Dửng dưng trước dịch cúm gia cầm

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:31, 22/02/2014

(HNM) - Đến hôm nay 22-2, Hà Nội chưa phát hiện ổ dịch cúm gia cầm nào. Nhưng điều đó không có nghĩa dịch cúm gia cầm, với nhiều chủng virus nguy hiểm sẽ không xâm nhập. Trước tình hình dịch cúm gia cầm có chiều hướng diễn biến ngày càng phức tạp,

Chốt chỉ để... chốt

Khảo sát thực tế ngày 21-2, của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy hầu hết Trạm Kiểm dịch động vật (KDĐV) liên ngành ở các cửa ngõ Thủ đô đều lơ là trước dịch cúm. 11h20 tại Trạm KDĐV liên ngành số 4 trên quốc lộ 1A cũ ở xã Đại Xuyên (huyện Phú Xuyên) chỉ có 2 nhân viên thú y trực ca I (từ 6h đến 14h). Một nhân viên nữ cho biết, "các anh bên quản lý thị trường và công an vừa mới đi ăn trưa". Chị cùng một nhân viên khác ngồi trong chốt chờ những xe chở gia cầm, gia súc đi qua tự động vào chốt làm thủ tục kiểm dịch. Từ 6h sáng đến 11h20, chốt đã làm thủ tục kiểm dịch cho 4 chuyến hàng bằng xe máy có lần lượt số gà, vịt là 27, 15, 15 và 49 con. Số gia cầm này được vận chuyển từ chợ đầu mối gia cầm lớn nhất phía Bắc là Hà Vĩ (Thường Tín) đi Đồng Văn (Hà Nam) hoặc từ chợ Hà Vĩ về các xã thuộc huyện Phú Xuyên. Theo sổ nhật ký của chốt, cả ngày 20-2, chỉ có 14 lượt xe qua chốt, riêng ca III (từ 22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau) có 5 lượt. Lý giải vì sao số chuyến hàng qua chốt ít hơn nhiều so với thực tế, nhân viên nữ này cho rằng trên địa bàn có nhiều đường tắt, đường nhỏ vòng qua chốt. Nếu người vận chuyển nào tuân thủ thì vào chốt làm thủ tục, còn những ai muốn tránh thì có nhiều lối đi. Huyện Phú Xuyên cũng có đoàn kiểm tra liên ngành di động nhưng cũng phải "rình chán" mới bắt được xe vận chuyển gia cầm vi phạm quy định. Đến 13h, khi chúng tôi tiếp tục quay lại Trạm KDĐV số 4, lúc này chỉ còn mỗi chị này đang trực tại chốt.

Gia cầm bày bán tại chợ Hà Vĩ.



Ngược lên huyện Thường Tín, khoảng 13h30, chúng tôi có mặt tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ. Chốt KDĐV liên ngành số 5 đặt ngay đầu chợ và luôn có nhân viên túc trực. Thượng sĩ Lê Văn Tuần, CA huyện Thường Tín, cho biết, trước Tết, lượng gia cầm về chợ Hà Vĩ rất lớn, nhưng mấy ngày nay đã giảm đi rất nhiều. Một nhân viên kiểm dịch khẳng định, bất kỳ xe nào vận chuyển gia cầm vào chợ đều phải đáp ứng đầy đủ thủ tục. Tuy nhiên, gia cầm được đưa vào chợ đều có giấy tờ đầy đủ nên nếu muốn biết có gà, vịt "lạ" trà trộn vào hay không thì phải làm xét nghiệm (mà làm xét nghiệm thì khá tốn kém).

Đến 15h20, chúng tôi đến trạm KDĐV liên ngành số 1 tại Dốc Lã (Gia Lâm) trên QL 1A cũ. Tại đây chỉ có một nữ cán bộ thú y ngồi trong chốt trực mà không hề có một thiết bị khử trùng, tiêu độc nào. Trạm trưởng Nguyễn Xuân Hồng và một CSGT đang ngồi sâu ở trong khu nhà văn phòng. Lý giải tình cảnh trớ trêu này, ông Hồng cho biết, số lượt xe vận chuyển gia cầm qua đây khá ít, chủ yếu xe máy, vận chuyển số lượng nhỏ, các xe ô tô vận chuyển gia cầm số lượng lớn đều chọn đi theo đường QL 1 mới, cách đó không xa hoặc đi tránh vào đường thôn, xóm. Ông Hồng thừa nhận việc kiểm soát gia cầm nhập lậu vào Hà Nội là rất khó...

Vẫn chủ quan, lơ là

Tại thủ phủ sản xuất vịt giống Đại Xuyên (huyện Phú Xuyên) mọi hoạt động vẫn diễn ra như bao ngày dù nhịp độ có giảm phần nào. Các lò ấp tư nhân vẫn hoạt động bình thường. Trên đường vào Trung tâm Giống vịt Đại Xuyên, vỏ trứng chất từng đống trước cửa mỗi lò ấp, lông vịt bay tứ tung mỗi khi có xe chở vịt giống đi bán. Anh Tuyển, chủ lò ấp Mạnh Tuyển, đã ấp vịt giống hơn 10 năm cho biết, kể từ khi có tin dịch cúm gia cầm đang lan rộng, lượng vịt giống xuất ra kém hẳn đợt trước Tết. Trước đây, vào đợt cao điểm, nhà anh mỗi ngày xuất bán hàng vạn con. Thỉnh thoảng nhà anh vẫn phun phòng dịch theo hướng dẫn của nhân viên kiểm dịch. Anh Tuyển nhận định, vịt con thường không có dịch vì con nào yếu thì đã không nở được, con nào khỏe thì đã được xuất đi. "Bao năm nay, nhà tôi có ai bị dính cúm gia cầm đâu". - Anh Tuyển khẳng định trong không gian sực mùi phân vịt và mù mịt lông vịt giống. Anh Long, chủ cơ sở ấp vịt Long Dung cho biết, lượng gia cầm giống xuất đi thời điểm này giảm nhiều so với thời điểm chưa xảy ra dịch. Anh Long tự tin, sẽ khó xảy ra dịch vì trong 10 năm qua chưa ghi nhận dịch bệnh ở khu vực này. "Chúng tôi đã tiêm phòng, thử máu định kỳ con bố mẹ nên con con sinh ra khỏe mạnh". - Anh Long quả quyết.

Đó là sự chủ quan của người sản xuất vịt giống. Còn người buôn bán, vận chuyển gia cầm cũng chủ quan không kém. Tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ, chủ ki ốt B3 cứ liên tục nhắc đi nhắc lại điệp khúc: "Chúng tôi ăn cạnh gà, nằm cạnh gà, ngủ cũng cạnh gà mà chưa bị dịch cúm bao giờ". Ở bên cạnh, chủ ki ốt B5, chị Lê Thị Thanh phàn nàn: "Mấy anh nhà báo, nhà đài cứ đăng tin ầm ĩ như thế thì chỉ khiến người chăn nuôi thua lỗ, người bán như chúng tôi cũng cùng cảnh ngộ". Nhân viên kiểm dịch cho biết, ki ốt B3 mới nhập về một lô hàng gà đẻ loại (gà đã đẻ quá 12 tháng) từ Bắc Ninh về từ sớm ngày 21-2, có giấy tờ đầy đủ. Trong 4 liên giấy chứng nhận có giấy chứng nhận KDĐV chuyển ra ngoài tỉnh số 980 do Chi cục Thú y Bắc Ninh cấp với con dấu đỏ chót. Bà chủ ki ốt B3 không biết rằng, tỉnh Bắc Ninh là một trong các địa phương đã từng xuất hiện ổ dịch cúm trong đợt vừa qua.

Bản thân Ban Quản lý chợ cũng chủ quan khi khẳng định: Dịch khó xảy ra vì từ trước đến nay chưa ghi nhận điều này. Phó trưởng Ban Quản lý chợ Hà Vĩ Lê Ngọc Ánh nói rằng: "Kể từ khi có chợ gà trong làng đến khi chợ được dời ra ngoài này, chưa bao giờ có dịch và cũng chưa có ai bị dính cúm gia cầm". Ông Ánh tiết lộ thêm với chúng tôi: "Mới ngày 20-2, chúng tôi đã phải cho tiêu hủy một lô gia cầm không đầy đủ các giấy tờ khi vận chuyển vào đây". Trên đường vào chợ Hà Vĩ, khu vực bên ngoài chợ vẫn thấy nhiều điểm tụ tập buôn bán gà, vịt ngoài tầm kiểm soát của chốt kiểm dịch...

"Trên nóng, dưới nguội"

Có một thực tế trong công tác phòng, chống dịch hiện nay là cấp trung ương, cấp thành phố chỉ đạo rất sát sao và khẩn trương, tuy nhiên việc thực hiện ở cơ sở, đặc biệt là các lực lượng được giao nhiệm vụ trực tiếp và chính người dân lại đang có nhiều vấn đề đáng phải bàn.

Sự lơ là của các chốt KDĐV liên ngành là không phải bàn cãi. Điều đáng lo ngại là dịch cúm H7N9 đã xảy ra ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), tiếp giáp với 4 tỉnh của Việt Nam. Trong hơn 10 tỉnh xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 trên toàn quốc, có ba tỉnh ở phía Bắc đã hoặc đang xuất hiện ổ dịch là Lào Cai, Nam Định, Bắc Ninh. Các chuyên gia nhận định, dịch cúm gia cầm đang lan rộng và chưa lên đến đỉnh. Giả sử gia cầm nhiễm cúm từ các tỉnh biên giới lọt vào đến các tỉnh lân cận ở phía bắc Hà Nội, dịch cúm gia cầm sẽ dễ dàng xâm nhập khu vực nội thành. Nếu dịch cúm bùng phát ở mạn Nam - thuộc các tỉnh Hà Nam, Nam Định, "hàng phòng ngự" lỏng lẻo do các chốt KDĐV liên ngành đảm nhiệm sẽ dễ dàng bị chọc thủng.

Hà Nội hiện có 9 trạm kiểm dịch, trong đó có 5 trạm trên các tuyến giao thông trọng điểm (gồm các điểm Ba La, Cầu Giẽ, Ngọc Hồi, Dốc Lã và Trung Giã) và 4 trạm tại chợ Hà Vĩ, chợ Bắc Thăng Long - Hải Bối, điểm cơ sở giết mổ Minh Hiền - Thanh Oai, Vạn Phúc - Thanh Trì. Đề cập thực trạng tại các trạm kiểm dịch thiếu lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ, đặc biệt trong tình hình "nước sôi lửa bỏng" như hiện nay, ông Cấn Xuân Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội thừa nhận những bất cập trong công tác kiểm dịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phòng, chống và ngăn chặn dịch. Theo ông Bình, tại các trạm kiểm dịch, theo quy định có lực lượng thú y (được giao nhiệm vụ trạm trưởng, đảm trách kiểm dịch), lực lượng công an (với nhiệm vụ dừng xe) và quản lý thị trường (kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa...). "Tuy nhiên, nhiều khi lực lượng công an, quản lý thị trường tham gia không đầy đủ khiến lực lượng thú y không thực hiện được nhiệm vụ vì không có thẩm quyền dừng xe kiểm tra, không được xử phạt..." - ông Bình phân trần. Thêm một thực trạng đáng báo động khác là "lỗ hổng" về kiểm soát công tác vận chuyển gia cầm. Ngoài 5 chốt kiểm dịch đang đặt ở các tuyến đường quốc lộ, các tuyến đường trọng điểm khác vào nội đô như Đại lộ Thăng Long, đường Phạm Văn Đồng - đi Nội Bài và các tỉnh phía Bắc, quốc lộ 5, quốc lộ 32... còn bỏ ngỏ. Trong khi đó, tại các tuyến quốc lộ hiện tại có trạm kiểm dịch thì hoạt động không hiệu quả vì người vận chuyển gia cầm "lách" các tuyến đường khác trong khu dân cư hoặc đi các con đường mới mở chưa đặt trạm kiểm dịch. Ngoài ra, việc giết mổ gia cầm ngay tại các chợ, thậm chí trên vỉa hè trên địa bàn Thủ đô hiện nay cũng đang gặp khó trong công tác quản lý, trong khi chính người tiêu dùng cũng chưa ý thức đầy đủ về nguồn gốc gia cầm mình sử dụng.

Nguyễn Tùng - Chí Kiên