Nên nghĩ tới dân trước

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:25, 15/02/2014

(HNM) - Mấy ngày nay, thông tin về một dự thảo thông tư cho phép các tổ chức, cá nhân bị xử phạt hành chính khi vi phạm đối với một số lỗi về pháp luật giao thông có thể nộp phạt trực tiếp cho người ra quyết định xử phạt đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận.


Băn khoăn ấy là có cơ sở. Lâu nay, câu chuyện người vi phạm giao thông "xin xỏ", "dấm dúi" với người thực thi công vụ đã trở thành chuyện quá quen thuộc, gây bức xúc. Cũng có người cho rằng nếu người vi phạm không hối lộ thì lấy đâu tiêu cực. Nói như vậy cũng đúng, nhưng dù thế nào thì chắc chắn sự gương mẫu phải bắt đầu từ những người thực thi công vụ. Không thể cứ vin cớ ý thức dân kém thì cán bộ cũng phải hư theo. Ngược lại, cũng không thể vì sự "hư" của cán bộ mà đặt ra những quy định rườm rà gây phiền hà cho dân. Mọi cán bộ thực thi công vụ đều đã có các quy phạm pháp luật quy định, điều chỉnh hành vi của họ. Nếu họ làm sai sẽ bị pháp luật xử lý theo mức độ vi phạm.

Trên thực tế, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu cực nói trên cũng chính là sự bất tiện, rườm rà của quy trình nộp phạt.

Vì nhiều lý do, hầu như chẳng ai muốn phải lóc cóc đến kho bạc nộp phạt, vừa mất thời gian, vừa phiền phức, bởi không phải ở đâu cũng gần kho bạc. Người đi xe máy vi phạm có khi còn "nhẹ" chứ những xe tải, xe khách mỗi lần trót vi phạm rồi có lo xong thủ tục nộp phạt thì các mất mát về thời gian làm ảnh hưởng đến hàng hóa, hợp đồng khiến họ có thể thiệt gấp mười, gấp trăm. Vậy là, để né những phiền toái đó, rất nhiều người dân đã lựa chọn giải pháp "xử lý tại chỗ" theo kiểu đôi bên (người dân và người xử phạt) đều có lợi. Chỉ Nhà nước là thiệt.

Như vậy, vấn đề chính ở đây là phải tìm cách giảm bớt những thủ tục rườm rà, gây phiền hà cho người dân. Tức là cần đặt lợi ích của người dân lên trước, giải quyết những vấn đề của dân trước các "khó khăn" của lực lượng chức năng. Thay vì lo người có thẩm quyền xử phạt sẽ dễ nhận hối lộ hơn thì hãy lo làm sao để người dân thuận tiện trong nộp tiền phạt hơn. Điều thấy rõ là việc nộp trực tiếp sẽ giúp cho người dân và cả Nhà nước tiết kiệm thời gian, thủ tục.

Còn đối với chuyện tiêu cực của lực lượng thực thi công vụ, vấn đề quan trọng là cơ chế quản lý, giám sát như thế nào. Đó là trách nhiệm của ngành chủ quản. Nếu tư cách, đạo đức và trách nhiệm của cán bộ không tốt thì dù có thu tiền tại chỗ hay ở kho bạc thì họ vẫn có thể nhận tiền hối lộ của dân được. Hay nói cách khác là muốn trị bệnh "cầm nhầm tiền" của lực lượng chức năng xử phạt vi phạm chắc chắn cần một "toa thuốc" khác.

Tuấn Kiệt