Phải thay đổi tư duy và cách làm

Du lịch - Ngày đăng : 06:41, 20/02/2014

(HNM) - Những tín hiệu vui ngay trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ khi lượng khách trong và ngoài nước đều tăng ở hầu hết điểm đến liệu có báo hiệu một năm thuận lợi đối với ngành du lịch khi kinh tế thế giới được dự đoán chưa hết khủng hoảng, thậm chí còn khó khăn hơn năm 2013?


Cái khó không bó cái khôn

Dự báo về sự phát triển của du lịch nước ta trong năm 2014, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình tỏ ra lạc quan, bước sang năm Ngọ, dù kinh tế chưa hồi phục nhưng sẽ vẫn là một năm tăng trưởng của du lịch Việt Nam. Niềm tin này được xây dựng trên những kết quả của năm 2013. Mặc dù phải đương đầu với không ít khó khăn nhưng ngành đã đón trên 7,57 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 35 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 200 nghìn tỷ đồng. Thành công trên giúp du lịch Việt Nam cán đích sớm trước 2 năm so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Linh Ngọc



Hai năm vừa qua là giai đoạn thử sức đối với nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch. Không chỉ tìm cách vượt qua khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã nhạy bén điều chỉnh hướng kinh doanh, thiết kế, xây dựng tour phù hợp với "túi tiền" của du khách, giúp đơn vị đứng vững trước khủng hoảng để đạt mức tăng trưởng tốt. Thực tế này chứng tỏ, khó khăn kinh tế không còn là nguy cơ lớn đối với du lịch Việt Nam. "Tôi tin tưởng rằng, du lịch Việt Nam chắc chắn vẫn giữ được đà tăng trưởng như trong năm 2013", ông Vũ Thế Bình dự đoán.

Còn theo nhận định của TS

Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, dù kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu nhưng vẫn có nhu cầu thưởng ngoạn, du lịch. Tất nhiên, khi túi tiền không rủng rỉnh, du khách sẽ cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng hơn. Thay vì chọn những điểm đến phổ biến, những chuyến đi kéo dài, giờ đây du khách sẽ quan tâm tới những địa danh mới, hoặc những sản phẩm đặc thù, thời gian đi lại ngắn, thuận tiện với giá cả phải chăng. Những sản phẩm du lịch biển vẫn được du khách lựa chọn nhiều nhất và dự báo sẽ đắt khách hàng đầu trong năm 2014. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, khách du lịch sẽ không đổ xô đến những điểm đến quen thuộc, thành phố trọng điểm như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang…, mà những điểm đến mới nổi như: Chu Lai, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Cô Tô… sẽ "hút" khách trong năm tới. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch khám phá danh lam thắng cảnh, gắn liền với cảnh quan thiên nhiên như: Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Mộc Châu… cũng được nhiều du khách chọn.

Nhiều bài học quý giá

Theo các doanh nghiệp du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2014 sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt. Bởi, trước đây Singapore, Malaysia, Thái Lan hay Trung Quốc hấp dẫn hơn, nhưng giờ đây trên bản đồ du lịch thế giới, mảnh đất hình chữ S lại nổi lên như một điểm đến mới lạ với lợi thế chi phí rẻ, an toàn. Còn với thị trường trong nước, trong năm nay, du lịch nội địa vẫn lên ngôi và đạt được mức tăng trưởng cao.

Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa ẩm thực sẽ trở thành điểm nhấn có khả năng ghi dấu ấn trong lòng du khách. Giám đốc Công ty Lữ hành T&T Nguyễn Văn Tấn cho rằng, để "móc hầu bao" du khách nhiều hơn, ngành du lịch cần xây dựng chuẩn chung cho hệ thống nhà hàng, khách sạn. Bởi trên thực tế, nhiều cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch đang tự đặt ra chuẩn một cách tự phát và cơ quan quản lý công nhận những chuẩn đó một cách thụ động. Tổng cục Du lịch cũng nên phối hợp với các địa phương nghiên cứu phong cách, văn hóa ẩm thực của từng thị trường khách rồi lựa chọn hoặc tuyển chọn các nhà hàng, khách sạn đáp ứng theo chuẩn, tập hợp thành danh sách để giới thiệu, xúc tiến riêng. "Nếu làm được những điều này, chất lượng dịch vụ được nâng cao theo đúng chuẩn, việc phục vụ du khách sẽ chủ động hơn và đáp ứng nhu cầu của từng thị trường một cách tốt hơn. Khi đó, chúng ta sẽ chọn khách chứ không phải khách chọn chúng ta", ông Nguyễn Văn Tấn nói.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường, trải qua một năm đầy khó khăn, ngành du lịch cũng đúc rút cho mình nhiều kinh nghiệm và bài học quý báu. Đó là muốn du lịch phát triển bền vững cần phải thay đổi cách làm, không phải chỉ cho trước mắt mà phải nghĩ cho lâu dài; không phải chạy theo số lượng mà cần nâng cao chất lượng; không chỉ phát triển theo chiều rộng mà còn phải đi vào chiều sâu. Để làm được điều đó, trước tiên ngành du lịch phải có sản phẩm tốt nhưng du lịch lại là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng cao nên cần sự kết nối, hợp tác, hỗ trợ của các ngành và sự tham gia của cộng đồng.

Xuân Lộc