“Kho vàng ròng” trong dân gian
Văn hóa - Ngày đăng : 06:54, 16/02/2014
Nó ra đời từ khi nào, bắt nguồn ở đâu không ai trong làng còn nhớ rõ, chỉ biết rằng từ khi có đình làng Phú Nhiêu thì hò Cửa đình và múa Bài bông đã được dân làng diễn xướng. Hò Cửa đình có 517 câu, chia làm 3 phần (người dân thường gọi là trổ). Mỗi trổ đều có âm điệu và hình thức biểu diễn, thể thơ khác nhau nhưng tất cả đều tập trung vào ca ngợi quê hương, đất nước, chúc con cháu trong làng học giỏi, người cao tuổi mạnh khỏe, xóm làng thanh bình, gia đình thịnh vượng... Đặc thù của hò Cửa đình là chỉ thu nạp những trai đinh trong làng từ đủ 18 tuổi trở lên.
Múa Bài bông ngày càng được nhiều bạn trẻ tham gia. |
Cùng với nét đẹp của hò Cửa đình, người dân Phú Nhiêu cũng lưu giữ được điệu múa Bài bông. Múa Bài bông vừa mang tính nghi lễ vừa mang tính diễn xướng. Lời hát là những vần thơ lục bát được chuyển thể cho phù hợp với âm điệu. Nội dung ca ngợi người có công với đất nước và phản ánh cuộc sống lao động của người dân nơi thôn dã. Các đạo cụ để múa là quạt lụa hoa, khăn lụa màu và đèn hoa dùng múa ban đêm. Đội hình múa hát Bài bông là 8 cô gái đẹp trong làng, chưa chồng có âm giọng hay nhất với trang phục rực rỡ, khăn mũ thướt tha. Điệu múa và lời ca hòa quyện, tạo thành một loại hình nghệ thuật dân gian diễn xướng đặc trưng của làng Phú Nhiêu. Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã từng nhận xét: Trong lễ hội làng Phú Nhiêu có hò Cửa đình và múa Bài bông là "vàng ròng trong di sản văn hóa dân gian Việt Nam…".
Trong thời kỳ chiến tranh, 2 loại hình nghệ thuật này đã bị gián đoạn. Vì thế, những câu hò, điệu múa bị mai một nhiều. Đến năm 1997, đình Phú Nhiêu được khôi phục lại, cùng với đó các bô lão và nhân dân Phú Nhiêu đã dày công tìm tòi và hoàn chỉnh bài hò Cửa đình, múa Bài bông… Làng cử các cụ trước đây từng tham gia tập hò, tập múa thành lập CLB hò Cửa đình, múa Bài bông. Theo cụ Vũ Thị Xuyên, một nghệ nhân dân gian của làng, người có công đầu tiên trong việc lưu giữ những tư liệu về nghệ thuật dân gian này là cụ Lương Đức Nghi (nay đã mất). Ròng rã suốt 40 năm, cụ Nghi đã cất công sưu tầm, lưu giữ được nhiều tư liệu gốc về loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc của làng, trong đó có một cuốn sách bằng chữ Nôm ghi lại toàn bộ bài hò cổ, ngày nay được các nghệ nhân trong câu lạc bộ dùng để truyền dạy cho con cháu. Ngoài ra còn có những người như cụ Nguyễn Thị Ga (nay đã mất), cụ Vũ Thị Khiên được nhân dân Phú Nhiêu ví như "kho tư liệu sống" bảo tồn điệu múa Bài bông. Cụ Vũ Thị Khiên năm nay 75 tuổi, cũng là một trong 4 người được phong nghệ nhân hiện còn sống ở làng Phú Nhiêu, bộc bạch: "Những ngày đầu đi học, sưu tầm điệu múa từ cụ Ga, tôi phải giấu gia đình. Vừa học tôi vừa dạy cho 8 bé gái trong làng, đến nay đã dạy 7 lớp với 60 người về múa Bài bông".
Theo nghệ nhân Lương Tất Tố, thời kỳ phát triển thịnh vượng nhất của hò Cửa đình và múa Bài bông là từ năm 2003 đến nay. Khi đó, Hội Văn nghệ dân gian về khảo sát và công nhận làng Phú Nhiêu là địa chỉ văn hóa dân gian của cả nước. Bắt đầu từ đây, hằng năm CLB được mời đi khắp nơi biểu diễn, trong đó thường xuyên phục vụ các sự kiện chính trị của Đảng, Nhà nước và ngành văn hóa. Từ 20 thành viên ban đầu tham gia, đến nay CLB đã phát triển và duy trì thường xuyên được 102 người, trong đó có 48 hội viên múa Bài bông, 54 hội viên hò Cửa đình. Đặc biệt, CLB có 6 cụ được phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian, hiện 4 cụ còn sống là các nghệ nhân Lương Tất Tố, Vũ Thị Khiên, Lương Xuân Đằng và Vũ Thị Xuyên. Ngày nay, lớp lớp nghệ nhân lớn tuổi hằng ngày vẫn tận tình truyền dạy cho thế hệ con cháu. Nghệ nhân Vũ Thị Xuyên cho biết: "Hiện nay, CLB hò Cửa đình và múa hát Bài bông có 4 thế hệ tham gia, người cao tuổi nhất là cụ Vũ Thị Khiên 75 tuổi và ít tuổi nhất là em Vũ Hà Giang 12 tuổi. Còn các bà từ 50 tuổi trở lên đều được truyền dạy thuần thục các điệu múa Bài bông". Trong vài năm trở lại đây, CLB còn chú trọng đến việc truyền dạy cho thế hệ trẻ, mỗi năm mở 1 lớp cho 28 cháu từ 10 đến 13 tuổi tham gia tập luyện. Cháu Lương Quỳnh Châu, 16 tuổi cho biết: "Cháu học múa từ lúc 5 tuổi, đến nay đã thuộc được 3 trổ múa. Cháu rất thích tham gia vào CLB vì đã góp phần giữ gìn giá trị văn hóa dân gian của quê mình và được đi biểu diễn ở nhiều nơi. Sau này cháu sẽ thi vào trường nghệ thuật để góp phần bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân gian của quê hương".