Venezuela trước nguy cơ bất ổn
Thế giới - Ngày đăng : 07:02, 19/02/2014
Hàng nghìn người đã xuống đường tại thủ đô Caracas và các thành phố lớn ở Venezuela trong những ngày qua để bày tỏ sự bất bình về tình trạng tội phạm tăng cao, khó khăn kinh tế và tình trạng tham nhũng. Các cuộc biểu tình đã biến thành bạo lực vào cuối tuần qua khi ba người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Đây là làn sóng biểu tình lớn nhất mà Tổng thống N.Maduro phải đối mặt kể từ khi đắc cử, sau khi người tiền nhiệm và cũng là người dìu dắt - Tổng thống Hugo Chavez qua đời vào năm ngoái. Leopoldo Lopez, một lãnh đạo phe đối lập cho biết những người phản đối muốn buộc ông N.Maduro từ chức bằng những phương thức theo Hiến pháp.
Người biểu tình tuần hành chống Chính phủ tại Caracas (Venezuela) ngày 16-2. |
Trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống Chính phủ đang làm gia tăng căng thẳng tại nước này, ngày 17-2, qua phát biểu được phát trên truyền hình, Tổng thống N.Maduro tuyên bố ông đã ra lệnh trục xuất ba quan chức Lãnh sự Mỹ với cáo buộc Chính phủ Mỹ đang "xúc tiến và hợp pháp hóa những hành vi nhằm làm bất ổn" nền dân chủ của đất nước. Washington đã ngay lập tức lên tiếng bác bỏ thông tin về âm mưu phá hoại ngầm Tổng thống đương nhiệm Venezuela.
Diễn biến bất ổn nghiêm trọng tại quốc gia thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đang là một thách thức với Tổng thống N.Maduro. Thực tế, chưa đầy 1 năm sau khi Tổng thống H.Chavez qua đời, quốc gia Nam Mỹ Venezuela đang phải đối mặt nguy cơ suy sụp kinh tế. Lạm phát tăng vọt (56,2% trong năm 2013), đồng nội tệ Bolivar mất giá chóng mặt trên thị trường "chợ đen" và dự trữ ngoại hối lao dốc. Ngay cả ngành dầu lửa, lĩnh vực được xem là phát đạt nhất của Venezuela, cũng đang gặp khó khăn do thiếu vốn đầu tư. Vì thế, dẫu là mũi nhọn của nền kinh tế quốc gia, ngành dầu lửa Venezuela cũng không thể tạo được doanh thu đủ để trang trải các chương trình trợ giá của Chính phủ. Nhằm đối phó với tình trạng này, Chính phủ Venezuela đã phải mở rộng các biện pháp kiểm soát giá cả nhưng theo các chuyên gia kinh tế, cách làm này chỉ khiến tình hình thêm tồi tệ. Thực tế, Venezuela dường như đã sử dụng hết công cụ để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kinh tế trên diện rộng. Dự trữ ngoại hối của quốc gia Nam Mỹ đang ở mức thấp nhất trong 8 năm. Theo chuyên gia Juan Pablo Fuentes thuộc Công ty phân tích Moody's Analytics, dự trữ ngoại hối của Venezuela tính đến giữa tháng 9-2013 chỉ còn 22 tỷ USD, giảm 26% so với thời điểm cuối năm 2012, ở mức thấp nhất trong 8 năm. Ngoài ra, Trung Quốc, nguồn cung vốn chủ yếu cho Venezuela, đã siết "hầu bao" sau khi những khoản vay nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất dầu lửa không mang lại kết quả.
Trước thực trạng trên, có nhận định cho rằng hiện đang tồn tại sự khác biệt giữa Venezuela với phần còn lại của Mỹ Latinh. Trong khi các nước ở khu vực có nền tảng kinh tế vĩ mô khá vững chắc thì Venezuela đã vấp phải nhiều sai lầm trong quản lý kinh tế vĩ mô trong 20 năm qua do các chương trình phúc lợi xã hội đồ sộ. Đi theo con đường của người tiền nhiệm H.Chavez, Tổng thống đương nhiệm N.Maduro dường như không muốn đột ngột thay đổi chính sách kinh tế; đồng thời siết chặt khu vực kinh tế tư nhân được cho là đã gây khó khăn cho nền kinh tế đất nước. Do đó, Chính phủ Venezuela vừa ra một nghị định đặt trần cho tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp tư nhân và tiếp tục siết chặt các quy định về nhập khẩu. Không quá khó để nhận thấy, chính sách kinh tế hiện tại của Chính phủ Venezuela chưa đủ mạnh để giảm tốc cơn lạm phát phi mã; đẩy nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy
cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng sâu rộng hơn.
Cam kết tiếp tục con đường của cố Tổng thống H.Chavez với các chương trình xã hội vì người nghèo trong chiến dịch vận động tranh cử đã giúp ông N.Maduro đắc cử Tổng thống. Tuy nhiên, ngoài thực trạng kinh tế mà quốc gia dầu mỏ này đang phải đối mặt thì rõ ràng những hứa hẹn giải quyết tình trạng mất an ninh, chống tham nhũng và nâng cao hiệu quả điều hành của Chính phủ là những thách thức không nhỏ với Tổng thống đương nhiệm N.Maduro.