Lời cảnh báo sâu sắc

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:01, 16/02/2014

(HNM) - Kết quả giám sát của HĐND TP Hồ Chí Minh mới đây tại quận Thủ Đức cho thấy, quận này có 3 trường mầm non, 50 nhóm lớp mầm non và 118 điểm giữ trẻ (nuôi giữ dưới 6 trẻ) hoạt động không phép.



Tính đến tháng 5-2012, Thủ Đức đã không còn phường "trắng" trường mầm non công lập; thậm chí có phường có tới 3 trường mầm non công lập, thế nhưng vẫn chỉ giải quyết được một phần nhỏ nhu cầu gửi con của phụ huynh trên địa bàn. Với trẻ ở độ tuổi dưới 18 tháng, chuyện học ở trường công từ lâu đã là "cánh cửa hẹp".

Sự phát triển ồ ạt về lao động nhập cư làm việc cho các khu công nghiệp tại khu vực là nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên. Theo quận Thủ Đức, năm 2013, quận đã kiểm tra 141 cơ sở mầm non không phép, trong đó có 31 cơ sở bị xử phạt hành chính với tổng số tiền 155 triệu đồng. Cụ thể, 19 cơ sở mầm non bị xử phạt vì vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh; 12 cơ sở bị xử phạt vì hoạt động không phép.

56 nhóm lớp đã bị kiểm tra và đóng cửa do không đạt yêu cầu nuôi giữ trẻ… Theo báo cáo của 12 phường trên địa bàn quận Thủ Đức, các cơ sở trông giữ trẻ không phép hoạt động khá phức tạp, cơ sở vật chất thiếu thốn, đội ngũ chăm sóc trẻ thiếu chuyên môn… Mặc dù vậy, HĐND TP Hồ Chí Minh cũng không thể yêu cầu đóng cửa ngay các cơ sở không phép. Nguyên do là nếu đóng cửa, các gia đình còn khó khăn hơn bởi… thiếu chỗ giữ trẻ! Tại sao lại ra nông nỗi này?

Lâu nay, báo chí đã lên tiếng nhiều vì chuyện bất chấp tất cả vì… tăng trưởng. Chính vì mục tiêu phấn đấu tăng trưởng mạnh, nhiều địa phương đã đặc biệt ưu ái cho phát triển công nghiệp, đô thị mà thiếu quan tâm đến cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội. Các khu đô thị, các khu công nghiệp đua nhau mọc "như nấm sau mưa", trong khi các cơ sở giáo dục, vui chơi giải trí công cộng tại các khu đô thị, khu công nghiệp này lại rất thiếu. Trước nay, báo chí đã nhiều lần lên tiếng vì chuyện hàng loạt khu đô thị thiếu trường mầm non. Trong khi cư dân ở các khu đô thị, đặc biệt là khu đô thị cao cấp… phần lớn đều thuộc diện "có điều kiện" nên các trường mầm non tư tại những nơi này không có tình trạng bảo mẫu hành hạ trẻ em. Song, tại các khu công nghiệp, đặc biệt là ở phía Nam, chuyện bảo mẫu hành hạ trẻ em diễn ra khá phổ biến gây bức xúc dư luận. Nguyên nhân cũng chỉ vì quá quan tâm tới tăng trưởng, lợi nhuận nên chính quyền địa phương cũng như chủ đầu tư đã "quên" quyền lợi hợp pháp chính đáng của người dân, người lao động đến khi xảy ra những chuyện vô cùng đáng tiếc thì các cơ quan chức năng mới chợt phát hiện sai lầm do… lịch sử để lại.

Chuyện bảo mẫu hành hạ trẻ em tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam là lời cảnh báo sâu sắc cho các địa phương khác. Rõ ràng là không thể vì sự phát triển, lợi ích trước mắt mà thiếu sự quan tâm, sâu sát đến đời sống dân sinh.

Nguyễn Đức