Hiển hiện nguy cơ, lơ là tiêm chủng

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:36, 17/02/2014

(HNM) - Mới vào đầu năm 2014, Việt Nam đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do cúm A/H5N1, 1 trường hợp tử vong do cúm A/H1N1, 1 trường hợp tử vong vì nhiễm khuẩn liên cầu lợn, 7 trường hợp tử vong do biến chứng của bệnh sởi…


Người dân thờ ơ

Cúm A/H5N1 là loại cúm cực kỳ nguy hiểm, có khả năng gây tử vong nhanh chóng và có sức lây lan mạnh. Virus cúm có thể sống trong phân của các loài chim, gia cầm, thủy cầm và nguồn lây từ gia cầm sang người khá đa dạng, như khi tiếp xúc với gia cầm bệnh, giết mổ gà bệnh, ăn tiết canh... Trong khi diễn biến của virus cúm A H5N1 cho thấy nguy cơ lây nhiễm trên người, tình hình dịch bệnh thêm phức tạp bởi thông tin cúm A/H7N9 đang có diễn biến khó lường, đã khiến hàng chục người tử vong tại Trung Quốc. Điều đáng ngại là chủng virus này có nguy cơ xâm nhập vào nước ta.

Người buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc bên lề đường dễ có nguy cơ lây dịch bệnh. Ảnh: Đức Nghiêm



Thời tiết trong giai đoạn chuyển mùa hiện nay khá thuận lợi cho các loại virus phát tán, đặc biệt là khi tình hình mua bán và giết mổ gia cầm sống chưa qua kiểm dịch vẫn diễn ra phổ biến. Gia cầm sống được bày bán trên lề đường, trong các khu chợ và nhiều khi việc giết mổ diễn ra ngay tại khu vực bày bán gia cầm. Người dân vẫn thờ ơ trước hiểm họa, nhiều người "đánh bạc" với sức khỏe, tính mạng của mình và người xung quanh. Tại nhiều tuyến phố, ngõ ngách ở Hà Nội, thậm chí là ngay cạnh cống rãnh hay vỉa hè đầy bụi, hàng rong, quán nhậu bày bán đủ loại, từ bún đậu, miến, phở cho đến lòng lợn, bánh cuốn, bún chả, nộm… Nguy cơ ngộ độc thực phẩm đã rõ vậy mà vẫn thu hút thực khách.

Trong giai đoạn hiện nay, ngoài nguy cơ lây nhiễm virus cúm, các loại bệnh do thói quen ăn uống mất vệ sinh thì trong điều kiện thời tiết có sự thay đổi thất thường, đặc biệt là trong những ngày nhiệt độ giảm thấp, trẻ em có sức đề kháng yếu dễ mắc một số bệnh như thủy đậu, sởi, rubella, quai bị… Theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, ngoài dịch sởi đang có diễn biến đáng lo ngại, người dân còn phải đối mặt với bệnh thủy đậu đang vào mùa. Hiện nay, nhiều phụ huynh thể hiện tâm lý chủ quan do không hiểu hết ý nghĩa của công tác tiêm phòng là nhằm tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ, và bởi thế đã tỏ ra lơ là với việc đưa trẻ đi tiêm phòng. Trong khi đó, Khoa Nhi của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Nhi trung ương… mỗi ngày tiếp nhận hàng chục ca trẻ nhỏ bị thủy đậu, sởi. Hầu hết trường hợp nhiễm bệnh đều không được tiêm phòng hoặc không được tiêm đầy đủ theo lịch. Có trường hợp phụ huynh chỉ đưa trẻ đi tiêm phòng vắc xin sởi mũi thứ nhất, bỏ qua việc tiêm mũi nhắc lại.

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), hiện mầm bệnh nói trên đang lưu hành và số trẻ nhập viện tăng nhanh sau mỗi ngày. Tuy nhiên, khi con mình có biểu hiện mắc bệnh, nhiều phụ huynh chủ quan, không đưa trẻ đi khám mà tự ý mua thuốc cho con uống, tự chữa cho con bằng những "phương thuốc truyền miệng" khiến cho da trẻ dễ bị nhiễm trùng, bội nhiễm, bệnh càng nặng hơn. Sự thiếu ý thức của người lớn không chỉ thể hiện trong việc chữa bệnh cho con mình, mà còn thể hiện trong việc phòng chống dịch. Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, không ít phụ huynh vẫn đưa trẻ đến trường, dẫn đến nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh: Để tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, ngành y tế dự phòng cần phối hợp với y tế học đường nhằm đẩy mạnh công tác giáo dục ý thức phòng bệnh và giám sát, phát hiện bệnh sớm, đồng thời chuẩn bị cơ sở vật chất, thuốc, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch. Trong điều kiện hiện nay, mỗi người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, chủ động chuẩn bị biện pháp phòng bệnh, thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, bảo đảm vệ sinh. Khi có dấu hiệu mắc bệnh thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Nhiều dịch bệnh nguy hiểm quay trở lại

Thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa. Ngoài bệnh sởi, thủy đậu, cúm, nhiều loại bệnh khác cũng bước vào giai đoạn cao điểm trong thời gian gần. Các chuyên gia y tế cảnh báo, trong hai tuần tới, khí hậu sẽ nóng dần lên và đó là cơ hội để các loại dịch bệnh do siêu vi như rubella, thủy đậu, cúm, sốt siêu vi, viêm não… tấn công cả người lớn lẫn trẻ em.

Sau gần 1 năm vắng bóng, Hà Nội lại ghi nhận ca viêm não mô cầu nguy hiểm. Căn bệnh lây qua đường hô hấp này có thể khiến người bệnh sốc, tử vong nhanh chóng sau 1-2 ngày nhiễm bệnh. PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết, não mô cầu là bệnh nguy hiểm lây qua đường hô hấp, nguy hiểm hơn cả cúm, chỉ sau vài tiếng là người bệnh có thể bị sốc nhiễm khuẩn. Vì thế, tỷ lệ tử vong ở người nhiễm căn bệnh này là rất cao, từ 50 đến 70% tùy từng thể bệnh. Trong mấy năm qua, bệnh não mô cầu khá hiếm gặp, chỉ xuất hiện một vài ổ dịch nhỏ ở rải rác nhưng tất cả đều được khống chế kịp thời nhờ dịch được phát hiện sớm, ổ dịch được xử lý tốt. Để phòng bệnh, biện pháp tốt nhất là thực hiện ăn chín, uống sôi, sử dụng những thực phẩm bảo đảm vệ sinh, không ăn gia cầm ốm, chết. Khi ở nơi đông người, gần người bệnh, ở tại ổ dịch thì cần đeo khẩu trang, vệ sinh mũi họng thường xuyên bằng muối sinh lý, rửa tay bằng xà phòng.

"Với căn bệnh này, biện pháp đặc hiệu phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng vắc xin. Người dân nên đi tiêm vắc xin phòng bệnh não mô cầu nhóm A, B và C. Vắc xin này có thể tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, tiêm 1 liều duy nhất, nhắc lại 3 năm một lần", PGS.TS Nguyễn Văn Kính nhấn mạnh.

Trước sự lo ngại của người dân về an toàn tiêm chủng, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định, Bộ Y tế vừa ban hành quy định về quy trình khám sàng lọc tiêm chủng rất chặt chẽ, trong đó có quy định cụ thể trường hợp nào thì nên tiêm chủng, trường hợp nào thì không. Công tác bảo quản vắc xin được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ. Sắp tới, thành phố Hà Nội phê duyệt đề án và cấp kinh phí trang bị tủ lạnh chuyên dụng để bảo quản vắc xin tại các trạm y tế quận, huyện, thị xã.

Bảo Ngọc