Đơn vị tiền cổ ở Việt Nam

Xã hội - Ngày đăng : 07:00, 16/02/2014

Đồng (nói tắt của đồng tiền) là tên gọi của một đơn vị tiền tệ cổ của Việt Nam, thường được đúc bằng đồng hoặc hợp kim. Đơn vị này được sử dụng liên tục suốt từ thời nhà Đinh đến khi kết thúc chế độ phong kiến ở Việt Nam.

Từ thế kỷ X, vua Đinh Tiên Hoàng đã cho đúc tiền Thái bình hưng bảo bằng đồng. Có ba loại đồng được đúc vào thời này với đường kính khác nhau, hiện không rõ mệnh giá. Đồng có hình tròn, đường kính trung bình 22 - 24mm. Có đồng có đường kính lên tới 25 - 26mm hoặc nhỏ hơn là 18 - 20mm. Mỗi đồng thường dẹt và dày khoảng 0,5mm, có đồng dày 1mm. Đồng được khoét một lỗ hình vuông ở giữa để tiện xâu lại (thường có cạnh 5mm). Một mặt của đồng thường có 4 chữ viết niên hiệu của đời vua và tên loại tiền (như Thái bình hưng bảo). Mặt còn lại thường không có chữ. Một số ít đồng trên mặt còn lại viết chữ nhỏ để chỉ: Nơi đúc, năm đúc, triều đại, khối lượng hay giá trị ấn định của tiền.

Từ thời vua Lý Thái Tổ trị vì (1009-1028), đồng đã được sử dụng rộng rãi cho việc chi trả lương bổng, tô thuế. Thời vua Lê Thái Tổ (1428 - 1433) quy định có ba đơn vị đếm trong tiền tệ là đồng, tiền và quan. Mỗi quan bằng 10 tiền, mỗi tiền (hay một xâu) bằng 50 đồng. Đến thời vua Lê Thái Tông (1433 - 1442) lại quy định mỗi tiền bằng 60 đồng. Từ thời nhà Mạc, năm 1528, đồng mới được đúc nhỏ hơn (gọi là tiền gián). Từ đó quy định mỗi tiền bằng 60 đồng mới và 36 đồng cũ. Đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn có thêm tiền bằng kẽm tồn tại song hành với đồng. Ban đầu, kẽm đổi gần ngang bằng với đồng nhưng dần dần kẽm bị định giá thấp hơn, có lúc 10 kẽm đổi 1 đồng. Đến thời Pháp thuộc có thêm các đơn vị đếm là hào, xu, trinh, cắc. Mỗi đơn vị gấp 10 lần nhau, 1 đồng bằng 10 hào, 1 hào bằng 10 xu... Người Pháp cho đúc đồng bạc Đông Dương và tiền giấy.

Năm 1396, Hồ Quý Ly đã phát hành tiền giấy thay thế đồng nhằm thu kim loại về cho triều đình. Tiền giấy ra đời ở Việt Nam vào thời kỳ này là tương đối sớm so với nhiều nước trên thế giới. Tuy vậy, tiền giấy chỉ tồn tại đến thời Hậu Lê.

Tùy theo kích thước mà đồng có trọng lượng khác nhau. Thông thường mỗi đồng nặng 3,5-4g. Một số đồng đặc biệt được đúc bằng kim loại quý như bằng vàng hoặc bạc (ngân tiền) có khối lượng theo chỉ hay cây, dùng để vua ban thưởng. Một điều đặc biệt trong những đơn vị đo cổ của Việt Nam là không phải tất cả hai đơn vị liền kề đều gấp nhau 10 lần. Chẳng hạn ở đơn vị đo khối lượng thì một cân bằng 16 lạng, đơn vị đo tiền tệ thì mỗi tiền bằng 60 đồng.

Kết quả kỳ trước. 1 giạ gạo bằng 38,5 lít.

Kỳ này. Đổi 1 đồng sang cắc. Câu trả lời gửi về chuyên mục “Toán học, học mà chơi”, Tòa soạn Báo Hànộimới, 44 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Vũ Kim Thủy - Hoàng Trọng Hảo