Mùa bận rộn của các đô vật
Thể thao - Ngày đăng : 06:45, 16/02/2014
Trong làng thể thao Việt Nam, ngoài cờ tướng, hiếm VĐV bộ môn nào lại bận bịu vào ngay sau Tết Nguyên đán như vật. Lễ hội mở ra khắp nơi trong đó ở Hà Nội, Bắc Ninh rất chuộng môn vật. Ở đây, lễ hội mà thiếu vật hay cờ tướng coi như thiếu những phần hay nhất. Chẳng thế mà từ trước đến nay, vào mùa vật (sau Tết Nguyên đán cho đến giữa tháng 2 âm lịch) các đô vật rong ruổi khắp nơi để đua tài. Có những đô vật nghiệp dư, có những đô vật đã tập chuyên nghiệp giải nghệ giữa chừng, có cả những đô vật đang thi đấu đỉnh cao… cũng tìm về các sới vật làng. Một điểm chung là hầu hết đều mê vật, trưởng thành từ tiếng trống hội vật làng. Đến kỳ, đến hội, họ tìm về vật làng như để sống lại ký ức cũng như được cọ xát với đủ loại cao thủ trong sới vật dân tộc. Cựu HLV đội tuyển quốc gia Lê Văn Sức, giờ đang làm HLV đội tuyển Công an nhân dân nhớ lại rằng, thời thanh niên, chỉ ăn Tết ở nhà hai ngày, thời gian còn lại ông và chúng bạn rong ruổi xe đạp khắp Hà Nội, Hà Tây (cũ), Bắc Giang, Bắc Ninh để đấu. Đối với hội làng, sự xuất hiện của các cao thủ càng làm không khí bên thảm vật thêm phấn khích.
Các sới vật đầu xuân luôn thu hút rất nhiều đô vật tham gia. Ảnh: Lê Bích |
Cũng vì thế mà bây giờ, ở nhiều nơi, BTC lễ hội không đợi đến khi các đô vật đến ghi tên tranh tài mà đã chủ động gửi thư mời đến các bộ môn vật ở các tỉnh, thành, ngành đưa những VĐV về thi đấu biểu diễn. Như bộ môn vật Hà Nội, trong dịp vừa rồi đã nhận được giấy mời VĐV tham dự hơn chục lễ hội trong ngày 10 tháng Giêng âm lịch. Tất nhiên, bộ môn đành khất do không thể thu xếp VĐV lẫn thời gian dự giải. Không chỉ vật nam mà vật nữ cũng được các BTC lễ hội quan tâm. Những đô vật nổi tiếng trong đó Nguyễn Thị Lụa trở nên đắt "sô". Dù vậy, do phải bảo đảm giữa lịch tập luyện tại bộ môn với lịch tổ chức lễ hội nên mỗi khi định tham gia lễ hội nào, Nguyễn Thị Lụa cũng như các VĐV đỉnh cao khác phải cân nhắc kỹ. Đối với Nguyễn Thị Lụa thì thi đấu tại các hội vật làng có không khí đầy phấn khích do đông khán giả cổ vũ. Điều này như lực hút với các đô vật khiến ai cũng phải bứt rứt khi đành bỏ tham dự tại hội vật làng. Các bộ môn vật ở các tỉnh, thành, ngành, nhất là Hà Nội, Quân đội, Công an nhân dân, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang… cũng tương tự. Với những VĐV trẻ, không phải thi đấu quốc gia hoặc tập huấn đội tuyển quốc gia thì được tạo điều kiện tham dự, còn với các VĐV trọng điểm thì phải lựa chọn giải, thời gian dự giải cho phù hợp. Vật làng không thiếu cao thủ, lỡ bị chấn thương thì ảnh hưởng đến thành tích của đơn vị trong cả năm. Không kể, năm nay còn có Đại hội TDTT toàn quốc nên nhiều đơn vị càng chú ý đến việc gìn giữ các cao thủ của mình, dù ai cũng biết rằng nếu "thả" ra là các đô vật đều tỏa đi các hội làng.
Tất nhiên, hội làng bây giờ không chỉ mang tính so tài cao thấp giữa cao thủ khắp nơi và giúp đô vật được thi đấu trong khung cảnh đông nghịt người xem. Đi đấu vật ở các lễ hội còn mang đến thu nhập không nhỏ cho các cao thủ. Ngày trước, giải thưởng chỉ là chiếc mâm đồng, nồi nấu rượu, cái cày, cái bừa, con dao, cái mâm, cái thớt nghiến, khăn mặt, cái lốp… còn giải nào oách hơn thì được chiếc xe đạp Xuân Hòa hay… máy tuốt lúa! HLV Lê Văn Sức từng thống kê rằng đã giành hơn 60 chiếc mâm đồng từ các hội vật làng! Nhưng giờ đây giải thường cho người đoạt ngôi nhất cũng khá lớn, nhiều nơi lên đến cả chục triệu đồng, có nơi lại thêm chiếc máy tính cá nhân như ở hội vật làng Bùng (Phùng Xá, Thạch Thất) vừa qua. Cũng vì vậy mà bây giờ, các đô vật vẫn luôn bận rộn với các hội vật làng.