể về chế độ hoạt động của NĐD. Theo quy định mới, NĐD được chủ sở hữu phần vốn nhà nước xem xét chỉ định tham gia Hội đồng thành viên hoặc đề cử để tham gia Hội đồng quản trị theo quy định. NĐD được chủ sở hữu phần vốn nhà nước ủy quyền tham gia ý kiến và biểu quyết tại cuộc họp theo số cổ phần (mức vốn) được ủy quyền đại diện. Đối với các nội dung phải xin ý kiến chủ sở hữu phần vốn nhà nước, sau khi có ý kiến chấp thuận của chủ sở hữu, NĐD phải tham gia ý kiến, biểu quyết, quyết định theo đúng ý kiến chỉ đạo bằng văn bản của chủ sở hữu phần vốn nhà nước.
Quy định mới cũng nêu rõ, NĐD phải thường xuyên theo dõi, thu thập thông tin về tình hình hoạt động và kết quả SXKD, giám sát tình hình tài chính, gửi các báo cáo định kỳ, bất thường và đột xuất theo yêu cầu của chủ sở hữu phần vốn nhà nước. NĐD cũng có trách nhiệm báo cáo kịp thời, đề xuất những giải pháp đối với chủ sở hữu phần vốn nhà nước về tình hình DN khi hoạt động thua lỗ, không bảo đảm khả năng thanh toán, đầu tư không đúng mục tiêu chiến lược, hay việc không hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (1-4-2014), các bộ, UBND cấp tỉnh được phân công, phân cấp, giao nhiệm vụ chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại DN phải ban hành Quy chế hoạt động của NĐD phù hợp với điều kiện cụ thể của từng DN, Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của NĐD. Trên cơ sở đó, các đơn vị quyết định việc khen thưởng, kỷ luật, tiếp tục ủy quyền, chấm dứt ủy quyền, thay thế NĐD…
Các chuyên gia cho rằng, việc xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của NĐD sẽ góp phần siết chặt quản lý tài chính tại các DN có vốn nhà nước, hạn chế sai phạm nảy sinh, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại DN.