Căn chỉnh văn hóa ứng xử
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:05, 20/02/2014
Gần đây nhất là chuyện thầy giáo ẩu đả với học sinh ngay trên bục giảng. Những hành vi "nhức mắt" đang diễn ra hằng ngày cùng với không ít việc làm phản văn hóa, thiếu nhân văn, cho thấy tình trạng đáng báo động của văn hóa ứng xử. Nguy hiểm hơn, những biểu hiện theo kiểu bất chấp tất cả để đạt được mong muốn của riêng mình đang lan rộng, đặc biệt trong giới trẻ. Một nhà nghiên cứu văn hóa đã phải than vãn: Dường như lối ứng xử nhã nhặn đã trở thành thứ xa xỉ đối với nhiều người!
Ứng xử nhã nhặn là thế nào mà lại trở thành thứ "xa xỉ"? Những yếu tố nào là nền tảng để xây dựng các bộ quy tắc ứng xử phù hợp với đời sống cộng đồng của xã hội hiện đại?... Rất nhiều vấn đề cần được đặt ra. Trước hết: "Văn hóa ứng xử là sự thể hiện triết lý sống, các lối sống, lối suy nghĩ, lối hành động của một cộng đồng người trong việc ứng xử và giải quyết mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, với xã hội và từ vi mô đến vĩ mô". Văn hóa ứng xử được biểu hiện qua hình thái: Văn hóa nói và văn hóa hành động. Từ khái niệm nêu trên có thể thấy văn hóa ứng xử thể hiện qua từng hành vi của mỗi con người nhưng cũng thể hiện triết lý sống, lối sống của cả cộng đồng. Thế nên việc căn chỉnh văn hóa ứng xử không chỉ từ mỗi con người mà rộng hơn phải từ mỗi cộng đồng trong toàn xã hội.
Với vị thế là trung tâm văn hóa của cả nước, là đất nghìn năm văn hiến với truyền thống "Tràng An thanh lịch", việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử chung của người Hà Nội và xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, nơi công cộng... là vấn đề cấp bách. Đây chính là nền tảng để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Để phong cách thanh lịch thấm sâu vào đời sống tinh thần, biểu hiện bằng những hành động cụ thể trong ứng xử hằng ngày của mỗi người dân thì người đứng đầu của mỗi cơ quan, đơn vị có vai trò đặc biệt quan trọng. Và các cấp ủy, chính quyền cần coi đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài để chủ động đưa ra các mô hình, giải pháp để thực hiện một cách hiệu quả.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành TƯ Đảng (khóa VIII) khẳng định: "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội". Việc đưa văn hóa vào mọi lĩnh vực xã hội, vào các cơ quan, đơn vị và mỗi gia đình là hết sức cần thiết. Bởi lẽ, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tốt đẹp trong cộng đồng không chỉ tạo động lực cho sự phát triển của toàn xã hội mà còn giúp mỗi cá nhân tự hoàn thiện nhân cách, hướng tới cái đẹp giàu nhân văn. Trong xã hội ngày càng văn minh, hiện đại thì những quy tắc, phong cách ứng xử lịch sự, văn minh càng cần được đề cao và thể hiện ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi tình huống.