Italia: Sóng gió chưa qua
Thế giới - Ngày đăng : 05:52, 16/02/2014
Động thái này diễn ra sau cuộc họp bất thường của PD ngày 13-2 do Tổng Thư ký của đảng này Matteo Renzi triệu tập. Theo các nhà phân tích, kể từ khi trở thành thủ lĩnh của PD vào tháng 12-2013, ông M.Renzi, thường xuyên chỉ trích Thủ tướng E.Letta thiếu năng lực trong việc điều hành chính phủ nhằm vực dậy nền kinh tế yếu kém của đất nước. Kết quả bỏ phiếu trong cuộc họp cho thấy, đa số thành viên của PD ủng hộ ông M.Renzi với 136 phiếu thuận, 16 phiếu chống và 2 phiếu trắng.
Ông M.Renzi sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về kinh tế. |
Nhằm tránh để Italia rơi vào khoảng trống quyền lực, trong hai ngày 14 và 15-2, Tổng thống Giorgio Napolitano đã bắt đầu tham vấn các chính đảng về thành lập Chính phủ mới để có thể thông qua những cải cách kinh tế, chính trị rất cần thiết. Nếu không có gì thay đổi, ông M.Renzi, 39 tuổi, sẽ trở thành Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử đất nước hình chiếc ủng và trong cả Liên minh Châu Âu (EU); đồng thời là thủ tướng thứ ba lên nắm quyền không qua bầu cử trực tiếp ở nước này trong vòng 3 năm qua. Một khi được cử vào chiếc "ghế nóng", ông M.Renzi sẽ phải tiến hành các cuộc đàm phán không dễ dàng để xây dựng lại liên minh cầm quyền sau cú sốc do ông gây ra dẫn đến sự sụp đổ Chính phủ của người tiền nhiệm Letta. Thử thách tiếp theo với vị Thủ tướng mới là phải duy trì một Quốc hội ổn định cho tới năm 2018, tránh không phải tổ chức một cuộc bầu cử lập pháp trước thời hạn bởi điều đó chỉ tạo ra một quốc hội trì trệ, giống những gì từng xảy ra trong năm 2013. Trong khi đó, với vai trò là người đứng đầu nội các không qua bầu cử, ông M.Renzi cũng phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Cuộc bỏ phiếu trong đảng Dân chủ vừa diễn ra đã cho thấy có một lượng thành viên không nhỏ chưa thực sự đồng tình với quan điểm của ông M.Renzi. Một số đảng phái đối lập tại Italia cũng yêu cầu đảng cầm quyền phải quan tâm đến lập trường của họ.
Mặc dù những động thái của ông M.Renzi giành được nhiều sự ủng hộ của giới tài chính Italia, nhưng những thay đổi về chính trị thường xuyên ở nước này trong những năm gần đây đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới nỗ lực phục hồi của nền kinh tế lớn thứ 3 Khu vực đồng tiền chung Châu Âu. Đất nước hình chiếc ủng vừa thoát khỏi giai đoạn suy thoái dài nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai và dự kiến trong năm nay, nền kinh tế Italia sẽ giữ được nhịp độ tăng trưởng nhẹ ở mức 0,8%. Thế nhưng, theo cảnh báo của các chuyên gia phân tích, nền kinh tế quốc gia bên bờ Địa Trung Hải vẫn chưa thoát khỏi "vùng nguy hiểm" với nợ công vẫn ở mức khoảng 133% GDP - mức cao thứ hai trong EU, sau Hy Lạp. Thêm vào đó là sức ép từ tăng trưởng kinh tế yếu, lòng tin tiêu dùng và mức xếp hạng tín nhiệm tương đối thấp. Theo báo cáo mới nhất vừa được Cribis D&B - hãng chuyên cung cấp dữ liệu về nợ thuế của các doanh nghiệp - công bố, mỗi ngày tại nước này có tới 54 doanh nghiệp thông báo phá sản, tức trung bình mỗi giờ tại đây có hơn 2 doanh nghiệp phá sản.
Nghiêm trọng nhất là tỷ lệ thất nghiệp của Italia đang ở mức kỷ lục trong vòng 37 năm qua. Theo Cơ quan thống kê Nhà nước Italia (ISTAT), số người trong độ tuổi đi làm không có việc ở nước này đã lên tới 12,7% với 3,3 triệu người. Còn đối với giới trẻ, cứ trung bình 10 người Italia trong độ tuổi thanh niên thì 4 người không có việc làm. Trong năm 2013, hơn 100.000 người Italia đã bỏ ra nước ngoài để tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp. Vì vậy, nhiều khả năng ông M.Renzi sẽ yêu cầu ông E.Letta giữ chức Bộ trưởng Kinh tế trong Chính phủ mới để thực hiện các chính sách về kinh tế mà chính ông đã đề ra trong kế hoạch trình Quốc hội hôm 12-2 vừa qua. Trong đó, nội dung nổi bật là cải cách thị trường lao động, cắt giảm thuế đối với lao động và thuế thu nhập.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra vào năm 2008, Italia đã có tới 4 lần thay thủ tướng. Vì vậy, nếu ông M.Renzi không triển khai hiệu quả những cải cách như đã cam kết, chính trường Italia sẽ lại phải mất thời gian tìm kiếm sự ổn định mới. Đây là điều kiện sống còn để Rome tiếp tục thực hiện những liệu pháp thúc đẩy tăng trưởng nhằm vượt qua "bẫy" suy thoái vẫn đang đe dọa nhấn chìm nền kinh tế đang trên đà hồi phục mong manh này.