Hiến máu tình nguyện: Phong trào nhiều ý nghĩa
Đời sống - Ngày đăng : 06:13, 17/02/2014
"Đòn bẩy" cho công tác an toàn truyền máu
Đầu những năm 1990, ở nước ta, máu để truyền trong những trường hợp cấp cứu chủ yếu được lấy từ người thân của bệnh nhân hoặc được mua từ người bán, chất lượng máu kém, nguy cơ lây nhiễm bệnh qua truyền máu rất cao. Để bảo đảm an toàn truyền máu, từ năm 1994, Bộ Y tế đã tổ chức thành công Ngày hiến máu nhân đạo. Hơn 20 năm qua, phong trào HMTN đã thu được những kết quả đáng khích lệ, thu được hơn 8,2 triệu đơn vị máu. Cùng với đó, năm 2000, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 43 về việc vận động khuyến khích toàn dân tham gia hiến máu và lấy ngày 7-4 hằng năm là "Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện". Cũng để khắc phục tình trạng khan hiếm máu điều trị ngay sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, ý tưởng tổ chức Ngày hội hiến máu đã ra đời vào năm 2008 và được mang tên Lễ hội Xuân hồng. Ngay từ lần đầu tiên lễ hội được tổ chức tại Hà Nội đã thu được thành công lớn với kỷ lục chỉ trong một ngày đã đạt được hơn 2,6 nghìn đơn vị máu.
Các bạn trẻ tham gia hiến máu tại Lễ hội Xuân hồng 2014. Ảnh: Kim Liên |
Từ thành công đó, năm 2010, Ban Chỉ đạo quốc gia vận động HMTN đã nhân rộng mô hình trên phạm vi toàn quốc. Đến nay, qua 6 kỳ tổ chức (từ năm 2008 đến 2013) tại Thủ đô, đã tiếp nhận được hơn 30 nghìn đơn vị máu, góp phần khắc phục tình trạng khan hiếm máu ngay sau Tết Nguyên đán. Riêng trong năm 2013, lượng máu thu được là gần 1 triệu đơn vị (tăng gấp 6,7 lần so với năm 1994), tỷ lệ HMTN đạt 90,2%; tỷ lệ dân số hiến máu đã đạt 1,08% đáp ứng trên 50% so với nhu cầu cấp cứu và điều trị. Với thông điệp "Hiến giọt máu đào - Trao niềm hy vọng", Lễ hội Xuân hồng lần thứ VII-2014 diễn ra ngày 16-2 tiếp tục được tổ chức, thu hút hơn 10 nghìn người đăng ký HMTN, dự kiến tiếp nhận khoảng 7 nghìn đơn vị máu.
|
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đánh giá, 20 năm qua, công tác vận động HMTN mang lại hơn 8,2 triệu đơn vị máu phục vụ điều trị cho hàng triệu bệnh nhân và đã có rất nhiều người được cứu sống nhờ được truyền máu kịp thời. Chúng ta đã hình thành được một phong trào mang nhiều ý nghĩa, góp phần rất lớn vào công tác giáo dục đạo đức con người, hướng người dân, đặc biệt là giới trẻ đến với các hoạt động thiện nguyện, sống không thờ ơ và có trách nhiệm với cộng đồng.
Hướng đến sự bền vững cho phong trào
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc, phong trào HMTN của người dân Thủ đô trong 20 năm qua đã thu được nhiều kết quả ngoài mong đợi. Hà Nội trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong phong trào HMTN. Có được kết quả đó, bên cạnh sự nỗ lực tích cực tham gia của các tầng lớp nhân dân Thủ đô thì còn có một nguyên nhân hết sức quan trọng, đó là việc TP Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo vận động HMTN từ rất sớm, ngay từ năm 1995. Ban Chỉ đạo thành phố đã đẩy mạnh việc kế hoạch hóa công tác HMTN, giao chỉ tiêu từ UBND thành phố đến UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn. Hiện nay, Hà Nội là một trong những địa phương có hệ thống ban chỉ đạo hoàn thiện cả 3 cấp. Việc triển khai tiếp nhận máu về đến các xã, phường, thị trấn, tuyến phố đã phát huy được hiệu quả cao, mở rộng đối tượng hiến máu, hướng đến sự bền vững của phong trào.
Tuy nhiên, công tác HMTN vẫn còn nhiều thách thức, lượng máu nhận được vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu người bệnh do nhận thức của một bộ phận người dân chưa đồng đều. Chị Hứa Thị Hải Vân (ở Sóc Sơn, Hà Nội) bị mắc căn bệnh tan máu bẩm sinh đã nhận được hơn 1 nghìn đơn vị máu (gấp 800 lần đơn vị máu của cả cơ thể hiện có) chia sẻ: "Máu đối với người bệnh chính là cuộc sống. Nhưng công tác vận động hiến máu vẫn còn nhiều khó khăn. Bởi hiện nay, nhiều người dân vẫn còn e ngại việc làm này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngay ở huyện Sóc Sơn nơi tôi sống, cả năm vận động cũng chỉ có khoảng 100 người tham gia HMTN".
Dù vậy, khi đến với Lễ hội Xuân hồng, chứng kiến vô vàn những tấm lòng cao cả, ở mỗi người bệnh vẫn nhen lên niềm hy vọng vào những điều tốt đẹp. Đơn cử như trường hợp em Vũ Văn Hoàng, sinh viên Cao đẳng Vĩnh Phúc đã tham gia HMTN 5 lần. Em Hoàng cho biết, với em, đây là một hành động thiết thực để đóng góp, cứu chữa cho nhiều người đang mắc bệnh hiểm nghèo. Ban đầu nhiều bạn sinh viên còn lo ngại việc làm này dễ nhiễm bệnh, hại sức khỏe. Nhưng qua các cuộc vận động, các bạn đã hiểu việc hiến máu dưới sự thao tác của các bác sĩ với trang thiết bị hiện đại rất an toàn. "Người dân Việt Nam luôn có tinh thần "tương thân tương ái", chỉ cần biết cách tuyên truyền vận động, tổ chức tốt việc hiến máu thì tôi tin chắc rằng sẽ không còn tình trạng thiếu máu và đó cũng là cơ hội lớn nhất đối với người bệnh", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh.
Kỷ niệm 20 năm công tác vận động HMTN, ngày 16-2, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương phối hợp với Ban Chỉ đạo vận động HMTN TP Hà Nội và Hội Liên hiệp thanh niên vận động hiến máu Hà Nội tổ chức Lễ hội Xuân hồng lần thứ VII. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ đạo vận động HMTN TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã đến dự và đánh trống khai mạc lễ hội. Nói về phong trào HMTN trên địa bàn Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, trong 20 năm qua, nhiều mô hình hiến máu, vận động hiến máu có hiệu quả cũng bắt đầu từ Hà Nội, như "Điểm hiến máu cố định, xe buýt chuyên dụng", mô hình các câu lạc bộ vận động HMTN, mô hình mỗi xã, phường, thị trấn là một điểm hiến máu, tuyến phố hiến máu, gia đình hiến máu… |