Những “chiến sĩ” áo blouse trắng

Giới trẻ - Ngày đăng : 05:48, 16/02/2014

(HNM) - Những ngày đầu năm mới, hệ thống các bệnh viện nằm trên địa bàn Hà Nội đều lâm vào tình trạng quá tải với lượng bệnh nhân đông đến nghẹt thở.

"Gồng mình" vì người bệnh

Chúng tôi có mặt tại Phòng khám Nhi (BV Đa khoa Xanh Pôn) vào tiết trời buổi sáng lạnh đến thấu xương, nhiệt độ giảm sâu xuống 9oC. Mới đầu giờ, các dãy ghế ngoài hành lang phục vụ người nhà và bệnh nhân chờ khám đã không còn chỗ trống. Nhiều ông bố, bà mẹ với lỉnh kỉnh khăn áo, chăn quấn kín con trên tay vẫn kiên nhẫn đứng chờ tới lượt. Trên tầng 3 Khoa Nhi tổng hợp của BV, không khí còn căng thẳng hơn với tiếng trẻ quấy khóc, phụ huynh sụt sùi, tiếng bước chân y tá, bác sĩ hối hả ra vào. Thời điểm đầu năm là lúc dịch viêm phổi, viêm phế quản, sốt virus, viêm đường hô hấp hoành hành khiến cho khối lượng công việc của các y, bác sĩ ở đây trở nên quá tải.

Các bác sĩ Bệnh viện Việt- Đức đang cấp cứu bệnh nhân.


Đa khoa Xanh Pôn là BV tuyến đầu của thành phố về điều trị nhi và cũng là nơi được ngành y tế Thủ đô phân công tiếp nhận điều trị các bệnh nhi bị sởi nặng, có biến chứng. Hiện nay, số trẻ vào khám sốt phát ban dạng sởi tại BV Xanh Pôn vẫn tăng từng ngày. Tại Khoa Nhi tổng hợp, kể từ ca mắc sởi đầu tiên được phát hiện ngày 15-12-2013, tính đến thời điểm này đã tiếp nhận tổng cộng 124 ca sốt phát ban dạng sởi vào điều trị. Qua tiến hành xét nghiệm với 68 mẫu bệnh phẩm, xác định được 33 ca dương tính với sởi. Bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Trưởng khoa Nhi tổng hợp (BV Xanh Pôn) cho biết, trên thực tế số bệnh nhân sốt phát ban dạng sởi còn cao hơn nhiều nhưng qua khám sàng lọc, những trường hợp nhẹ được chỉ định điều trị ngoại trú, trường hợp nặng mới cho nhập viện. Tất cả 124 ca nhập viện đến thời điểm này đều có biến chứng, trong đó 90% bị biến chứng viêm phổi. Bệnh sởi có tốc độ lây lan rất nhanh. Nạn nhân của bệnh sởi đủ các lứa tuổi từ trẻ em đến người trưởng thành. Thậm chí, tại Khoa Nhi đã có bác sĩ bị lây sởi từ bệnh nhân.

Không chỉ có BV Xanh Pôn mà rất nhiều BV khác như: Khoa Nhi (BV Bạch Mai), BV Nhi trung ương…, các y bác sĩ ngày đêm quần quật với công việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân; lặng lẽ chiến đấu với dịch bệnh nguy hiểm mà hiếm có được một ngày nghỉ ngơi trọn vẹn. Liên tục từ Tết Nguyên đán đến nay, các bác sĩ tại Khoa Nhi (BV Bạch Mai) luôn trong cảnh tất bật với một lượng bệnh nhân "khủng", tăng gấp 3-4 lần bình thường.

Tại hành lang khu khám bệnh của BV Lão khoa, nhiều bệnh nhân phải chùm cả chăn bông để chống rét. Bác sĩ Nguyễn Văn Long, Khoa Khám bệnh, BV Lão khoa trung ương cho biết, mỗi ngày phải khám tư vấn và điều trị cho khoảng hơn 30 ca. Riêng đối với người già, các tư vấn dặn dò phải ân cần, kỹ lưỡng vì nhiều người nói trước quên sau; có bệnh nhân tư vấn hướng dẫn xong, lúc sau lại quay vào yêu cầu bác sĩ nhắc lại từ đầu...

Từ thời điểm Tết Nguyên đán đến nay, Khoa Cấp cứu BV Việt-Đức luôn ở trong tình trạng quá tải. Đội ngũ điều dưỡng tại đây đã phải làm việc với công suất gấp 200, thậm chí tới 300% so với trước đây. Một cán bộ điều dưỡng cho hay: "Theo quy định của Nhà nước, thời gian làm việc là 46 tiếng/tuần nhưng đội ngũ y bác sĩ ở đây thường làm việc 55-60 tiếng/tuần, vượt thời gian quy định của Nhà nước 5-10%. Mỗi ngày xấp xỉ 100 - 150 ca, tập trung cao điểm từ 10h sáng hôm trước đến 2-3h sáng hôm sau".

Điều đáng sợ nhất đối với các điều dưỡng, y bác sĩ nơi đây là cùng một lúc nhập viện nhiều bệnh nhân nặng, từ khắp nơi đổ về. "Có khi 5, 6 bệnh nhân tai nạn, hôn mê từ các bệnh viện khác chuyển lên tuyến cuối. Chúng tôi phải xếp 3 bệnh nhân thành hình rẽ quạt, chụm đầu vào một chỗ, rồi một y tá đứng bóp một lúc 3 bóng, hỗ trợ thở cho bệnh nhân, chờ đến lượt cấp cứu. Kinh nghiệm này không được dạy trong trường, mà qua thực tế làm việc phải linh hoạt" - Cán bộ điều dưỡng không giấu nổi nỗi lo lắng.

Niềm vui và những khoảng lặng

Làm việc không mong nhận được lời cảm ơn từ gia đình bệnh nhân, chỉ mong không nhận được sự than phiền trách móc là tốt rồi. Một bác sĩ tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi trung ương tâm sự: "Ở Khoa Cấp cứu, hiếm khi chúng tôi nhận được lời cảm ơn vì không có thời gian tiếp xúc với người nhà bệnh nhân".

Ngồi trò chuyện với phóng viên chưa đầy một tiếng đồng hồ nhưng câu chuyện luôn bị ngắt quãng do điện thoại của anh liên tục reo. "Em nói nhanh lên… Bé đã hôn mê và co giật…", "Đặt nội khí quản giúp thở…", "Điều chỉnh các thông số máy…", "Có gì bất thường gọi lại ngay nhé"…

Thời điểm tháng 11 năm ngoái, các y, bác sĩ của BV đã giành lại sự sống cho một bệnh nhân chưa đầy 12 tháng tuổi tại Quảng Ninh trong tình trạng hôn mê sâu. Ban đầu em nhỏ này được điều trị tại BV Đa khoa huyện Vân Đồn. Do bệnh tình diễn biến nguy kịch, em bé được chuyển lên BV Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Với quyết tâm "còn nước còn tát", gia đình cùng các bác sĩ BV Đa khoa tỉnh Quảng Ninh lại phải chuyển cháu nhỏ lên BV Nhi trung ương. Suốt dọc đường đi, không chỉ người nhà mà các bác sĩ cũng thấp thỏm lo lắng cho tính mạng của cháu. Nhưng bằng sự tận tâm hết lòng của các y bác sĩ tại BV Nhi trung ương, 3 ngày sau, em nhỏ này đã thoát khỏi bàn tay tử thần. "Được nhìn thấy ánh mắt của cháu, những cử động tuy còn rất yếu ớt từ phía cháu, gia đình tôi cũng không cầm được nước mắt vì sung sướng. Tôi và gia đình bây giờ chỉ còn biết đặt hết niềm tin vào các y bác sĩ" - bố cháu bé xúc động cho biết.

Niềm vui rất nhiều nhưng khoảng lặng trong nghề y cũng không ít. Những điều dưỡng tại BV Việt-Đức tâm sự với chúng tôi câu chuyện với nỗi buồn nghèn nghẹn. Một bệnh nhân 5 tuổi gặp tai nạn thảm khốc và khi đưa vào BV tỉnh Ninh Bình đã tử vong nhưng bố đứa trẻ vẫn vật nài xin xe cấp cứu đưa cháu lên BV Việt-Đức. Nhìn ông bố lặng lẽ, mắt đau đáu, van xin bác sĩ cứu con mình nên mặc dù cơ thể em bé đã lạnh ngắt, tím tái, mọi người vẫn cố gắng làm những biện pháp sơ cứu trong vô vọng. Người bố thất thần ôm con mình trong tay trước sự bất lực của bác sĩ.

Lâu nay vẫn có nhiều "lời ra tiếng vào" về nghề y. Tuy nhiên sự thiếu trách nhiệm trong công tác chữa bệnh và suy thoái về đạo đức của bác sĩ chỉ là một bộ phận nhỏ. Đa phần các thầy thuốc vẫn tận tụy với nghề, với sự nghiệp thầm lặng của chính mình. Họ là những “chiến sĩ” luôn "chiến đấu" hết mình để dành lại niềm tin, sự sống cho bệnh nhân.

Bảo Ngọc - Thu Trang