Lãi suất cho vay giảm, lãi suất huy động có hạ?

Tài chính - Ngày đăng : 13:25, 19/02/2014

(HNMO) - Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay có thể giảm 1-2%/năm. Vậy, liệu lãi suất huy động có giảm?

Ngân hàng vẫn bí đầu ra. Ảnh minh họa


Có thể giảm 1-2%/năm lãi suất cho vay

Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp lãi suất, tín dụng để giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp và người dân. Đến nay, lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở mức 7-9%/năm; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 9-11,5%/năm, trong đó, một số doanh nghiệp tốt được ngân hàng cho vay với lãi suất chỉ từ 6,5-7%/năm. Như vậy, mặt bằng lãi suất cho vay như hiện nay đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006 và chỉ bằng 50% mức lãi suất vào nửa cuối năm 2011. Xét về tương quan, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay hiện nay là phù hợp với diễn biến và kỳ vọng lạm phát, đảm bảo hài hòa lợi ích của ngân hàng, người vay và người gửi tiền.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc cho vay của các ngân hàng vẫn rất khó khăn hay nói cách khác là nhà băng vẫn “bí” đầu ra bởi doanh nghiệp vẫn chưa thể tiếp cận vốn vay giá rẻ và họ mong muốn lãi suất giảm thêm.

Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng-Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, việc các tổ chức tín dụng (TCTD) có tiếp tục giảm được lãi suất cho vay nữa hay không còn phụ thuộc vào giá vốn, tình hình tài chính của từng ngân hàng cũng như mức độ rủi ro đối với từng khách hàng. Tuy nhiên, “nếu điều kiện tài chính thuận lợi, các TCTD có thể tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 1-2%/năm”.-Bà Hồng nhận định.

Rõ ràng, việc ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay là cần thiết. Nếu không thì không những khó cho doanh nghiệp mà khó cho chính bản thân họ, bởi nhà băng huy động vốn mà không cho vay được sẽ gặp nhiều rủi ro, chưa kể họ cũng đang chịu áp lực khi năm nay ngành ngân hàng đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14%, trong khi trong tháng 1/2014, tín dụng tăng trưởng âm. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/1, dư nợ tín dụng giảm 1,21%; cùng kỳ năm 2013, tín dụng chỉ giảm 1,06%. Vì thế, các TCTD phải nỗ lực nhiều trong việc đẩy mạnh cho vay ra. Về phần doanh nghiệp, họ đã cố gắng hết sức để có thể tồn tại, nhưng sức mua của nền kinh tế yếu đang cản trở doanh nghiệp trong việc mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh. Vậy nên, nếu như ngân hàng không giảm thêm lãi suất thì doanh nghiệp lại càng gặp khó khăn, mà doanh nghiệp là tối tác của ngân hàng, doanh nghiệp “chết” thì ngân hàng “sống” với ai?!

Lãi suất huy động có giảm?


Vậy là nhiều khả năng thời gian tới lãi suất cho vay sẽ giảm. Một câu hỏi được đặt ra lúc này là lãi suất cho vay giảm thì liệu ngân hàng có giảm lãi suất huy động hay không để  tránh rủi ro?

Phải nói thêm rằng, trong năm qua, nhờ chính sách điều hành của cơ quan chức năng mà thị trường vàng và tỷ giá ổn định, không còn cảnh người dân đổ xô đi mua vàng hay mua USD. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản trầm lắng và thị trường chứng khoán chưa thực sự nổi bật đã giúp cho kênh tiết kiệm hút khách. Nhờ đó, ngân hàng hút lượng tiền gửi ổn định. Thời điểm này, mức lãi suất dao động 7-8,5%/năm là khá thấp, nếu so với lạm phát thì người gửi tiền chẳng lợi là bao nhiêu.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, với mục tiêu lạm phát được kiềm chế dưới 7%, trần lãi suất tiền gửi VND dưới 6 tháng là 7%/năm như hiện nay là phù hợp với kỳ vọng lạm phát, đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền. Đồng thời, đây là mức huy động ngắn hạn tối đa, nhưng các TCTD có thể căn cứ vào khả năng cân đối vốn thanh khoản, giá vốn và mục tiêu lợi nhuận của mình để điều chỉnh lãi suất huy động ngắn hạn xuống phù hợp. Nếu như trước đây TCTD thường ấn định lãi suất huy động sát mức trần, thì nay nhiều TCTD ấn định lãi suất thấp hơn mức trần, đối với các TCTD có nhu cầu huy động vốn lớn có thể ấn định lãi suất huy động sát mức trần. Bà Hồng cho rằng, mặc dù có trần lãi suất huy động đối với kỳ hạn dưới 6 tháng nhưng trong phạm vi này, các TCTD có thể thỏa thuận với khách hàng ấn định lãi suất thấp hơn, phù hợp với cân đối vốn, giá vốn, cũng như chiến lược kinh doanh và mục tiêu lợi nhuận của từng ngân hàng.

Trên thực tế, một số ngày gần đây, như để đón đầu giảm lãi suất cho vay, lác đác đã có nhà băng giảm lãi suất huy động. Chẳng hạn như tại ACB, từ ngày 15/2 ngân hàng này giảm khoảng 0,3% lãi suất so với trước đối với kỳ hạn ngắn, xuống còn 6,5%/năm cho kỳ hạn 1 và 2 tháng; 6,6%/năm đối với kỳ hạn 3 tháng. Lãi suất các kỳ hạn dài giảm 0,1-0,2%, còn 7,9% đối với kỳ hạn 12 tháng. Các kỳ hạn 13 tháng và 24 có lãi suất lần lượt là 8,2%/năm và 8,4%/năm. Riêng kỳ hạn 36 tháng được hưởng lãi suất 8,5%/năm.

Như vậy, việc giảm lãi suất huy động là có, nhưng các ngân hàng sẽ cân nhắc giảm ít để vẫn thu hút được tiền gửi, nhằm bảo đảm thanh khoản của thị trường.

Hương Thủy