Lộ trình thế kỷ hướng tới Châu Á
Thế giới - Ngày đăng : 06:42, 22/02/2014
Cam kết nỗ lực mở rộng hiệp định buôn bán giữa ba quốc gia Bắc Mỹ với khu vực Châu Á năng động, trong đó có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của "bộ ba" Bắc Mỹ tại cuộc gặp Thượng đỉnh đã chỉ ra phương thức hợp tác mới sau 20 năm ký kết và thực hiện Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Thủ tướng Canada S.Harper, Tổng thống Mexico E.Nieto và Tổng thống Mỹ B.Obama (từ trái qua phải) tại hội nghị ở Toluca (Mexico). |
Năm nay, Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Bắc Mỹ được tổ chức nhân dịp 20 năm thực hiện NAFTA. Kể từ khi ký kết hiệp định này, quan hệ kinh tế của ba nước càng trở nên gắn bó. Không thể phủ nhận rằng, NAFTA thực sự là một nguồn sinh lợi đem lại sự phát triển thịnh vượng cho cả ba quốc gia, thể hiện qua kim ngạch trao đổi thương mại tăng tới bốn lần, lên tới hàng nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, sau hai thập kỷ thực hiện, hiệp định song phương giữa ba nước này - như một thành công nổi bật của thị trường tự do Bắc Mỹ - đang lộ rõ mặt trái của nó. Theo các chuyên gia kinh tế, NAFTA chịu trách nhiệm cho hơn nửa triệu việc làm tại Mỹ bị "chảy máu" sang 2 nước láng giềng. Trong khi các tập đoàn lớn hưởng lợi rất nhiều từ NAFTA thì các công ty vừa và nhỏ phải đối phó với áp lực cạnh tranh rất lớn. Đặc biệt, lĩnh vực nông nghiệp Mexico thua thiệt nhiều vì không có khả năng cạnh tranh trước những đối thủ quá mạnh từ Mỹ và Canada. Vì thế, NAFTA không giúp được nhiều cho Mexico trong công cuộc xóa đói nghèo. Mặt khác, NAFTA dẫu được các công ty của Mỹ hậu thuẫn nhưng đến nay nhiều công ty đã bị đánh bại trước sự cạnh tranh từ Canada và Mexico. Rõ ràng, sau hai thập niên, NAFTA đang đứng trước nhu cầu thay đổi ngày càng cấp thiết khi nền kinh tế thế giới luôn vận động, vượt lên những lý thuyết và toan tính chủ quan.
Từ bài học NAFTA, bên cạnh những vấn đề như năng lực cạnh tranh kinh tế, an ninh biên giới, người nhập cư và biến đổi khí hậu… tại cuộc gặp Thượng đỉnh Bắc Mỹ, các nhà lãnh đạo khu vực kinh tế hàng đầu thế giới đã dành ưu tiên đánh giá về tiến trình cũng như các biện pháp thúc đẩy TPP trong tương lai. Ba quốc gia Bắc Mỹ cùng đánh giá cao tầm quan trọng của TPP và cam kết nỗ lực cao nhất để tiến tới ký kết hiệp định. Việc hoàn tất thỏa thuận thương mại xuyên Thái Bình Dương được nhận định sẽ gia tăng đáng kể vị thế của Bắc Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu. Không hoàn toàn ngẫu nhiên khi Tổng thống B.Obama ủng hộ hoàn thành thỏa thuận này trong năm 2014, bất chấp việc nhiều đồng minh của ông quan ngại TPP sẽ khiến Mỹ mất thêm việc làm và rằng có thể làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường... Với đà phục hồi kinh tế khá vững chắc, sự ổn định chính trị được duy trì, Châu Á với những gương mặt sáng giá như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hay các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang trở thành những đối tác thương mại tiềm năng với phần còn lại của thế giới, trong đó có Bắc Mỹ. Dễ dàng nhận thấy, trong bối cảnh hiện nay, các nước Châu Á - Thái Bình Dương đã đem lại một cái nhìn lạc quan trước thế giới. Sự năng động hơn nữa của Châu Á - Thái Bình Dương và Bắc Mỹ với TPP sẽ góp phần đáng kể thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu.
Hội nghị Thượng đỉnh Bắc Mỹ lần thứ 7 vừa khép lại được xem là một thành công của NAFTA trên đường tới TPP của cả Bắc Mỹ cho dù còn tồn tại một số vấn đề gai góc như nhập cư, việc làm và năng lượng… Như vậy, với cuộc gặp Thượng đỉnh đầu năm lớn nhất Bắc Mỹ, nước chủ nhà Mexico và hai quốc gia láng giềng đã đặt nền móng cho một lộ trình thế kỷ hướng tới Châu Á. Dù con đường phía trước không bằng phẳng nhưng với quyết tâm cao, ba quốc gia Bắc Mỹ đang tận dụng những lợi thế vốn có để đưa cả Bắc Mỹ thành khu vực thị trường tự do có tính cạnh tranh cao nhất trên phạm vi toàn cầu.