Tinh giản biên chế và tư duy “duy tình”của người Việt
Xã hội - Ngày đăng : 06:09, 17/02/2014
Rất nhiều vấn đề đã được đặt ra như tinh giản biên chế phải gắn với đổi mới quy trình làm việc, xác định rõ vị trí, khoán lương cho từng vị trí công việc... Và một vấn đề không kém phần quan trọng là đánh giá đúng năng lực của từng công chức trong mỗi vị trí. Đây là cơ sở quan trọng để tinh giản biên chế. Và đây là vấn đề khó nhất! Khó bởi nhiều lẽ, trong đó có cái khó bắt nguồn từ tư duy "duy tình" đã ăn sâu vào suy nghĩ của người Việt. Tư duy "duy tình" có hai mặt. Một là xử lý mọi việc phải có lý có tình. Mặt khác, "duy tình" dẫn tới nể nang, né tránh, thậm chí thiếu sòng phẳng, thiếu công bằng khi nhận xét, đánh giá về năng lực cán bộ, mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong mỗi vị trí công việc... Không phải là nguyên nhân trực tiếp, nhưng nó tác động không nhỏ dẫn đến tình trạng không đào thải được những công bộc "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về".
Kết quả là sau nhiều lần tinh giản biên chế, hiệu quả mang lại không bao nhiêu.
Thực tế, tư duy "duy tình" của người Việt không chỉ ảnh hưởng đến việc đánh giá cán bộ, công chức, việc tinh giản biên chế mà còn tác động rất lớn đến tiến trình xây dựng một xã hội kỷ cương trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, trong khuôn khổ nhất định, người viết chỉ dám lạm bàn một vài khía cạnh của "duy tình" và tác động của nó dưới một góc nhìn hẹp.
Trước hết, "duy tình" là sản phẩm tư duy mang đậm tính cộng đồng làng xã của người Việt, thể hiện tính nhân văn, sự tôn trọng nghĩa tình. Tư duy "duy tình" đã được thể hiện một cách "đầy đặn" trong kho tàng đồ sộ tục ngữ, ca dao: "Thương người như thể thương thân", "Cá chuối đắm đuối vì con", "Lá lành đùm lá rách", "Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"... Đây là một nét đẹp, một giá trị trong văn hóa truyền thống của người Việt. Tuy nhiên, giá trị này cũng có sắc thái hai mặt trong từng hoàn cảnh cụ thể. Nhiều lúc, ở mức độ nhất định "duy tình" đã cản trở không nhỏ tới sự phát triển của xã hội.
Khi các mối quan hệ đan xen vào việc tuyển dụng, thay vì chọn đúng người đúng việc, người ta sẽ ưu tiên những người quen thân, họ hàng và tình trạng "con ông cháu cha" cũng xuất phát từ đấy. Dẫu biết rằng không thể đổ "tiếng ác" cho tất thảy "con ông cháu cha", bởi trong số họ có rất nhiều người không thuộc loại "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" nhưng rõ ràng nhiều trường hợp cụ thể đã gây bức xúc trong dư luận. Không có con số thống kê chính xác số lượng "con ông cháu cha" trong các cơ quan nhà nước nhưng chắc chắn con số này không nhỏ. Một vị đại biểu Quốc hội từng nói rằng: Vẫn tồn tại những vị lãnh đạo sẵn sàng ưu tiên tuyển người xuất phát từ mặt quan hệ, đồ đệ... còn trí tuệ là tiêu chí được xếp sau cùng. Trí tuệ được "ưu tiên" kiểu đó thì không thể nói chuyện phát huy nguồn lực chất xám... Khi những vị trí đã được sắp đặt cho chỗ quen thân thì người có tài năng thật sự cũng rất khó len chân. “Duy tình” cũng là một trong những nguyên nhân sinh ra bè cánh, nhóm lợi ích làm vẩn đục, trì trệ môi trường công sở. Cho nên, không phải vô lý khi đưa ra vấn đề tinh giản biên chế, nhiều người đặt câu hỏi: Liệu có thể loại được bao nhiêu phần trăm "con ông cháu cha" trong bộ máy công quyền?
Tư duy "duy tình" là một trong những lực cản lớn trong việc tinh giản biên chế. Đặt vấn đề như vậy cũng không phải không có lý. Bởi lẽ, trong việc tinh giản biên chế thì đánh giá, sắp xếp cán bộ, công chức có vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là vấn đề cốt lõi. Nếu không đánh giá đúng năng lực, trách nhiệm trong từng phần việc cụ thể, không thể nói đến chuyện để ai và loại ai. Thế nhưng khi "một trăm cái lý không bằng một tí cái tình" thì liệu việc nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức có thể thiên vị không, có chính xác không? Nói đến tinh giản biên chế là đụng đến công ăn việc làm - chuyện không hề đơn giản. Vẫn biết người này, người kia không thể làm hoặc chưa thể đảm đương vị trí công việc nào đó, nhưng khi cái "tình" đã chi phối thì rất khó đưa nhau vào diện tinh giản. Không ai muốn "tự chặt chân chặt tay mình", không ai muốn phá vỡ quan hệ lợi ích, quan hệ đồng nghiệp... Người Việt vốn trọng nghĩa tình. Khi các tiêu chí còn nhiều bất cập, khó định lượng, lại thiếu cơ chế giám sát để đánh giá đúng thực chất cán bộ, công chức thì lối ứng xử "duy tình" vẫn có đất "cắm rễ". Và một khi không ai muốn "đụng chạm" vào ai, thì tinh giản biên chế quả là công việc... cực kỳ khó.
Tinh giản biên chế là yêu cầu cấp bách nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ "công bộc" của nhân dân và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước. Để tinh giản biên chế mang lại hiệu quả thực tế thì việc đầu tiên phải đẩy lùi căn bệnh "duy tình" với những biểu hiện như thiên vị, nể nang, né tránh... Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần xác định rõ quy trình làm việc, vị trí việc làm, yêu cầu chuyên môn cho từng chức danh công việc; đồng thời xác định rõ tiêu chí, tiêu chuẩn, trách nhiệm cụ thể để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng cán bộ, công chức. Từ đó thực hiện tinh giản biên chế một cách công khai, minh bạch. Nếu căn bệnh "duy tình" không được chữa trị, nếu công việc cho một người làm lại sắp xếp cho ba, bốn người thì chắc chắn không thể tinh gọn bộ máy, sắp xếp quỹ lương? Lương thấp, bộ máy cồng kềnh, hệ lụy đối với xã hội thế nào, có lẽ không phải bàn thêm.
Nói như các cụ xưa "Trong tình có lý, trong lý có tình". Thực tế trong tư duy "duy lý" đã hàm chứa cả tư duy "duy tình". Tư duy "duy tình" là một nét đẹp trong tính cách người Việt, nhưng nếu quá nghiêng về "tình" sẽ tạo ra không ít rào cản cho sự phát triển, dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội (chuyện tinh giản biên chế nêu trên chỉ là một ví dụ). Cái tình nói trước, cái lý nói sau, duy tình tới mức "phép vua thua lệ làng" là điều khó có thể chấp nhận được trong xã hội hiện đại. Trên con đường xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần phải có những nhận thức mới, tư duy "duy lý" cần có một chỗ đứng lớn hơn trong mỗi người Việt Nam. Bởi lẽ, tư duy "duy lý" chính là nền tảng cho việc xây dựng một xã hội bình đẳng, công bằng, tạo nên một nền văn hóa pháp lý phát triển - là cơ sở quan trọng để xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương; đồng thời khi tư duy "duy lý" được đề cao, mỗi cá nhân đều có thể thể hiện năng lực trong khuôn khổ pháp luật để tạo ra sự đa dạng, đa giá trị của xã hội.