Cần cơ chế đặc thù
Văn hóa - Ngày đăng : 07:32, 19/02/2014
Hệ thống di sản - Những điểm đến hấp dẫn
Ngoài 3 di tích đã được công nhận trước đây là Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Văn Miếu - Quốc Tử Giám và đền Cổ Loa, Hà Nội có thêm 5 di tích được Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt vào cuối năm 2013, gồm đình Tây Đằng (huyện Ba Vì), đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ), đền Ngọc Sơn và khu vực hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm), đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm). Đó không chỉ là bằng chứng về sự phong phú của kho tàng di tích lịch sử - văn hóa của Thủ đô mà còn cho thấy Thủ đô có những sản phẩm du lịch hấp dẫn. Cụ thể, đình Tây Đằng nằm trên địa bàn thị trấn Tây Đằng với lối kiến trúc đặc trưng thời Mạc, quy mô bề thế, được đánh giá là một bảo tàng nghệ thuật dân gian thế kỷ XVI. Hai bên đình có hai dãy nhà tạo thế tay ngai, phía trước có nghi môn, hồ bán nguyệt, tạo thế đất "tụ thủy", cũng có nghĩa "tụ linh, tụ phúc". Họa tiết trang trí ở di tích này rất sinh động, phong phú, từ hình ảnh linh thú (rồng, lân, voi đi cày, voi lồng, ngựa bay…) cho đến cảnh sinh hoạt văn hóa của người nông dân vùng Đồng bằng Bắc bộ (làm xiếc, chèo thuyền ngắm cảnh…). Đình hiện lưu giữ rất nhiều hiện vật quý như ngai thờ, bộ kiệu bát cống, hương án… mang phong cách kiến trúc thời Hậu Lê, với những nét chạm khắc tinh xảo hiếm có.
Đền Ngọc Sơn và khu vực hồ Hoàn Kiếm đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.Ảnh: Nhật Nam |
Là một trong những không gian diễn ra hội Gióng - đã được UNESCO vinh danh di sản thế giới, khu di tích Phù Đổng thuộc xã Phù Đổng chứa đựng chiều dài lịch sử và chiều sâu văn hóa. Đền Thượng là nơi thờ đức Thánh Gióng, đền Hạ (còn gọi là đền Mẫu), miếu Ban là nơi thờ mẹ Thánh Gióng, Cố Viên là vườn xưa nhà Thánh Gióng, Đống Đàm là nơi diễn ra trận đánh chống giặc Ân của đội quân Thánh Gióng… "Qua hệ thống di tích thờ Thánh Gióng ở làng Phù Đổng, hình tượng Thánh Gióng đã được các thế hệ người dân Việt Nam gìn giữ và phát huy, góp phần bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Sau khi hội Gióng được UNESCO vinh danh, khu di tích Phù Đổng và hội Gióng ngày càng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn" - Bà Vũ Thị Hải Yến, Trưởng phòng VH-TT huyện Gia Lâm khẳng định.
Cùng thờ Hai Bà Trưng nhưng đền Hát Môn và đền Hai Bà Trưng có ý nghĩa lịch sử - văn hóa và giá trị kiến trúc nghệ thuật khác nhau. Nếu như đền Hát Môn bên bờ sông Hát là địa điểm gắn với những buổi hội quân của Hai Bà, cũng là nơi hai bà tuẫn tiết, thì đền Hai Bà Trưng ở Mê Linh là nơi Hai Bà sinh ra và đóng đô. Đền Hát Môn là một quần thể kiến trúc hài hòa, có sông nước, đài, tháp, có vườn cây cổ thụ xanh bốn mùa. Đền Hai Bà Trưng điểm "mạnh" khác, đó là hệ thống hiện vật vô cùng phong phú. Hai di tích đặc biệt này có mối quan hệ mật thiết với nhau, bổ sung cho nhau, làm giàu thêm kho tàng văn hóa Việt Nam.
Di tích đền Ngọc Sơn và khu vực hồ Hoàn Kiếm tọa lạc ở vị trí trung tâm của Thủ đô, từ lâu đã trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng của Thủ đô Hà Nội; là điểm đến thân thuộc của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Nơi đây gắn với truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm báu cho rùa thần, là minh chứng của tinh thần yêu nước và đặc biệt là tình yêu hòa bình của toàn dân tộc. Đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, tháp Bút, tháp Rùa… là hiện thân của phong cách kiến trúc độc đáo, đồng thời chứa đựng những câu chuyện lịch sử thú vị, những áng thơ văn bất hủ được nhiều đời tìm hiểu, nghiên cứu mà vẫn chưa phát hiện hết các lớp lang văn hóa ẩn chứa trong đó…
Vướng mắc giữa bảo tồn và phát triển
Được đánh giá như những bảo tàng văn hóa của người Việt song trên thực tế, việc khai thác giá trị của các di tích quốc gia đặc biệt nói riêng, hệ thống di tích trên địa bàn Thủ đô nói chung để phục vụ công tác phát triển du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Hơn nữa, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích hiện vẫn chưa giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, nhất là với các di tích có người dân sinh sống. Để hóa giải mâu thuẫn này, ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội kiến nghị, ngoài việc tuân thủ các quy định của Luật Di sản văn hóa, các di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung cần có cơ chế quản lý đặc thù. Trước hết, cần có nguồn vốn ưu tiên dành cho việc chống xuống cấp; thứ hai là việc khoanh vùng bảo vệ các di tích có người dân sinh sống một cách linh hoạt. Chẳng hạn, với di tích đền Cổ Loa, nên chọn khu vực tường thành còn nguyên vẹn, ít có người dân sinh sống nhất để tập trung đầu tư, như vậy vừa giữ được di tích gốc vừa bảo đảm yêu cầu phát huy giá trị di sản và phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Nếu thực hiện theo phương án này thì trong quá trình triển khai, các cơ quan chức năng sẽ tổ chức các hội thảo khoa học, đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu hơn về giá trị di tích, giúp họ biết được việc gì được làm, việc gì không được làm. Tương tự, việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích đền Ngọc Sơn và khu vực hồ Hoàn Kiếm không thể không tính đến đường giao thông và cuộc sống của người dân xung quanh; không thể thiếu sự tham gia của liên ngành. Cũng theo ông Trương Minh Tiến, sản phẩm hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch tại các di tích quốc gia đặc biệt của ở Hà Nội hiện nay còn rất nghèo nàn, công tác tuyên truyền chưa được quan tâm, muốn tăng sức hấp dẫn thì phải tăng cường quảng bá, tuyên truyền và nghiên cứu thêm các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa của điểm đến.
Từ những bài học trong thực tế, có thể thấy việc hiện thực hóa yêu cầu về cơ chế quản lý đặc thù cho hệ thống di tích quốc gia đặc biệt là vấn đề cần được tiến hành một cách bài bản.