Khơi mạch nguồn văn hóa truyền thống

Văn hóa - Ngày đăng : 06:50, 22/02/2014

(HNM) - Sau thời gian dài vắng bóng, từ năm 2006, Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội đã triển khai dự án phục dựng các điệu múa cổ. Qua 4 lần tổ chức liên hoan múa cổ Thăng Long - Hà Nội, loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo dần hồi sinh trong cộng đồng, trở nên gần gũi với công chúng.

Theo Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội Nguyễn Văn Bích, Hà Nội có gần 100 điệu múa cổ với các loại hình múa dân gian, múa cung đình và múa tín ngưỡng, tôn giáo. Đến nay, chưa có nghiên cứu giúp xác định các điệu múa cổ Hà Nội xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết hình ảnh các điệu múa được trang trí tinh tế trên trống đồng, thư tịch cổ tại đình, đền, chùa, miếu...



Múa cổ tồn tại rải rác khắp các làng quê, thường được tổ chức vào mùa xuân. Tuy nhiên, qua thời gian và sự biến động của lịch sử, các điệu múa cung đình gần như mất hẳn. Số điệu múa dân gian và múa tín ngưỡng, tôn giáo còn lại cũng không nhiều. Tính cả các điệu múa đã được khôi phục, Hà Nội hiện còn hơn 30 điệu múa, chủ yếu là múa dân gian, tồn tại trong các lễ hội truyền thống. Nhằm khôi phục vốn quý truyền thống, từ năm 2006 đến nay, cứ hai năm một lần Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội tổ chức liên hoan múa cổ Thăng Long - Hà Nội nhằm giới thiệu các điệu múa độc đáo này đến với công chúng; đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về một loại hình di sản văn hóa độc đáo của dân tộc.

Tại liên hoan múa cổ Thăng Long - Hà Nội lần thứ IV vừa diễn ra, người dân Thủ đô và du khách được chứng kiến hàng trăm nghệ nhân của các làng xã trình diễn 8 điệu múa đặc sắc. Trong đó, độc đáo bậc nhất phải kể đến điệu múa "Cấp sắc" và "Múa rùa" của đồng bào người Dao ở xã Ba Vì, huyện Ba Vì. Theo phong tục truyền thống của người Dao ở Ba Vì, khi đến tuổi trưởng thành thì người con trai sẽ được gia đình, họ tộc làm lễ "Cấp sắc", qua đó công nhận họ là một thành viên của cộng đồng. Khi hành lễ, thầy Tào (thầy cúng) "giao tiếp" với thần linh qua những động tác mềm dẻo, linh hoạt, uyển chuyển như múa. Múa "Cấp sắc", vì thế mang màu sắc tín ngưỡng nhưng cũng rất giàu tính nghệ thuật. Khác với múa "Cấp sắc", "Múa rùa" là điệu múa trong lễ hội dân gian của người Dao dưới chân núi Ba Vì. Điệu múa này bắt nguồn từ truyền thuyết về một con rùa đã thành tinh đến phá phách làng bản, mùa màng, gieo rắc bệnh tật, bị những chàng trai Dao khỏe mạnh đánh đuổi. Điệu múa rùa diễn ra trong không khí vui tươi của lễ "Tết nhảy", là cách người Dao xua đuổi cái ác, diệt trừ cái xấu, đón những điều tốt đẹp về với bản làng trong năm mới.

Đáng được kể đến là việc phục dựng điệu múa "Kéo lửa thổi cơm thi" ở làng Lương Quy, xã Xuân Nộn (Đông Anh). Là thành viên đội múa cổ "Kéo lửa thổi cơm thi", chị Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: "Màn múa nêu trên gắn với truyền thuyết Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân, được thể hiện bằng các động tác khỏe khoắn, dứt khoát, nhanh gọn, phải tập luyện cầu kỳ, công phu mới có thể thuần thục. Mất nhiều thời gian nhưng hai mẹ con tôi vẫn tham gia vào đội múa, mong muốn được góp phần gìn giữ, phát huy nét văn hóa truyền thống của quê hương".

Liên hoan múa cổ Thăng Long - Hà Nội lần thứ IV còn giới thiệu tới công chúng một số điệu múa đáng chú ý khác như múa "Chạy kiệu", múa Hầu đồng, múa "Rắn lột", múa "Cởi yếm mo" và múa Cồng chiêng của người Mường.

Xem những điệu múa cổ đã được phục dựng mới thấy múa cổ đất Thăng Long - Hà Nội là sự kết tinh của văn hóa truyền thống dân tộc, thể hiện bản sắc, ý chí, tình cảm của người Thăng Long - Hà Nội trong nhiều thế kỷ qua. Tuy thế, việc phục dựng những điệu múa này hiện gặp rất nhiều khó khăn. Cái khó đầu tiên là nghệ nhân dân gian rất hiếm, đất diễn không nhiều. Thứ đến là thiếu kinh phí và sự thờ ơ của lớp trẻ. "Mỗi năm chúng tôi chỉ nghiên cứu, tìm hiểu, phục dựng được một vài điệu múa theo nguyên gốc. Dự kiến đến năm 2015, Hà Nội sẽ có 35 - 40 tiết mục múa cổ được dàn dựng theo quy chuẩn. Chúng tôi mong nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cơ quan chức năng, của các cộng đồng dân cư đối với múa cổ. Đây chính là một loại hình di sản phi vật thể độc đáo, góp phần giữ cho mạch nguồn văn hóa Thăng Long - Hà Nội chảy mãi" - ông Nguyễn Văn Bích kiến nghị.

Minh Ngọc